Quốc hội “chốt” phương án rút bảo hiểm xã hội một lần
Cấm ép mua bảo hiểm dưới mọi hình thức và kiểu bán "bia kèm lạc" Không nên cho phép ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm |
Sáng 29/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Kết quả biểu quyết cho thấy, có 454/465 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành với việc thông qua luật này (chiếm 93,42%).
Trước khi Quốc hội thông qua luật, quy định rút bảo hiểm xã hội một lần đã được các đại biểu biểu quyết riêng. Theo đó, có 456/470 đại biểu có mặt tán thành, 5/470 đại biểu có mặt không tán thành và 9/470 đại biểu có mặt không biểu quyết.
Căn cứ kết quả xin ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật theo phương án 1 là phương án được đa số đại biểu Quốc hội lựa chọn và đây cũng là phương án Chính phủ ưu tiên lựa chọn khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
Theo đó, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày luật này có hiệu lực thi hành, đã chấm dứt tham gia bảo hiểm xã hội, sau 12 tháng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà cũng không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm, có đề nghị thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Lãnh đạo Quốc hội ấn nút thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). |
Như vậy chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần chỉ được giải quyết cho lao động gia nhập hệ thống trước ngày 1/7/2025, đóng dưới 20 năm, sau 12 tháng nghỉ việc không tiếp tục tham gia tự nguyện. Người đóng bảo hiểm xã hội sau ngày 1/7/2025 không được rút mà để hưởng lương hưu.
Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, phương án này bảo đảm kế thừa quy định hiện hành, không làm ảnh hưởng nhiều đến gần 18 triệu người đang tham gia bảo hiểm xã hội , hạn chế gây xáo trộn.
Nội dung cũng thể chế hóa đúng tinh thần của Nghị quyết số 28 của Trung ương là giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia để hưởng chế độ hưu trí và hạn chế tình trạng một người tham gia bảo hiểm xã hội có nhiều lần hưởng một lần như thời gian qua.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh. |
Quy định này cũng hướng tới tiếp cận theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế về bảo hiểm xã hội và góp phần thích ứng với tốc độ già hóa dân số rất nhanh ở Việt Nam. Người tham gia mới sẽ chỉ còn hưởng một lần trong một số trường hợp đặc biệt sẽ góp phần gia tăng số người ở lại hệ thống để được thụ hưởng các chế độ của bảo hiểm xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh khẳng định, tuy có quy định về việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không mong muốn người lao động yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần, người lao động cần tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội để bảo đảm an sinh xã hội lâu dài.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hết sức lưu ý Chính phủ trong thời gian tới cần phải có giải pháp căn cơ, lâu dài để hỗ trợ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội gặp khó khăn trước mắt trong cuộc sống như có chính sách tín dụng phù hợp.
Đồng thời cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm (Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động,...) để duy trì ổn định việc làm, thu nhập, tư vấn, kết nối, hướng nghiệp, đào tạo, chuyển nghề để người lao động có việc làm bền vững.
Cùng với đó là đẩy mạnh các giải pháp về truyền thông để người lao động hiểu được lợi ích của việc hưởng lương hưu hằng tháng và những bất lợi khi lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần cùng với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và thực hiện chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm về bảo hiểm xã hội của cơ quan quản lý Nhà nước, của tổ chức thực hiện chính sách…
Về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, Điều 38 và Điều 39), biện pháp xử lý hành vi vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 40 và Điều 41).
Có ý kiến đề nghị cần rà soát các quy định của dự thảo luật để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Cũng có ý kiến đề nghị quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội trong việc xử lý đối với doanh nghiệp đã vi phạm.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát để bảo đảm tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật, theo đó, đã bỏ quy định áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh tại Điều 40 và 41 của dự thảo luật. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định trách nhiệm của cơ quan thanh tra trong việc xử lý việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội như thể hiện tại khoản 3 Điều 35 dự thảo luật.