“Siêu chiến binh” tương lai của Quân đội Mỹ

Một số đặc điểm về “siêu chiến binh” tương lai được Cơ quan phụ trách Các dự án tương lai (DARPA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ công bố.

Trong tương lai, binh sĩ Mỹ có thể trao đổi thông tin trên chiến trường mà không cần ra hiệu hay khẩu lệnh, thể chất được theo dõi và can thiệp để tối ưu cho khả năng chiến đấu..., đó là một số đặc điểm về “siêu chiến binh” tương lai được Cơ quan phụ trách Các dự án tương lai (DARPA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ công bố.

Để đạt được những yếu tố trên, thay vì cách tiếp cận vật lý truyền thống, DARPA đã tập trung nghiên cứu giải mã sóng não của con người. Theo đó, mong muốn và quyết định của người lính sẽ được hỗ trợ bởi cỗ máy đặc biệt có khả năng giải mã sóng não và giúp họ đưa ra quyết định phù hợp.

Chuẩn giao tiếp sóng não

Hiện tại, các chuyên gia quân sự Mỹ đang phát triển thuật toán đặc biệt có khả năng bóc tách và hiểu những tín hiệu sóng não trên người có chức năng hiểu cử chỉ, thao tác của người khác, mà không ảnh hưởng tới hành vi của người mang thiết bị. Dù vẫn đang trong quá trình thu thập số liệu và thử nghiệm, nhưng đây là những bước đầu tiên tiến tới việc phát triển phương tiện có khả năng giải mã sóng não và can thiệp vào quá trình này. Có thể lấy ví dụ, người lính trong tương lai không cần phải giao tiếp qua lời nói hay cử chỉ, mà lệnh và thông tin chỉ huy sẽ được truyền trực tiếp tới não của họ. Nếu điều này trở thành hiện thực có thể tạo ra cuộc cách mạng về truyền thông tin trên chiến trường.

“Siêu chiến binh” tương lai của Quân đội Mỹ
Sự tích hợp công nghệ có thể tạo ra thế hệ chiến binh nửa người, nửa máy trong tương lai

“Thông thường, bộ não nhận biết các tín hiệu căng thẳng, mệt mỏi về thể chất sớm hơn rất nhiều trước khi những tín hiệu này thể hiện ra ngoài thông qua thể chất”, lãnh đạo chương trình phát triển phân tích sóng não Hamid Krim cho biết. Hệ thống thiết bị mới có thể phân tích và cảnh báo trước cho người lính về hoàn cảnh họ đang gặp phải, lúc nào cần nghỉ ngơi, ăn uống hay giữ bình tĩnh. Cùng với đó, qua phân tích sóng não, việc phát hiện các vết thương, chấn thương cũng rất nhanh chóng. Bộ não luôn biết rõ và sớm nhất nơi nào trên cơ thể đang bị tổn thương và mức độ nghiêm trọng ra sao.

“Tiềm năng của công nghệ này là rất lớn. Nó có thể vượt xa trí tưởng tượng của chúng ta hiện nay”, ông Hamid Krim nhấn mạnh.

Một ứng dụng cực kỳ quan trọng đối với binh sĩ trên chiến trường với thiết bị phân tích sóng não mới chính là khả năng giao tiếp với nhau không cần lời nói hoặc cử chỉ ra hiệu. Mỗi người lính sẽ trao đổi thông tin với nhau qua sóng não để giữ im lặng tuyệt đối. Ở nhiều hoàn cảnh, đây là điều quyết định sự sống còn, nhất là ở tiền tuyến.

Những viên gạch đầu tiên

Trong năm 2019, DARPA đã nhận 65 triệu USD phát triển công nghệ tích hợp giữa người và máy móc. Thiết bị có thể được đeo hoặc mang trên đầu người lính. Nó sẽ phân tích sóng não và can thiệp để hỗ trợ người lính trong chiến đấu.

Giới chức Lầu Năm Góc đánh giá, rào cản lớn nhất của thiết bị như trên là tốc độ phản hồi. Chỉ khi có sự hòa nhập gần như hoàn toàn giữa người và thiết bị thì mới tạo ra hiệu ứng thời gian thực, hỗ trợ người lính phản xạ tức thì với các tình huống chiến trường.

Hiện tại, 6 nhóm giải pháp nâng cao khả năng nhận biết tình huống của người lính đang được DARPA thực hiện, trong đó 4 nhóm giúp nâng cao khả năng quan sát và 2 nhóm còn lại để nâng cao thính giác. Theo tính toán của DARPA, người lính sẽ có ưu thế hơn khi nhìn thấy hoặc nghe thấy trước đối phương. Thay vì nhận thông tin và dễ dàng bị phân tâm bởi các thiết bị hiển thị truyền thống như máy tính bảng hay bộ đàm, thông tin sẽ truyền trực tiếp vào não người lính. Họ giống như một thành phần trong hệ thống tác chiến mạng trung tâm và thông tin được cập nhật theo mốc thời gian thực.

Mục tiêu của DARPA là tạo ra thiết bị cấy ghép có khả năng chuyển đổi hai chiều giữa sóng não và tín hiệu kỹ thuật số. Nói cách khác, não bộ của người lính kết hợp với thiết bị cấy ghép tạo ra siêu máy tính. Tuy nhiên, đó là mục tiêu của tương lai. Còn ở thời điểm hiện tại, chuyên gia Phillip Alvelda đánh giá, tốc độ kết nối giữa người và máy mới chỉ đáp ứng như kết nối mạng ở thập kỷ 1990.

Tăng cường khả năng chiến đấu bằng thuốc

Không chỉ mong muốn tạo kết nối qua sóng não, Lầu Năm Góc còn đang nghiên cứu khả năng tăng cường thể chất và nhận biết của người lính bằng các loại thuốc gây ức chế tạm thời, hormone. Đầu năm 2019, Lục quân Mỹ đã khởi động chương trình nghiên cứu tác động của thuốc kích thích đối với hiệu quả chiến đấu của người lính.

“Siêu chiến binh” tương lai của Quân đội Mỹ
Môi trường chiến đấu căng thẳng bào mòn thể lực và sự tập trung của người lính rất nhanh chóng

Các tình nguyện viên được tiêm các liều hormone Testosterone có kiểm soát để theo dõi tác động vào vóc dáng, cơ bắp, khả năng tập trung trong môi trường chiến đấu căng thẳng cao độ. Mục tiêu là kiểm tra sự biến đổi về thể chất và khả năng tập trung của người lính dưới tác động của hormone trong thời gian ngắn và tác dụng phụ kèm theo.

Trong nghiên cứu trên, các chuyên gia nhận thấy, nồng độ hormone Testosterone của các lính biệt kích Mỹ giảm xuống ngưỡng gần bằng 0, khi họ vận động căng thẳng và tiêu thụ khoảng 6.000 calories/ngày. Khi được tiêm hormone Testosterone bổ sung, thể chất của người lính được tăng lên nhờ duy trì khối lượng cơ bắp và khả năng vận động. Tuy nhiên, việc sử dụng hormone để duy trì thể chất là có hại cho cơ thể. Khi sử dụng quá liều hoặc không có kiểm soát sẽ khiến tăng tính hung bạo, thay đổi nội tiết tố và các loại bệnh dị ứng, thậm chí là nguy hiểm tới tính mạng với đặc thù thiếu chăm sóc y tế và bụi bẩn ở chiến trường.

Nguồn: Quân Đội Nhân Dân
www.qdnd.vn
Phiên bản di động