Rèn luyện tư duy phản biện cho học sinh qua các chuyên đề
Chuyên đề với sự tham dự của các đồng chí chuyên viên Phòng GD&ĐT quận Ba Đình, đại diện BGH và giáo viên các trường tiểu học trong quận. Hai chuyên đề bao gồm chuyên đề môn Tiếng Việt: "Mở rộng vốn từ về bạn trong nhà" do cô giáo Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (Trường Kim Đồng) thực hiện và chuyên đề môn Hoạt động trải nghiệm bài: "Ứng xử với đồ cũ" do cô giáo Nguyễn Thị Đào (Trường Tiểu học Thành Công B) thực hiện dưới hình thức lồng ghép STEM vào trong giảng dạy.
Chuyên đề với sự tham dự của các đồng chí chuyên viên Phòng GD&ĐT Quận Ba Đình, đại diện BGH và giáo viên các trường Tiểu học trong Quận. |
Với tiêu chí "Lấy học sinh làm trung tâm" chuyên đề đã biến các tiết học khô khan, nhàm chán trở nên vui vẻ, sôi nổi, học sinh chủ động, hào hứng tham gia tiếp nhận kiến thức một cách tích cực nhất.
Tăng cường tương tác giữa thầy - trò
Với lối dẫn dắt mở đầu tiết học tự nhiên thông qua bài hát về con vật, học sinh trường Tiểu học Kim Đồng đã được gợi mở về "những người bạn trong nhà" một cách khéo léo, khiến các em hào hứng thi đua kể tên "những người bạn" thân thiết.
Học sinh trường Tiểu học Kim Đồng hào hứng hưởng ứng tiết học Tiếng Việt. |
Qua phần mở đầu đầy ấn tượng, cô giáo Ánh Nguyệt đã khơi gợi trong các em học sinh sự yêu thương, chăm sóc và giữ gìn những người bạn xung quanh. Tiết học giúp học sinh tự tin hỏi đáp, phản biện để từ đó mỗi bạn sẽ được mở rộng thêm vốn từ của bản thân.
Ở tiết học này, học sinh tăng cường việc tương tác với bạn bè, thầy cô, nêu bật được ý kiến cá nhân thông qua đó hình thành được năng lực Tiếng Việt, phát triển cảm nhận về thiên nhiên xung quanh, từ đó biết cảm thụ vẻ đẹp của cuộc sống.
Học sinh sôi nổi tham gia làm bài tập nhóm trong tiết học Tiếng Việt. |
Bài học cũng giúp các em học sinh tư duy về sự sáng tạo, ham học hỏi, nâng cao kĩ năng thuyết trình, tự tin trước đám đông và biết cách dùng biện pháp so sánh để làm đẹp thêm cho câu văn, câu nói, khơi gợi cảm xúc của người đọc, người nghe.
Trao đổi với phóng viên, em Lê Đức Anh bộc bạch: "Con rất thích tiết học này vì con được học thêm nhiều điều mới và biết yêu quý những con vật nuôi, đồ dùng trong nhà hơn".
Tiết học Tiếng Việt đã giúp các em học sinh tư duy về sự sáng tạo, ham học hỏi, nâng cao kĩ năng thuyết trình, tự tin trước đám đông. |
Cùng quan điểm trên, học sinh Phương Linh cũng bày tỏ niềm phấn khởi: "Qua tiết học này, con đã được làm việc nhóm rất hiệu quả, được nêu ý kiến và được các bạn chỉnh sửa cho tốt hơn".
Cô giáo Ánh Nguyệt chia sẻ: "Phòng GD&ĐT quận Ba Đình đã luôn chỉ đạo sát sao và giúp đỡ nhiệt tình tôi thực hiện tiết dạy, giải đáp những băn khoăn vướng mắc của tôi và cùng với nhà trường đã đưa ra những phương pháp và hình thức tổ chức dạy học sao cho phù hợp với khả năng sử dụng ngôn ngữ và tâm lý lứa tuổi học sinh, giản dị, gần gũi mà trường nào cũng có thể thực hiện được".
Tiết dạy được các thầy cô dự giờ đánh giá thành công, đạt hiệu quả cao và mang lại cho người dự những kinh nghiệm quý báu về đổi mới phương pháp giảng dạy.
Tiết học Tiếng Việt: “ Mở rộng vốn từ về bạn trong nhà” do cô giáo Nguyễn Thị Ánh Nguyệt – GV trường Kim Đồng thực hiện. |
Ứng xử với đồ cũ – Giáo dục học sinh trân trọng với từng đồ vật
Để đáp ứng Chương trình GDPT 2018 theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, cô giáo Nguyễn Thị Đào (Trường Tiểu học Thành Công B) đã có nhiều sáng tạo trong việc lựa chọn nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học để học sinh thực sự được tham gia tích cực vào quá trình dạy học của giáo viên.
Ý tưởng thú vị bằng một vở kịch mở đầu tiết học do học sinh nhập vai. Trong vở kịch này, học sinh hóa thân vào các đồ vật như quần, áo, túi sách... để nói lên cảm xúc và suy nghĩ của mình khi không được sử dụng đến. Cô giáo đã đồng hành cùng các em học sinh đưa ra cách ứng xử với đồ vật cũ thông qua chính sự trải nghiệm thực tế, thể hiện rõ đặc trưng của môn học Hoạt động trải nghiệm.
Hoạt động trải nghiệm bài “Ứng xử với đồ cũ” do cô giáo Nguyễn Thị Đào – GV trường Tiểu học Thành Công B thực hiện dưới hình thức lồng ghép STEM vào trong giảng dạy. |
Tại chuyên đề, học sinh được tương tác trực tiếp với bạn và cô, có cơ hội tự tin thể hiện hiểu biết của mình. Dưới sự dẫn dắt của giáo viên, học sinh mạnh dạn đưa ra ý kiến của bản thân, chủ động ghi lại những suy nghĩ, phán đoán, các giải thích, đề xuất cách ứng xử với đồ cũ. Điều này góp phần giúp học sinh rèn luyện khả năng hợp tác, kỹ năng diễn đạt, ngôn ngữ nói, viết, kỹ năng thuyết trình trước đám đông, khả năng lập luận để bảo vệ quan điểm của mình.
Trong phần vận dụng kiến thức trong thực tế cuộc sống, giáo viên đã khéo léo tích hợp dạy lồng ghép kiến thức và kĩ năng xử lý đồ cũ, học sinh được đề xuất nhiều phương án giải quyết linh hoạt về các đồ cũ có ở nhà.
Học sinh mạnh dạn đưa ra ý kiến của bản thân, chủ động ghi lại những suy nghĩ, phán đoán, các giải thích, đề xuất cách ứng xử với đồ cũ. |
Thông qua cách dẫn dắt nhẹ nhàng của cô giáo Đào, học sinh được học cách bày tỏ sự yêu thương, nói lời chia tay, cảm ơn với đồ vật, cách trao tặng và gửi gắm những người bạn của mình cho người khác với thái độ trân trọng nhất. Bên cạnh đó, các em học sinh còn được thể hiện sự sáng tạo, khéo léo thông qua những sản phẩm tái chế vừa đẹp, vừa thiết thực.
Qua 2 tiết chuyên đề, các cán bộ quản lý, giáo viên của các trường Tiểu học đã hiểu rõ hơn về đặc trưng phân môn, giải pháp về việc tổ chức hoạt động dạy học phù hợp với đối tượng học sinh, việc tích hợp các nội dung giảng dạy, sự chủ động của giáo viên trong việc chọn lựa hoạt động, hình thức tổ chức phù hợp với đối tượng học sinh, chú trọng việc rèn luyện năng lực, phẩm chất gắn với những tình huống của cuộc sống.
Học sinh được học cách bày tỏ sự yêu thương, nói lời chia tay, cảm ơn với đồ vật, cách trao tặng và gửi gắm những người bạn của mình cho người khác với thái độ trân trọng nhất. |
Tại hội nghị, các giáo viên, ban lãnh đạo nhà trường chia sẻ: Với các tiết chuyên đề như 2 tiết học vừa qua, bất kể giáo viên nào cũng có thể thực hiện được. Lấy học sinh làm trung tâm qua đó khai thác hiểu biết từ phía các em, cho học sinh được bày tỏ ý kiến, chủ động trong mọi hoạt động, thể hiện suy nghĩ và phát triển tư duy phản biện. Đó cũng chính là mục tiêu của GDPT 2018 mà chương trình hướng tới.