Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi)
Quốc hội chính thức “định đoạt” quy định về nồng độ cồn Quốc hội thông qua Luật Đường bộ |
Theo chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 28/6, Quốc hội sẽ họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Trước đó, chiều 11/6, tại phiên họp thứ 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã có 26 lượt ý kiến phát biểu và 5 đại biểu Quốc hội gửi ý kiến tham gia bằng văn bản góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, ý kiến của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã xây dựng dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và rà soát, chỉnh lý toàn bộ nội dung của dự thảo luật, bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Trung ương, của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW, Kết luận số 80-KL/TW của Bộ Chính trị; đồng thời, bám sát 9 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định khi bổ sung dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Để phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm, các cơ chế, chính sách phải thật đặc biệt. |
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đến nay còn 5 vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau khi giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Cụ thể, liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng cho phép xây dựng các tuyến đê mới phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều.
Trên bãi sông được phép tồn tại khu dân cư hiện hữu, xây dựng mới công trình, nhà ở với tỷ lệ thích hợp bảo đảm phù hợp với các quy hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời giao UBND thành phố thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tại khu vực này theo trình tự, thủ tục do HĐND thành phố quy định.
Về hình thức giao đất, cho thuê đất và vai trò của Ban quản lý trong quản lý đất đai trong khu công nghệ cao Hòa Lạc, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan đều thống nhất chỉnh lý quy định về giao đất, cho thuê đất trong khu công nghệ cao Hòa Lạc theo hướng: Đối với khu chức năng cần đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, Nhà nước cho nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng thuê đất đối với diện tích đất xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và đất sử dụng vào mục đích công cộng theo quy hoạch phân khu xây dựng đã được phê duyệt; đối với dự án thực hiện các loại hình hoạt động công nghệ cao có sử dụng đất thì Nhà nước cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất.
Về vai trò của Ban quản lý khu công nghệ cao đối với quản lý đất đai trong phạm vi khu công nghệ cao Hòa Lạc, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan thống nhất chỉnh lý theo hướng: Đối với khu công nghệ cao Hòa Lạc, Ban quản lý khu công nghệ cao thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, quản lý đất đai theo phân cấp, ủy quyền của UBND thành phố. Đối với các khu công nghệ cao khác trên địa bàn thành phố thì vẫn thực hiện theo quy định của Luật Đất đai năm 2024.
Về việc quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác công trình hạ tầng, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan thống nhất tiếp thu và chỉnh lý dự thảo luật theo hướng cho phép mở rộng các công trình, hạng mục công trình là tài sản công trên địa bàn thành phố Hà Nội trong lĩnh vực văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan trung ương cũng có thể áp dụng cơ chế nhượng quyền khai thác, quản lý như đối với các công trình, hạng mục công trình thuộc phạm vi quản lý của Thành phố.
Đồng thời, cho phép đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi khu công nghệ cao Hòa Lạc được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết trong các trường hợp được quy định trong luật.
Không mở rộng áp dụng quy định này đối với đơn vị sự nghiệp công lập của các cơ quan Trung ương khác trên địa bàn thành phố Hà Nội (ngoài khu công nghệ cao Hòa Lạc) vì số lượng đơn vị sự nghiệp của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn thành phố là rất lớn, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, phạm vi hoạt động có thể mở rộng ngoài địa bàn thành phố.
Về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, có ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ việc giao HĐND thành phố được quyền quyết định cho miễn áp dụng quy định của pháp luật; làm rõ việc được miễn trách nhiệm của các bên liên quan và quy định cụ thể trong luật này.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, trên cơ sở tham khảo, nâng cấp các quy định của Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, dự thảo luật đã được chỉnh lý lại theo hướng quy định về việc loại trừ trách nhiệm hoặc không xử lý trách nhiệm với cơ quan, cán bộ, công chức trực tiếp hướng dẫn, kiểm soát quá trình thử nghiệm trong trường hợp đã thực hiện đúng các quy định về trình tự, thủ tục, cơ chế hướng dẫn, kiểm soát, giám sát, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung.
Về thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan đã thống nhất chỉnh lý nội dung này theo hướng quy định cụ thể, chặt chẽ hơn các nguyên tắc, điều kiện đối với việc thanh toán hợp đồng BT bằng ngân sách nhà nước hoặc bằng quỹ đất, bảo đảm minh bạch, rõ ràng khi thực hiện; các nội dung cụ thể sẽ giao Chính phủ quy định chi tiết.
Cụ thể, xác định rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện dự án, thanh toán, quyết toán dự án và thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với từng loại dự án đầu tư hợp đồng BT thanh toán bằng ngân sách nhà nước và thanh toán bằng quỹ đất.
Đối với hợp đồng BT thanh toán bằng ngân sách nhà nước, dự thảo luật xác định cụ thể các trường hợp được áp dụng; tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư; nguồn vốn thanh toán và thời điểm thanh toán.
Đối với hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất, dự thảo luật xác định rõ loại đất dùng để thanh toán cho nhà đầu tư; tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư; xác định thời điểm giao đất, thời điểm kinh doanh, khai thác dự án đối ứng có sử dụng đất.
Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) cho rằng cần thiết giao quyền chủ động cho Hà Nội trong quyết định chịu trách nhiệm bảo đảm điều kiện thực hiện trong việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn.
Theo đại biểu, thành phố Hà Nội có vị trí, vai trò là Thủ đô của cả nước, khối lượng công việc về quản lý đầu tư phát triển rất lớn, phức tạp, yêu cầu ngày càng cao. Ngoài việc đảo đảm nhiệm vụ của một địa phương cấp tỉnh thì Hà Nội còn đảm nhận nhiều nhiệm vụ chính trị, đặc biệt yêu cầu cao hơn về đô thị, môi trường, trật tự an toàn xã hội, văn hóa, đối ngoại với vai trò là Thủ đô của đất nước.
Đồng thời với vị trí Thủ đô là đô thị đặc biệt có tốc độ phát triển nhanh, quy mô kinh tế lớn, hoạt động thương mại, dịch vụ, giao dịch quốc tế, văn hóa, thể thao diễn ra sôi động, đa dạng, có tầm ảnh hưởng lớn.
Do đó, quy định việc giao quyền chủ động cho thành phố trong quyết định chịu trách nhiệm bảo đảm điều kiện thực hiện trong việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc chính quyền thành phố và cấp huyện để có được tổ chức bộ máy linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn là rất cần thiết.
Chiều 28/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; thảo luận về dự án Luật Địa chất và khoáng sản. Sau đó, Quốc hội họp riêng, biểu quyết thông qua Nghị quyết về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. |