Siêu thị chấp nhận chịu lỗ, không lợi nhuận 'giải cứu' nông sản

Đại diện nhiều siêu thị cho biết để giải cứu nông sản mùa dịch do virus corona gây ra, họ bán hàng không lợi nhuận, chấp nhận lỗ khi chịu chi phí vận chuyển...
‘Siêu thị muốn giải cứu nông sản nhưng không biết tìm hàng ở đâu’ Doanh nghiệp logistics giảm chi phí lưu kho 10-20% hỗ trợ tiêu thụ nông sản

Tại buổi làm việc với Bộ Công thương chiều 11/2, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Phó Tổng giám đốc phụ trách khối cung ứng dịch vụ thương mại tổng hợp VinCommerce cho biết, hiện nay, hệ thống siêu thị của công ty đang hỗ trợ phân phối 2 sản phẩm là thanh long đỏ và thanh long trắng.

Đại diện VinCommerce nhấn mạnh: "Chúng tôi chấp nhận bán hàng không lợi nhuận, chấp nhận lỗ khi chịu chi phí vận chuyển, nên cần cam kết sản lượng cần tiêu thụ là bao nhiêu và giá cụ thể như thế nào”.

Trong khi đó, bà Trần Thu Quỳnh - đại diện Tập đoàn AEON Việt Nam cho biết, đơn vị đã hỗ trợ nông dân tiêu thụ dưa hấu và thanh long. Chỉ trong 5 ngày, hệ thống siêu thị AEON đã tiêu thụ 60 tấn dưa hấu và 20 tấn thanh long.

sieu thi chap nhan chiu lo khong loi nhuan giai cuu nong san
Vườn thanh long ở Bình Thuận đã đến lúc thu hoạch nhưng chưa thể bán vì dịch bệnh.

Đại diện siêu thị AEON cho rằng cần phải có thông tin chính xác và chiến lược dài hạn hơn bởi nếu người tiêu dùng nghĩ rằng các sản phẩm nông sản cần giải cứu thì giá trị sẽ không cao và không ưu tiên sử dùng.

Còn bà Đinh Hải Vân - Giám đốc thu mua miền Bắc của Tập đoàn Central Retail cũng thông tin về việc BigC và Go! tiêu thụ mỗi ngày 100 tấn dưa hấu, gấp 10 lần và 70 tấn ngày.

Tương tự, ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết cũng đưa hàng nông sản vào nhiều điểm tiêu thụ hàng hoá, ưu tiên trưng bày hàng hoá tạo thuận lợi nhất cho người dân.

Còn bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc Siêu thị SaigonCo.op Hà Nội cũng cho biết, từ ngày 5/2, Co.opMart đã có chương trình hỗ trợ dưa hấu và thanh long với 800 điểm bán trên cả nước, sản lượng tiêu thụ bình quân mỗi ngày là 1.600 tấn.

Tuy nhiên, có lúc dưa hấu và thanh long phải chờ đợi hai ngày sản phẩm mới ra đến nơi, nên đại diện SaigonCo.op Hà Nội mong các địa phương cung cấp nguồn hàng, đảm bảo số liệu tốt nhất để tiêu thụ cho người nông dân, tránh ảnh hưởng nguồn cung.

Chia sẻ khó khăn với người dân nhưng bà Trần Kim Nga - Giám đốc Đối ngoại Công ty TNHH MM Mega Market cũng cho rằng không nên dùng biện pháp giải cứu mà nên có các phương án dài hạn. "Chúng tôi có trạm chung chuyển nên cần có kế hoạch hài hoà về cung ứng, tìm thị trường xuất khẩu sản phẩm nông sản bền vững và lâu dài", bà Nga nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao việc các địa phương và doanh nghiệp đã có sự bàn bạc, trao đổi thẳng thắn các nội dung cụ thể về nguồn cung và năng lực hỗ trợ tiêu thụ của mỗi bên.

Trên cơ sở đó, lãnh đạo Bộ Công thương đề nghị các bên có kế hoạch cụ thể về tiến độ giao hàng và thực hiện việc ký kết bản thỏa thuận cam kết hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản, giảm bớt khó khăn cho bà con nông dân trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Văn Thành Nhân
Phiên bản di động