"Sóng và máy tính cho em” lan tỏa lòng nhân ái, yêu thương khắp mọi miền đất nước
Lan tỏa yêu thương tới xóm nghèo chân cầu Long Biên "Vùng xanh" ngăn chặn Covid-19, lan tỏa yêu thương |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em" |
Miễn phí internet cho học sinh, sinh viên học trực tuyến
Phát biểu tại chương trình, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhắc lại cuộc điện thoại của Thủ tướng nói về ý nghĩa của Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Ngoài việc ưu tiên hỗ trợ máy tính, dịch vụ viễn thông đối với những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn khi học trực tuyến, chương trình còn nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số.
Khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, việc dạy, học phải chuyển sang hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, nhiều học sinh không có máy tính, thiết bị để học. Giai đoạn 1 của chương trình sẽ huy động 1 triệu máy tính bảng cho học sinh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, “Sóng và máy tính cho em” là chương trình lớn, có liên quan đến học sinh toàn quốc. Một lời hiệu triệu cả triệu người theo. Chủ trương đúng đắn, nhân văn nên chỉ trong 5 ngày phát động, các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã vào cuộc tích cực và có được sự kiện ngày hôm nay.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, chương trình gồm 3 phần: Sóng Internet, máy tính và giá cước viễn thông phù hợp. “Sóng và máy tính cho em” sẽ thúc đẩy chuyển đổi số. Theo đó, ở vùng quê, các em sẽ hỗ trợ bố mẹ làm quen với chuyển đổi số, mua bán bằng điện tử.
Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu, trong tháng 9, học sinh ở khu vực giãn cách xã hội sẽ có sóng để học. Cuối năm 2021, học sinh cả nước sẽ có sóng để học. Từ nay đến cuối năm, các nhà mạng sẽ miễn phí cước viễn thông cho chương trình học tập trực tuyến.
Vì sức khỏe của học sinh, an toàn phải được đặt lên trên hết
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì chương trình "Sóng và máy tính cho em" |
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ hiện nay là sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường mới theo phương án thích ứng an toàn với dịch bệnh. Đặc biệt, Chính phủ rất quan tâm đến việc mở cửa trường học an toàn. An toàn phải được đặt lên trên hết vì sức khỏe của các cháu, thế hệ tương lai của đất nước nhưng vẫn phải học tập.
Thủ tướng chia sẻ, ai cũng ngậm ngùi khi dịch bệnh đã lấy đi ý nghĩa tuổi thơ của các cháu như chưa được cắp sách đến trường hàng ngày, không được nghe tiếng trống trường, không được gặp gỡ, giao lưu với bạn bè, thầy cô… Nhiều nơi, các cháu phải học trực tuyến suốt gần 2 năm qua. Điều đó ảnh hưởng đến tâm lý, kiến thức và phát triển toàn diện của các cháu, làm đảo lộn cuộc sống của nhiều gia đình; Cha mẹ không có người chăm sóc con cái giúp trong khi vẫn phải đi làm hàng ngày. Thậm chí, nhiều gia đình khó khăn, các cháu còn thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa vì không có máy tính để học trực tuyến, nhiều nơi mạng chập chờn hoặc không có kết nối sóng.
"Đảng, Nhà nước hiểu rất rõ và chia sẻ với gia đình các cháu đang đối mặt với khó khăn để thích ứng với việc học tập trong điều kiện dịch bệnh. Đảng, Nhà nước đang xây dựng những giải pháp trước mắt và lâu dài để chúng ta thích ứng an toàn với dịch bệnh, thực hiện mục tiêu mở trường học một cách an toàn và an toàn mới mở cửa", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Thủ tướng yêu cầu, một trong những mục tiêu ứng phó với dịch bệnh hiện nay là tiến tới mở cửa an toàn trường học để các cháu không phải học trực tuyến. Thủ tướng đề nghị, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục Đào tạo, các bộ, ngành và địa phương chủ động xây dựng kịch bản trở lại trường học an toàn ở những nơi an toàn. Việc tiêm vắc xin cho trẻ em cần được tiến hành sớm, đặc biệt với trẻ em từ 12 tuổi trở lên.
Bộ Thông tin và Truyền thông là đầu mối cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan và địa phương phối hợp chặt chẽ để xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông; Hiểu một cách đơn giản là “có sóng” cho các cháu, nhất là ở những vùng chưa có sóng hoặc sóng không đạt chất lượng. Đồng thời, các bộ xây dựng tiêu chí, điều kiện hỗ trợ máy cho các cháu đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng và sử dụng hiệu quả; Tiếp tục vận động các tổ chức và cá nhân thực hiện chương trình ý nghĩa này.
Bộ Giáo dục và Đào tạo là đầu mối phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng chương trình học đảm bảo thống nhất về nền tảng dạy và học, các tài liệu học để dùng chung hoặc đáp ứng được yêu cầu hình thức truyền tải kiến thức thông qua việc kết hợp giữa phương pháp học trực tuyến và sử dụng phương tiện truyền thông đại chúng như truyền hình, phát thanh. Đồng thời, Bộ cần thiết kế chương trình thi, đánh giá kết quả gắn với học trực tuyến để đảm bảo chất lượng và tạo tâm lý yên tâm cho các cháu và phụ huynh.
Hiện nay, mọi người nhắc nhiều đến cụm từ “thế giới phẳng”, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã làm “phẳng thế giới” bằng sự kết nối toàn cầu qua không gian mạng. Chúng ta cần có tầm nhìn về xu hướng chung đó để phát triển đất nước mang lại nhiều tiện ích, giá trị, cải thiện và hiện đại hóa đời sống của Nhân dân.
Thủ tướng nhấn mạnh, cha ông ta đã từng nói “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” hay “Trong cái khó ló cái khôn”. Dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội, của mọi người dân trên thế giới và nước ta. Đây cũng là thời điểm chúng ta quản lý sự thay đổi, phát huy sự sáng tạo trong mỗi cá nhân, gia đình, doanh nghiệp và đất nước để tăng khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh, nhất là quản lý rủi ro.
"Dịch bệnh rồi sẽ ở lại phía sau chúng ta nhưng những bài học về ứng phó dịch bệnh sẽ tiếp tục được nghiên cứu và áp dụng, trong đó có bài học về sự ứng dụng công nghệ. Chương trình “Sóng và máy tính cho em” là thông điệp thích ứng phù hợp với tình hình, quản lý sự thay đổi và lan tỏa lòng nhân ái của mỗi chúng ta. Tôi tin rằng, chương trình sẽ truyền đi năng lượng tích cực, ý nghĩa nhân văn đến với cộng đồng để góp phần xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn trong kỷ nguyên công nghệ số”, Thủ tướng khẳng định.