Saigonbank giao dịch chứng khoán với “mớ bòng bong”

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank) được đăng ký giao dịch cổ phiếu.
SaigonBank chính thức có tân Chủ tịch Lãi ròng tụt mạnh, nợ xấu SaigonBank lên 2,25%

Theo đó, 308 triệu cổ phiếu của Saigonbank với mã SGB, tương đương giá trị chứng khoán 3.080 tỷ đồng sẽ được giao dịch cổ phiếu trên UPCoM. Mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Saigonbank được thành lập năm 1993, đến nay đã 27 hoạt động. Đáng nói, dù có thâm niên nhất trong hệ thống ngân hàng nhưng đến nay Saigonbank vẫn chỉ được đánh giá là một nhà băng nhỏ.

Lợi nhuận của Saigonbank cũng trồi sụt thất thường trong những năm qua, cụ thể lợi nhuận năm 2014, 2015, 2016, 2017, 2018 và 2019 lần lượt chỉ đạt 181 tỷ đồng, 43 tỷ đồng, 139 tỷ đồng, 55 tỷ đồng, 41 tỷ đồng và 144 tỷ đồng. So với các ngân hàng khác, đây là mức lợi nhuận quá nhỏ.

2325 1122 hinhsgbank phmd
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương(Saigonbank).

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2020, Saigonbank ghi nhận lãi trước thuế gần 126 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 100 tỷ đồng, cùng tăng 42% so với cùng kỳ năm 2019.

Đáng nói, dù có kết quả kinh doanh tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2020, nhưng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Saigonbank âm gần 1.560 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 929 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do các tổ chức tín dụng đã rút 2.700 tỷ đồng tiền gửi tại ngân hàng.

Tính đến ngày 30/6/2020, tổng tài sản của Saigonbank đạt 20.569 tỷ đồng, giảm 10% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng giảm 5%, đạt gần 14.151 tỷ đồng. Đáng chú ý, các khoản lãi, phí phải thu tăng 34% so với đầu năm, lên mức 276 tỷ đồng.

Về tình hình chất lượng cho vay, tổng nợ xấu của Saigonbank tăng 14% so với đầu năm khiến tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,94% xuống mức 2,27%. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 44%, lên 52 tỷ đồng và nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 106%, lên 58,1 tỷ đồng; riêng nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) giảm nhẹ 3%, xuống còn 211,4 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, hiện cổ đông lớn nhất của Saigonbank là Văn phòng Thành ủy TP HCM nắm hơn 18% vốn. Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận và Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa cùng nắm hơn 16%, kế đến Saigon Petro với tỷ lệ sở hữu hơn 14%. Bốn đơn vị này đang nắm giữ hơn 65% vốn của Saigonbank.

Các cổ đông nhà nước đã có dự định thoái vốn tại Saigonbank để có "luồng gió mới'' giúp ngân hàng phát triển, tuy nhiên, kế hoạch này vẫn chưa được thực hiện.

Về vốn điều lệ, Saigonbank luôn nằm ở top thấp nhất trong hệ thống ngân hàng. Dù các lãnh đạo ngân hàng quan tâm, nhất là trước bối cảnh ngành tài chính - ngân hàng đang phải áp chuẩn Basel II, nhưng nhà băng này vẫn khó tăng được vốn. Từ năm 2014, Saigonbank đã có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.080 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng và tiếp tục lấy ý kiến cổ đông về phương án tăng lên 4.080 tỷ đồng, song vẫn dậm chân tại chỗ.

Thậm chí, thời điểm tháng 3/2016, Saigonbank đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng. Thế nhưng, kể từ đó đến nay, nhà băng này chưa triển khai được kế hoạch phát hành cổ phiếu huy động vốn để nâng cao năng lực tài chính và sức cạnh tranh.

Khó tăng vốn trong nhiều năm, nhưng Saigonbank vẫn từ chối M&A (sáp nhập). Thời điểm cuối năm 2014, đầu năm 2015, thị trường từng có nhiều đồn đoán xoay quanh thương vụ sáp nhập giữa Saigonbank và Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank).

Tuy nhiên, sau những nhùng nhằng về tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu, cổ đông lớn của Saigonbank là Văn phòng Thành ủy TP HCM đã từ chối sáp nhập Vietcombank. Trong khi, việc Saigonbank sáp nhập Vietcombank được xem là giải pháp khả thi nhất cho nhà băng này, nhất là khi nợ xấu tăng cao.

Hậu Lộc
Phiên bản di động