Sắp hết thời “Limosine” hoán cải

Hiện nay, chỉ cần nhấc máy là ai cũng có thể đặt được một ghế VIP trên xe “Limosine” có đầy đủ chế độ như một chiếc ghế massage di động để “đón trả tận nhà”. Thế nhưng, từ 1/9/2022, ôtô có 10 chỗ ngồi trở xuống có nguồn gốc cải tạo từ loại xe có trên 10 chỗ (trong đó có xe “Limosine” được cải tạo từ loại xe 16 chỗ) sẽ không được dùng để kinh doanh vận tải hành khách.
Tổ công tác của Thủ tướng: Đừng lấy lý do để trì hoãn cải cách

"Limosine" và bài toán an toàn giao thông

Vài năm qua, loại hình xe khách mini dưới 10 chỗ ngồi, thường được gọi là xe Limousine phát triển nở rộ, gây rất nhiều hệ luỵ cho trật tự, an toàn giao thông và thị trường vận tải khách trên cả nước. Những chiếc xe Limousine này ban đầu phần lớn được hoán cải từ xe chở khách 16 chỗ hết niên hạn sử dụng xuống còn 10 chỗ.

Chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Đỗ Cao Phan cho rằng nếu xét về giá cước, chất lượng phục vụ thì các doanh nghiệp doanh nghiệp đầu tư xe Limousine đã làm khá tốt, người dân cũng đang thích ứng dần với loại hình này và ưu tiên lựa chọn.

“Bản chất xe Limousine 9 chỗ là phương tiện được hoán cải từ xe 16 chỗ, do đó lượng khí thải của xe hoán cải tương đương khối lượng xe 16 chỗ. Diện tích chiếm đường cũng lớn hơn các loại xe 9 chỗ thông thường gần một nửa, nhưng chỉ phục vụ số hành khách bằng 60% công suất. Dẫn đến cùng một lượng khí thải ra, một tỷ lệ chiếm dụng lòng đường, mà hiệu quả vận chuyển lại ít hơn hẳn, khiến lượng xe phục vụ hành khách tất yếu phải tăng lên. Thêm xe là thêm khí thải, thêm phương tiện chiếm đường, làm gia tăng đáng kể áp lực giao thông…” - Thạc sỹ Đỗ Cao Phan nói.

Sắp hết thời “Limosine” hoán cải
Bên trong một chiếc "Limosine" đã hoán cải

Nhắc đến xe Limousine, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội nói: “Họ hoán cải để làm gì? Để được phép ra vào tuyến đường cấm xe trên 9 chỗ, họ phục vụ cho đối tượng là khách hợp đồng, mở văn phòng tại các nơi không cần phải xin phép. Đây là hoạt động trá hình, bản chất họ là xe tuyến cố định chứ không phải xe theo hợp đồng”.

Ông Nguyễn Công Hùng phân tích, xe hợp đồng nghĩa là điểm đón, trả khách được ghi theo từng chuyến cụ thể và không lặp đi lặp lại ở một điểm, ở nhiều ngày. Hiện nay Luật Giao thông đường bộ không có loại hình xe Limousine. “Phải quản lý rạch ròi đối với xe Limousine, điều mà cho đến nay chúng ta vẫn chưa làm được”, ông Nguyễn Công Hùng nói thêm.

Thực tế, thời gian qua, núp bóng chạy hợp đồng, xe Limousine trở thành xe khách trá hình với tốc độ phát triển chóng mặt. Do lợi thế đầu tư nhỏ, chi phí ít, lại dễ luồn lách vào tận những ngõ ngách đô thị, xe khách trá hình đã thực sự đánh bật xe khách tuyến cố định ra khỏi nhiều cung đường ngắn, gây nên sự sụp đổ có hệ thống đối với các bến xe, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách làm ăn chân chính.

Sự xuất hiện của xe khách trá hình còn góp phần rất lớn gây ùn tắc giao thông trong các đô thị. Lực lượng chức năng hầu như đã bó tay, xe Limousine tung hoành khắp hang cùng ngõ hẻm, ngày càng có nhiều biện pháp chống đối sự kiểm tra, xử phạt, lách luật với những thủ đoạn tinh vi.

Nghị định ra đời vì sự an toàn của người dân

Trong bối cảnh “Limosine” tung hoành đường phố, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47/2022/NĐ - CP, có hiệu lực thi hành từ 1/9/2022. Trong đó đáng chú ý là quy định, từ 1/9/2022, loại xe trên 10 chỗ ngồi cải tạo giảm xuống còn dưới 10 chỗ ngồi không được chở khách.

Đây được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm xóa bỏ cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường vận tải khách; giảm thiểu khí thải ra môi trường; giảm áp lực giao thông đô thị…

Cụ thể, Nghị định trên bổ sung khoản 3, Điều 13, Nghị định 10/2020 về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô.

Trong đó quy định, không sử dụng xe ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách; không sử dụng xe ô tô kiểu dáng tương tự xe từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.

Sắp hết thời “Limosine” hoán cải
Giá vé cao nhưng nhiều khách muốn "đón trả tận nhà" vẫn ưa chuộng

Như vậy, đối với các xe dưới 10 chỗ, hoán cải thành 6 hay 4 ghế không bị ảnh hưởng bởi quy định này, vì xe dưới 10 chỗ là xe con có thể sử dụng bằng B2 (trong khi lái xe trên 10 chỗ phải sử dụng bằng D). Các xe dạng này vẫn có thể kinh doanh chạy tuyến hoặc vận tải mà không bị ảnh hưởng gì.

Ở góc độ pháp lý, TS. Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: Hiện nay, tình trạng độ xe, tự ý thay đổi kết cấu xe diễn ra khá phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Theo Điều 55 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định rõ: Chủ phương tiện giao thông không được tự ý thay đổi kết cấu xe, làm sai lệch kết cấu so với thiết kế ban đầu của xe theo quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Với lỗi tự ý thay đổi kết cấu xe ô tô, theo Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định: Phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với cá nhân, từ 12 triệu đồng đến 16 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Tự ý thay đổi tổng thành khung, tổng thành máy (động cơ), hệ thống phanh, hệ thống truyền động (truyền lực), hệ thống chuyển động hoặc tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế trong hồ sơ đã nộp cho cơ quan đăng ký xe hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tự ý thay đổi tính năng sử dụng của xe hoặc tự ý lắp đặt thêm cơ cấu nâng hạ thùng xe, nâng hạ công-ten-nơ trên xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc). Hoặc cải tạo các xe ô tô khác thành xe ô tô chở khách.

Hoa Thành
Phiên bản di động