Sau vắc xin là kích cầu: Thế giới mở cửa, Việt Nam được gọi tên

Xuất khẩu các sản phẩm gỗ, giày dép, dệt may, thủy sản, máy tính và linh kiện điện thoại... của Việt Nam vẫn tăng khá cao dù đại dịch Covid-19 hoành hành dữ dội.
Gói siêu ưu đãi lãi suất vay giúp doanh nghiệp bứt phá trong mùa dịch Thị trường nội địa - Động lực khôi phục du lịch Việt Nam Giới trẻ sáng tạo kích cầu “giải cứu” nông sản từ vùng dịch

Các nước đang triển khai mạnh mẽ tiêm vắc xin và mở cửa trở lại đã làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử của Việt Nam.

Tác động của đại dịch rõ hơn

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính chung 7 tháng, xuất nhập khẩu vẫn đạt con số rất ấn tượng. So với cùng kỳ năm trước, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam dự kiến đạt 371,16 tỷ USD, tăng mạnh 29,5%; trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 184,33 tỷ USD, tăng 24,8% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 186,83 tỷ USD, tăng 34,4%.

Tuy vậy, đại dịch Covid-19 đã tác động nhẹ đến xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 7. Tổng trị giá xuất khẩu tháng 7 ước đạt 26 tỷ USD, giảm 4,4% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 27,5 tỷ USD, giảm 0,6%.

Sau vắc xin là kích cầu: Thế giới mở cửa, Việt Nam được gọi tên
Xuất khẩu 7 tháng tăng khá, song có dấu hiệu chững lại từ tháng 7.

Dù 7 tháng xuất khẩu tăng tới hơn 50% nhưng trị giá xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 7/2021 ước tính là 1,3 tỷ USD, giảm 16,6% so với tháng trước.

Dầu thô giảm 52,8% so với tháng trước, giày dép giảm 11,8% so với tháng trước; thủy sản giảm 5,8%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 15,5%...

Bộ Công Thương cho rằng: Sự bùng phát mạnh của dịch Covid-19 cùng với việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nhằm kiểm soát tốc độ lây lan của dịch bệnh tại nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và 16 tỉnh, thành phía Nam đã ảnh hưởng tới lưu thông hàng hóa, kéo theo sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng và tác động tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2021 chỉ tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất trong 7 tháng qua (trừ tháng 2 có số ngày làm việc ít nhất).

Theo Bộ Công Thương, nhìn chung, hoạt động xuất khẩu của hầu hết mặt hàng, nhóm hàng 7 tháng đầu năm đầu đạt mức tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, đà tăng trưởng này đang có phần chậm lại do dịch Covid-19. Thời gian tới, tăng trưởng xuất nhập khẩu sẽ phụ thuộc rất lớn vào tình hình kiểm soát dịch bệnh cũng như việc đẩy nhanh quá trình tiêm vắc xin trong nước.

Con số từ Tổng cục Hải quan cho thấy, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 7/2021 ước tính thâm hụt 1,5 tỷ USD. Qua đó, nâng mức thâm hụt trong 7 tháng đầu năm 2021 lên 2,5 tỷ USD,

Triển vọng vẫn ổn định

Bộ Công Thương dự báo, nhu cầu hàng hóa xuất khẩu vẫn khá cao. Việc các nước đang triển khai mạnh mẽ tiêm vắc xin và mở cửa trở lại đã làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử của Việt Nam. Cùng với đó, một số nền kinh tế tiếp tục triển khai các gói kích cầu, thông qua hỗ trợ trực tiếp cho người dân, qua đó thúc đẩy tiêu dùng các mặt hàng, trong đó có mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam.

Đồng thời, các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn, được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy các ngành xuất khẩu của Việt Nam.

Sau vắc xin là kích cầu: Thế giới mở cửa, Việt Nam được gọi tên
Việt Nam chủ yếu nhập khẩu tư liệu cho sản xuất.

Theo chu kỳ, nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm vào nửa cuối năm, đây cũng là thời điểm xuất khẩu đạt đỉnh. Nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong nửa cuối năm 2021, đặc biệt là đối với ngành điện tử, máy móc thiết bị, đồ gỗ, hàng dệt may và thủy sản,...

Vì vậy cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện trong thời gian tới dù 7 tháng mức nhập siêu đang là 2,5 tỷ USD.

Triển vọng xuất khẩu còn bởi "cú hích" từ thị trường lớn thứ hai của hàng hóa Việt Nam là Trung Quốc. Đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo như điện tử, dệt may và da giày, cùng với đà hồi phục nhu cầu tiêu dùng của các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu, cùng với xu thế dịch chuyển chuỗi sản xuất toàn cầu sau dịch bệnh, các doanh nghiệp có thể có thêm các đơn hàng xuất khẩu mới.

Việc Trung Quốc cắt giảm sản xuất của một số ngành công nghiệp như sắt thép, hàng dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ,... do các yếu tố liên quan đến sự chuyển dịch nhu cầu của thị trường Mỹ sau căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc và cam kết cắt giảm lượng khí thải sẽ mang đến nhiều lợi thế cho hoạt động đầu tư, sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Bộ Công Thương đánh giá: Thời gian qua, Việt Nam được coi là lựa chọn hàng đầu của các công ty thời trang Mỹ để thay thế một phần nguồn hàng từ Trung Quốc. Lý do bởi sản xuất tại Việt Nam có chi phí thấp hơn Trung Quốc và Ấn Độ, hiệu quả lại cao hơn Bangladesh. Năm 2020, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang Mỹ giảm thấp nhất trong tất cả các nguồn cung cấp nhờ các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Cụ thể, Trung Quốc giảm 39,2%, Ấn Độ giảm 25,6%, Bangladesh giảm 11,7% hay Indonesia giảm hơn 20% nhưng Việt Nam chỉ giảm 7,2%.

Ngành nội thất bằng gỗ của Việt Nam trong năm 2020 cũng vượt qua Trung Quốc để trở thành thị trường xuất khẩu số 1 vào Mỹ. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu các loại nguyên liệu thô của Trung Quốc tăng trong những tháng đầu năm 2021 cũng thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, cần lưu ý là trước tình hình dịch bệnh phức tạp, các doanh nghiệp đã và đang phải cố gắng duy trì sản xuất cùng với nguy cơ rủi ro rất lớn là khách hàng quốc tế sẽ dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác; đến khi dịch được kiểm soát, việc nối lại các mối quan hệ kinh doanh sẽ rất khó khăn và cần phải có quá trình.

Nguồn: VietNamNet
vietnamnet.vn
Phiên bản di động