Siêu thị ở Hà Nội chất đầy hàng hóa phục vụ người dân
Dân đổ xô mua hàng hóa tích trữ, Bộ Công thương họp khẩn Thủ tướng: Không để thiếu hàng hoá phục vụ người dân Hà Nội |
Theo ghi nhận của phóng viên chiều 8/3, tại nhiều siêu thị lớn nhỏ ở Hà Nội, các kệ hàng đã chất đầy hàng hóa, lương thực, thực phẩm để phục vụ cho người dân.
Theo một nhân viên của Vinmart Hà Đông, sau khi xuất hiện thông tin có ca nhiễm Sars-CoV-2 đầu tiên ở Hà Nội, ngày 7/3, rất đông người dân đã đến mua hàng, tích trữ để phòng chống dịch vì thế mà siêu thị ''cháy hàng''.
Tuy nhiên, trước nỗi lo của người dân, lãnh đạo Vinmart đã chỉ đạo toàn hệ thống tăng nhập hàng hóa, trong đó chủ yếu là các mặt hàng nhu yếu phẩm như lương thực, thực phẩm để phục vụ người dân.
Thực phẩm vẫn đầy siêu thị. |
"Hàng hóa dồi dào, giá cả bình ổn, thậm chí nhiều mặt hàng còn giảm giá từ 20-50% theo yêu cầu của lãnh đạo công ty nên mọi người không phải lo thiếu thực phẩm'', vị nhân viên chia sẻ.
Không chỉ tại Vinmart, mà tại BigC, Megamarket, Aeon hay một số siêu thị mini trên địa bàn Hà Nội đã không còn tình trạng người dân vét sạch hàng hóa như một ngày trước đó. Các mặt hàng như mỳ tôm, thịt lợn, nước đóng chai... được chất đầy các kệ hàng.
"Hôm nay siêu thị đầy hàng hóa, tôi không hiểu nhiều người hôm qua (ngày 7/3) đổ xô đi mua lương thực, thực phẩm làm gì để rồi phải chen lấn, mất thời gian. Nhà nước đã khẳng định đủ nguồn cung phục vụ cho bà con thì có gì phải lo'', một người dân chia sẻ.
Rau quả, nhu yếu phẩm vẫn đủ cung ứng cho người dân. |
Trước đó, trong buổi họp với Bộ Công thương ngày 7/3, đại diện hệ thống siêu thị BigC cho biết đã tăng lượng dự trữ hàng thực phẩm thêm 3-4 lần; đồng thời làm việc với các nhà cung cấp tăng cường tần suất giao hàng; huy động và tăng cường nhân viên làm việc tối đa, kể cả làm thêm ca đêm; cam kết tiếp tục giữ ổn định giá bán các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, bảo đảm luôn đủ nguồn hàng cung ứng trước mắt trong vài tuần tới
Trong khi đó, đối với Công ty BRG Retail, doanh nghiệp này cho biết đã có phương án để đáp ứng nguồn hàng kể cả khi Hà Nội công bố dịch, theo đó đã tăng gấp 3 lần lượng hàng dự trữ, riêng mặt hàng gạo đang điều 20 tấn từ phía Nam ra Hà Nội.
Còn đối với Công ty MM Megamarket, đơn vị này khẳng định sẽ cung cấp đủ nguồn hàng để cung ứng cho thị trường. Công ty đã có sự chuẩn bị từ trước, đã làm việc trực tiếp với các trang trại để bảo đảm nguồn cung và an toàn thực phẩm; tại các siêu thị, sắp xếp và yêu cầu nhân viên tăng cường các biện pháp nhằm phục vụ khách hàng nhanh nhất và bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Ngày 7/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội và các doanh nghiệp cung ứng lương thực, thực phẩm cung cấp đủ hàng hoá cho các hệ thống siêu thị và cửa hàng ở Hà Nội, không để thiếu hàng hoá. Đồng thời, Thủ tướng Chỉnh phủ cũng yêu cầu lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, tích trữ, nâng giá trái pháp luật. Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ cũng đã trực tiếp chỉ đạo Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, Tập đoàn Dabaco và Công ty Cổ Phần chăn nuôi C.P Việt Nam cung cấp đủ gạo, thực phẩm cho các nhà bán lẻ ở Hà Nội. Hệ thống các nhà bán lẻ mở cửa bán gạo đến 11 giờ đêm để đáp ứng nhu cầu mua bán của nhân dân Thủ đô. |