Mọi thành tựu đều bắt đầu từ yếu tố con người!

Dẫn lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, mọi thành tựu đều bắt đầu từ yếu tố con người.
Thành phố thông minh: Lấy con người làm trung tâm Xây dựng người Hà Nội tiêu biểu cho văn hoá, lương tri và phẩm giá con người

Theo Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga, trong thời gian tới, ngành ngoại giao cần tiếp tục chú trọng đẩy mạnh ngoại giao văn hóa, bởi đây chính là nền tảng, động lực cho ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế đất nước.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, ngoại giao văn hoá có vai trò rất quan trọng trong hoạt động ngoại giao nói riêng và trong sự nghiệp phát triển đất nước nói chung. Chúng ta xác định có 3 trụ cột chính của ngoại giao là ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hoá.

"Có thể nói đã có những lúc, ngoại giao văn hoá chưa được nhìn nhận đúng với vai trò và vị trí. Nhưng trong thời gian gần đây, ngoại giao văn hoá càng ngày càng được coi trọng và càng ngày càng chứng minh được một cách thuyết phục vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước nói chung", bà Nga chia sẻ.

Cũng theo bà Nga, ngoại giao văn hoá đó là hoạt động ngoại giao được thực hiện qua văn hoá. Bằng việc giới thiệu những truyền thống, tinh hoa văn hoá của đất nước với bạn bè quốc tế, chúng ta sẽ đạt được kết quả là thiết lập, duy trì và phát triển quan hệ đối ngoại với các quốc gia trên thế giới.

Mọi thành tựu đều bắt đầu từ yếu tố con người!
Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga.

Khi các quốc gia bị thuyết phục bởi vẻ đẹp văn hoá độc đáo của Việt Nam thì Việt Nam sẽ có sức thu hút rất lớn với bạn bè quốc tế. Từ lòng yêu mến truyền thống, cốt cách văn hoá của một quốc gia, dân tộc, các quốc gia sẽ sẵn sàng cho nhiều cơ hội cùng hợp tác, hỗ trợ để cùng phát triển.

Bên cạnh đó, ngoại giao văn hoá cũng là cơ hội rất lớn để Việt Nam thu hút khách du lịch quốc tế. Du lịch vốn được các quốc gia coi là ngành công nghiệp không khói để phát triển kinh tế một cách ổn định và bền vững.

"Ngoại giao văn hoá, suy cho cùng chính là nền tảng, là động lực cho hai trụ cột còn lại là ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế", bà Nga nhận định.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, trong những năm gần đây, ngoại giao văn hoá ngày một được quan tâm và thu được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn những khoảng trống nhất định trong ngoại giao văn hoá nên tôi mong muốn thời gian tới, những khoảng trống này sẽ được lấp đầy.

Nêu dẫn chứng cụ thể, bà Nga cho biết, việc tổ chức các hoạt động văn hoá ở nước ngoài chúng ta thiếu những chiến lược dài hơi, thiếu những sự kiện tầm cỡ. Có thể lý giải do điều kiện kinh tế còn hạn hẹp nên chưa tổ chức được như mong muốn.

"Nhưng nếu chúng ta nhìn nhận những hoạt động này ở góc độ thu hút đầu tư, làm nền tảng để phát triển kinh tế, thì việc chúng ta chưa bố trí kinh phí xứng đáng để tổ chức các hoạt động này lại là điều cần rút kinh nghiệm", bà Nga nêu quan điểm.

Cũng theo bà Nga, ngoại giao văn hoá không chỉ tập trung ở các sự kiện, các hoạt động có quy mô tầm cỡ, mà phải được chú trọng từ những việc nhỏ nhất, từ những hành động tưởng đơn giản nhất của mỗi cá nhân khi đi ra nước ngoài.

"Ví dụ với đội ngũ học sinh, sinh viên đi du học, với những người đi lao động xuất khẩu, rất cần được tập huấn, dặn dò, nhắc nhở về tác phong, thái độ, lối sống... sao cho thể hiện tốt nhất truyền thống văn hoá tốt đẹp của người Việt Nam. Mỗi công dân Việt Nam đặt chân sang nước bạn đều phải là một đại sứ văn hoá, để bạn bè quốc tế hiểu sâu sắc và yêu mến con người, văn hoá, truyền thống Việt Nam", bà Nga dẫn chứng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, để phát triển ngoại giao văn hoá, ở góc độ ngành ngoại giao cần xây dựng đội ngũ vừa năng động, sáng tạo, vừa giàu năng lực và nhiệt huyết.

Theo bà Nga, việc kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy của ngành ngoại giao là vô cùng quan trọng. Nhất là với các cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc nên mọi thành tựu đều bắt đầu từ yếu tố con người.

Đồng thời, ngành ngoại giao cũng cần tiếp tục kịp thời tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội quyết sách những chế độ, chính sách hợp lý cho ngành.

"Tôi biết hiện nay chúng ta vẫn thiếu những ưu đãi thực sự mang tính đặc thù cho ngành ngoại giao, nhất là những chính sách về thu hút nhân tài, tạo điều kiện cho các cán bộ ngoại giao công tác dài hạn ở nước ngoài", bà Nga chia sẻ.

Bên cạnh đó, ngành ngoại giao cũng cần tích cực tham mưu cho Chính phủ tổ chức nhiều hoạt động văn hoá ở các nước trên thế giới, nhất là những quốc gia là thị trường khách du lịch tiềm năng; chú trọng xúc tiến du lịch ở nước ngoài, nhất là du lịch văn hoá.

Cùng với đó là hỗ trợ tích cực các địa phương tổ chức các lễ hội văn hoá có yếu tố quốc tế, các hoạt động xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận các danh hiệu đối với những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh.

Đặc biệt là việc quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác tập huấn ngoại giao văn hoá và văn hoá ngoại giao cho công chức, lãnh đạo các ngành, các tỉnh thành...

Hậu Lộc
Phiên bản di động