Tài chính xanh - giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam

Chiều 18/12, Học viện Ngân hàng tổ chức Hội thảo “Tài chính xanh - giải pháp thúc đẩy nhằm hướng đến phát triển bền vững ở việt nam”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ hợp tác chiến lược giữa Học viện Ngân hàng và Quỹ hợp tác quốc tế các Ngân hàng tiết kiệm Đức (DSIK).
Nghiên cứu đổi mới cơ chế tài chính, đặt hàng với cơ quan báo chí Hà Nội bảo đảm nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển giáo dục Thương mại hóa các công nghệ cốt lõi, ứng dụng chuyển đổi số vào lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng

Tham dự hội thảo có đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN); đại diện Ban Lãnh đạo Học viện Ngân hàng; đại diện Quỹ hợp tác quốc tế các Ngân hàng tiết kiệm Đức (DSIK); các chuyên gia, khách mời từ các doanh nghiệp, tổ chức, cùng các cán bộ, giảng viên và sinh viên Học viện Ngân hàng.

Phát biểu khai Hội thảo, PGS. TS Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng nhấn mạnh: “Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức to lớn từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên, việc tìm kiếm các giải pháp tài chính xanh để hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững trở thành một yêu cầu cấp bách và quan trọng.

Tài chính xanh - giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam
PGS. TS Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng phát biểu khai mạc Hội thảo

Tại Việt Nam, tài chính xanh là hướng đi cần thiết trong việc triển khai chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và đã đạt được những kết quả quan trọng ban đầu.

Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chính sách định hướng phát triển tài chính xanh, tiêu biểu như: Luật Bảo vệ môi trường (năm 2020), Quyết định số 1658/QĐ-TTg, ngày 01/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Quyết định số 882/QĐ-TTg, ngày 22/7/2022 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030…

Cùng với đó là các quy định pháp lý về tín dụng xanh, như: Chỉ thị số 03/CT-NHNN, ngày 24/3/2015 của Ngân hàng Nhà nước về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Quyết định số 1408/QĐ-NHNN, ngày 26/7/2023 về Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu…

Hội thảo được tổ chức sẽ góp phần làm rõ thêm tầm quan trọng của tài chính xanh, đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện khung pháp lý nhằm thúc đẩy tài chính xanh, hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững”.

Taị Hội thảo, ông Trần Anh Quý, Trưởng phòng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước đã trình bày tham luận khái quát về tình hình triển khai tín dụng xanh tại các Ngân hàng TMCP cũng như gợi ý giải pháp, nhiệm vụ để triển khai hiệu quả tín dụng xanh trong thời gian tới.

Tài chính xanh   giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam
Tài chính xanh   giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam
Tài chính xanh   giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam
Các chuyên gia, diễn giả và khách mời thảo luận, nêu ý kiến tại Hội thảo

Theo vị chuyên gia từ NHNN, tính đến ngày 30/9/2024, đã có khoảng 50 TCTD phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt trên 665 nghìn tỷ đồng, tăng 7,11% so với cuối năm 2023, chiếm tỷ trọng trên 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 43%) và nông nghiệp xanh (trên 30%).

Để phát triển tín dụng xanh hiện nay, ông Trần Anh Quý cũng đề xuất một số giải pháp liên quan đến việc Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; tập trung nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực kinh tế xanh; thống kê đầy đủ tín dụng xanh trong hệ thống ngân hàng; tăng cường hợp tác quốc tế, tạo điều kiện các tổ chức tín dụng (TCTD) huy động nguồn vốn nước ngoài để tài trợ vốn cho các dự án xanh, có lợi ích về môi trường, xã hội; khuyến khích TCTD trong nước đẩy mạnh thực hành ESG và công bố Báo cáo phát triển bền vững và tăng cường các hoạt động đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm giữa các TCTD trong nước.

Về góc nhìn từ nhà nghiên cứu, TS Doãn Công Khánh, Nguyên Giám đốc Trung tâm Thương mại và Môi trường, Viện Nghiên cứu Thương mại, cho rằng phát triển kinh tế xanh là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 đã được phản ánh trong Báo cáo chính trị, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021- 2030. Xu hướng phát triển xanh đã và đang hình thành luật chơi mới về thương mại và đầu tư. Các tiêu chuẩn bền vững chỉ đã trở thành các yêu cầu phổ biến trên mọi phân khúc, mọi thị trường.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Tham vọng khí hậu của Liên hợp quốc, Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ: "Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh công bằng, công lý; trong đó lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể và không để ai bị bỏ lại phía sau".

Tài chính xanh - giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam
Với nhiều ý kiến khác của các chuyên gia, nhà khoa học, Hội thảo đã diễn ra vô cùng sôi nổi, hiệu quả, mang tới nhiều giải pháp chất lượng góp phần nâng cao hiệu quả phát triển tài chính xanh, hướng tới phát triển bền vững ở Việt Nam.

TS Doãn Công Khánh cũng đề xuất các giải pháp cần chú trọng bao gồm: Đẩy nhanh quá trình xây dựng cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực tài chính trong nước và quốc tế thông qua các công cụ tài chính xanh như trái phiếu xanh kỳ hạn dài, lãi suất thấp; tín dụng xanh; bảo hiểm xanh; xây dựng Thuế sinh thái hay thuế xanh đánh vào những hoạt động kinh tế có sử dụng tài nguyên thiên nhiên và có tác động tiêu cực đến môi trường; bộ Tài chính cần xây dựng danh mục hàng hóa thân thiện với môi trường được ưu tiên lựa chọn khi thực hiện dự án đầu tư; mua sắm công, phối hợp cùng Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên & Môi Trường sớm nghiên cứu xây dựng và ban hành hệ thống thuế Tiêu dùng xanh khuyến khích sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu các hàng hóa TTM; phối hợp cùng NHNN sửa đổi cơ chế tín dụng hoặc Quỹ bảo lãnh tín dụng giúp các DN có điều kiện tiếp cận nguồn vốn để tham gia các chuỗi cung ứng hàng hóa.

Ngoài ra, Luật Thuế bảo vệ môi trường sửa đổi cần đưa vào quy định: nguồn thu thuế BVMT được quản lý trong chương mục riêng của ngân sách nhà nước và chỉ dành để đầu tư ngược lại cho các hoạt động BVMT; nghiên cứu kết hợp thuế bảo vệ môi trường vào hệ thống thuế nhập khẩu. Cùng với đó, Chính phủ, doanh nghiệp và nhà đầu tư cần phải tính toán cẩn trọng lợi ích/chi phí, nguồn lực, nếu không, sẽ vô tình rơi vào các “cái bẫy” nợ nần, mất đi cơ hội phát triển.

Về góc nhìn từ các doanh nghiệp, ông Hoàng Quốc Anh, Chuyên gia Tài chính xanh, Phó Tổng thư ký Hội thành viên độc lập HĐQT doanh nghiệp Việt Nam (VNIDA), CEO Investment Banking - Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam nhấn mạnh vai trò của ngành tài chính trong việc thúc đẩy sự thay đổi nhằm hướng đến bền vững.

Theo đó, ngành tài chính đã tài trợ cho các công ty có tác động tích cực với môi trường và xã hội, khuyến khích các công ty quản lý rủi ro ESG của mình thông qua các báo cáo, sáng kiến hợp tác, phát triển công cụ tài chính và kêu gọi chính phủ hành động. Tuy nhiên, vẫn còn một số rào cản như việc cân bằng giữa hiệu quả tài chính ngắn hạn và tác động tài chính dài hạn, thiếu sự đồng thuận về cách định nghĩa các hoạt động xanh/bền vững, khung pháp lý còn yếu và thiếu nhu cầu từ phía người tiêu dùng.

Tài chính xanh - giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam
Các chuyên gia, diễn giả và đại biểu chụp hình lưu niệm tại Hội thảo

Theo ông Hoàng Quốc Anh, kết quả khảo sát của BCG survey cho thấy 57% người tiêu dùng toàn cầu sẵn sàng trả thêm tiền cho các sản phẩm được sản xuất với phát thải ròng bằng 0. Người tiêu dùng sẽ chuyển sang các công ty mạnh hơn về ESG. Dù các công ty ESG có thể không tính giá cao hơn, họ vẫn tăng doanh số vì người tiêu dùng lựa chọn mua nhiều sản phẩm hơn.

Vị diễn giả đưa ra kết luận: "Hiệu quả ESG thúc đẩy lòng trung thành của người tiêu dùng, thu hút vốn, và giảm thiểu rủi ro. Tuân thủ CBAM và tài chính bền vững là điều cần thiết để duy trì tính cạnh tranh. Giải pháp hành động đối với các doanh nghiệp hiện nay là bắt đầu với các bước đo lường được: Kiểm toán ESG, hợp tác với các bên liên quan, và khám phá các lựa chọn tài trợ xanh…".

Với nhiều ý kiến khác của các chuyên gia, nhà khoa học, Hội thảo đã diễn ra vô cùng sôi nổi, hiệu quả, mang tới nhiều giải pháp chất lượng góp phần nâng cao hiệu quả phát triển tài chính xanh, hướng tới phát triển bền vững ở Việt Nam.

Phạm Thành
Phiên bản di động