Quý I/2022: Nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tiệm cận mức tăng trước đại dịch
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3: Tăng trưởng GDP quý I đạt hơn 5% |
Chiều 4/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin tại họp báo |
Thông tin về nội dung phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, phiên họp đã tập trung thảo luận về tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2022; Tình hình kinh tế - xã hội tháng 3, quý I năm 2022 và những trọng tâm chỉ đạo trong thời gian tới, đặc biệt về tình hình triển khai Nghị quyết 01, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Báo cáo cập nhật kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư công năm 2021; Cùng một số nội dung quan trọng khác về hoàn thiện thể chế.
Tại phiên họp các đại biểu đều thống nhất nhận định, tình hình kinh tế - xã hội quý I khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó nhiều lĩnh vực đạt mức tăng trưởng nhanh nhất tính từ năm 2020 đến nay, tiệm cận mức tăng trước đại dịch.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; Lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép, chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I tăng 1,92%; Các cân đối lớn, an ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm. Đáng chú ý, GDP quý I/2022 ước tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý I công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%, tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Thu ngân sách Nhà nước 460,6 nghìn tỷ đồng, đạt 32,6% dự toán, tăng 7,7% so cùng kỳ; Chi ngân sách nhà nước 351,3 nghìn tỷ, đạt 23,4% dự toán. Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,03% (năm 2021 tăng 1,47%).
Đáng lưu ý, doanh nghiệp thành lập mới, tái gia nhập thị trường quý I đạt kỷ lục 60.000 doanh nghiệp, gấp 3 lần cùng kỳ (riêng tháng 3, số doanh nghiêp thành lập mới tăng 96,3% với số vốn đăng ký tăng 127,3%). Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt kết quả tích cực với 562,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9%, là tín hiệu tích cực trong việc huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư ngay từ những tháng đầu năm.
Vốn FDI thực hiện đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8%, đạt mức cao nhất so với quý I các năm từ 2018 đến nay. Hoạt động xuất nhập khẩu phục hồi mạnh mẽ. Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 3 đạt 66,73 tỷ USD (tăng 36,8%); Trong đó xuất khẩu tăng 45,5%...
Mặc dù vậy, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, Chính phủ cũng nhận định thời gian tới vẫn còn không ít khó khăn thách thức, áp lực lạm phát tăng, tình hình tội phạm công nghệ cao còn diễn biến phức tạp.
Do vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô bằng mọi biện pháp; Bám sát tình hình, diễn biến thị trường trong và ngoài nước để bảo đảm các cân đối lớn, không để bị động, bất ngờ.
Cùng với đó, các Bộ, ngành cần tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân vốn ODA; Trong đó chú trọng việc rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách đầu tư công để không đầu tư dàn trải, kéo dài, làm mất thời gian, tăng thủ tục hành chính, giảm hiệu quả đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt triển khai các chương trình phục hồi kinh tế nhanh, phát triển bền vững theo các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.