Sớm tháo gỡ vướng mắc về kinh doanh xăng dầu, không được để chậm trễ

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các đơn vị liên quan sớm tháo gỡ được vướng mắc trong kinh doanh xăng dầu và những phát sinh thời gian qua, không được để chậm trễ.
Hai bộ sắp phải giải trình về thị trường xăng dầu với Ủy ban Kinh tế Quốc hội Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Không nên có mức chiết khấu xăng dầu tối thiểu Việt Nam chi hơn 900 triệu USD nhập xăng dầu trong tháng đầu năm

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công thương truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về sửa đổi, bổ sung nghị định 95 và nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, cơ quan, doanh nghiệp liên quan nghiên cứu kỹ các kiến nghị của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong quá trình hoàn thiện dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu.

Sớm tháo gỡ vướng mắc về kinh doanh xăng dầu, không được để chậm trễ
Ảnh minh họa

“Bộ Công thương khẩn trương trình Chính phủ dự thảo nghị định trong tháng 2/2023 theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Mục tiêu là đảm bảo tiến độ, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khoa học, hài hòa, hợp lý, hiệu quả”, văn bản nêu rõ.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu việc sửa đổi nghị định phải giảm được khâu trung gian trong lưu thông, phân phối và kinh doanh xăng dầu; giảm đầu mối quản lý, tăng tính công khai minh bạch trong quản lý, điều hành xăng dầu, tháo gỡ được vướng mắc và những phát sinh thời gian qua, không được để chậm trễ.

Theo ý kiến của một số doanh nghiệp xăng dầu, mấu chốt của việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên thị trường hiện nay là sửa Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu. Việc gấp rút sửa đổi Nghị định này cũng được nêu rất rõ tại Chỉ thị số 03 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Đại diện một doanh nghiệp xăng dầu cho biết, nên sửa Nghị định 95 và 83 theo hướng đảm bảo nguồn cung trong mọi tình huống, đặc biệt khi thế giới khan nguồn cung trong bối cảnh hiện nay. Để làm được điều này cần xoá bỏ thương nhân phân phối xăng dầu, bởi đây là tầng nấc trung gian, có hệ thống đại lý, tổng đại lý và cửa hàng xăng dầu trực thuộc và cửa hàng sở hữu chung.

Theo vị này, khi nguồn cung khan hiếm, các thương nhân xuất nhập khẩu xăng dầu (đầu mối) sẽ chỉ lo cho hệ thống của mình; sẽ cắt, hoặc giảm sản lượng của thương nhân phân phối xăng dầu, gây nên tình trạng đứt nguồn trên thị trường nội địa. Sự việc này đã từng xảy ra nhiều lần trong thời gian qua, gây thiệt hại cho kinh tế xã hội, gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng.

Trước những diễn biến nóng của thị trường xăng dầu thời gian qua, ngày 28/2 tới đây, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ tổ chức phiên giải trình về thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý về xăng dầu.

Hai cơ quan có trách nhiệm giải trình là Bộ Công thương, Bộ Tài chính. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và lãnh đạo Ủy ban Kinh tế sẽ chủ trì cuộc họp này.

Hậu Lộc
Phiên bản di động