SABECO khẳng định luôn ủng hộ và tuân thủ quy định về nồng độ cồn
Ông lớn SABECO kỳ vọng lấy lại đà tăng trưởng sau một năm khó khăn SABECO: "Quả ngọt" trên hành trình kiên định phát triển bền vững |
Vừa qua, một số cơ quan truyền thông đưa thông tin về việc Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO, mã CK: SAB) làm việc với Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) để kiến nghị Chính phủ thiết lập giới hạn nồng độ cồn trong máu hợp lý thay vì quy định cấm nồng độ cồn khi lái xe.
Liên quan đến việc này, bà Chu Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VBA cho biết, những thông tin trên là chưa chính xác.
Theo bà Chu Thị Vân Anh, đối với chính sách liên quan tới nồng độ cồn, VBA là đại diện cho cả ngành nên có quyền lấy ý kiến từ doanh nghiệp thành viên trong cùng hiệp hội và các doanh nghiệp thành viên cũng có quyền đưa ra ý kiến đóng góp chung cho những vấn đề liên quan đến ngành.
"Những thông tin trên là chưa chính xác. Nếu chúng tôi có tham gia đóng góp ý kiến hay kiến nghị đề xuất thì chúng tôi sẽ có văn bản chính thức gửi đến các cơ quan Nhà nước xem xét", bà Chu Thị Vân Anh khẳng định.
SABECO luôn đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh để thích ứng với thị trường. |
Cũng lên tiếng về việc này, bà Đinh Nguyễn Thị Hường - Giám đốc Ban truyền thông doanh nghiệp SABECO khẳng định những thông tin trên là không chính xác, không đúng bản chất sự việc.
"Việc đưa thông tin không chính xác đã trực tiếp ảnh hưởng đến uy tín và làm sai lệch quan điểm của SABECO đối với chính sách và pháp luật của Nhà nước. Chúng tôi đề nghị các đơn vị sớm điều chỉnh lại nội dung, tránh gây ảnh hưởng đến uy tín của SABECO", bà Hường nhấn mạnh.
Đại diện SABECO cũng cho biết thêm, công ty cố gắng giảm nhẹ tác động của Nghị định 100 bằng cách làm việc chặt chẽ với Chính phủ để thể hiện trách nhiệm trong việc kinh doanh bia và đảm bảo người tiêu dùng uống rượu bia có trách nhiệm nhưng đồng thời có sự linh động phù hợp trong việc thực hiện nghị định này.
Thực tế, ngành bia Việt Nam vốn đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 cũng như tác động từ một số cơ chế chính sách liên quan như Luật Phòng chống tác hại rượu bia, Nghị định 100 khiến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp chưa như kỳ vọng.
SABECO sẽ tiếp tục phát huy các thế mạnh của các chuyên gia trong nước và quốc tế để bảo tồn các giá trị của công ty và các thương hiệu của các dòng sản phẩm Bia Sài Gòn |
Mặc dù chịu tác động và gặp khó khăn, nhưng các doanh nghiệp khẳng định luôn ủng hộ, tuân thủ chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước. Do đó, các doanh nghiệp cũng đã tìm cách thích ứng với những khó khăn, thách thức để ổn định sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm cho người lao động cũng như đóng góp vào ngân sách Nhà nước.
Đối với SABECO, nhận thức rõ những thách thức và cơ hội phía trước, năm 2024, ban lãnh đạo công ty đã đặt ra những mục tiêu tăng trưởng bền vững để tạo động lực cho tiến trình phát triển dài hạn của mình.
Trong đó, công ty sẽ tập trung nguồn lực xây dựng thương hiệu và các hoạt động phát triển thị trường, bao gồm xây dựng chiến lược thương hiệu, sản phẩm và phân phối, tiêu thụ phù hợp với xu hướng tiêu dùng, song song với việc cấu trúc toàn diện hệ thống phân phối theo hướng chuyên nghiệp, gia tăng hiệu quả và hỗ trợ cho việc kiểm soát theo kênh và phân khúc sản phẩm.
Cùng với đó, công ty sẽ giữ vững thị trường trong nước, vươn tầm ra quốc tế; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và cho ra đời các dòng sản phẩm mới; nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng trên toàn hệ thống; tích hợp phương pháp quản lý nguồn nhân sự, áp dụng hệ thống đánh giá hiệu quả công việc của nhân viên.
Bên cạnh đó, SABECO cũng sẽ tập trung cải cách để tăng hiệu quả đầu tư, giảm chỉ phí hoạt động, nhằm tăng năng suất; tập trung phát triển kênh thương mại hiện đại, kênh bán hàng trực tuyến cũng như kênh tiêu thụ mang đi và tại chỗ theo xu hướng toàn cầu.
Ngoài ra, SABECO cũng sẽ tiếp tục phát huy các thế mạnh của các chuyên gia trong nước và quốc tế để bảo tồn các giá trị của công ty và các thương hiệu của các dòng sản phẩm Bia Sài Gòn, đồng thời nỗ lực thích nghi với thị trường và môi trường kinh doanh đang phát triển.
Chiều 28/5, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) đã tổ chức làm việc với đại diện các doanh nghiệp ngành bia - rượu để nhìn lại kết quả hoạt động trong 6 tháng đầu năm và đề ra các nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp ngành bia - rượu đã nêu lên những khó khăn vướng mắc mà họ đang gặp phải đó là: Chịu tác động trực tiếp bởi các quy định về kiểm soát nồng độ cồn, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu do kinh tế khó khăn, tình hình xung đột ở một số nơi trên thế giới ảnh hưởng lớn tới chuỗi cung ứng khiến giá nguyên liệu đầu vào tăng cao... Những tác động trên đã làm cho sản lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp sụt giảm mạnh tới 15-20%, ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh; các nhà hàng, quán bia, lượng khách tới ăn uống giảm hơn nhiều so với năm 2019 trở về trước, tình trạng vắng khách khiến cho việc làm và thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng, thậm chí là mất việc làm. Qua các buổi làm việc với doanh nghiệp hội viên và khảo sát thực tế tại một số địa phương trong tháng 5 vừa qua, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cũng đã lắng nghe nhiều ý kiến phản ánh từ cơ sở, đó là tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, bia giá rẻ (bia “cỏ”)... đang là vấn đề nhức nhối đối với các cơ quan chức năng và doanh nghiệp làm ăn chân chính, người tiêu dùng. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến công tác quản lý, thất thu thuế mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng vì không được kiểm soát chất lượng sản phẩm, gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường, các doanh nghiệp chính thống làm ăn chân chính chịu nhiều thiệt thòi... Trước những khó khăn, thách thức kể trên, các doanh nghiệp ngành bia - rượu mong muốn Nhà nước có chính sách phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chính thống làm ăn chân chính vượt qua khó khăn hiện nay, tạo ra môi trường kinh doanh công bằng, cạnh tranh lành mạnh... Thực tế, ngành đồ uống Việt Nam là ngành kinh tế kỹ thuật, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong giai đoạn khó khăn hiện nay cũng cần có sự thấu hiểu, sẻ chia từ các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như công chúng để ngành vượt qua khó khăn, phục hồi kinh tế, phát triển bền vững và có trách nhiệm với cộng đồng. |