Quốc hội sẽ dành 2 ngày họp về sửa Hiến pháp
Thường vụ Quốc hội sắp bàn thảo hàng loạt vấn đề hệ trọng Ngày 23/4, Thường vụ Quốc hội sẽ họp về tăng vốn Ngân hàng Hợp tác xã Tuần sau, Thường vụ Quốc hội họp về sửa Hiến pháp, sáp nhập tỉnh, xã |
Theo dự kiến, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội, khai mạc từ ngày 5/5 và chia thành 2 đợt. Trong đó, đợt 1 từ ngày 5/5 đến hết ngày 28/5, đợt 2 từ ngày 11/6 đến hết sáng 28/6.
Chương trình dự kiến của kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV phản ánh một khối lượng công việc khổng lồ với nhiều nhiệm vụ lần đầu tiên được tiến hành cùng lúc. Các đại biểu Quốc hội sẽ phải tập trung trí tuệ và thời gian cho rất nhiều nội dung quan trọng.
Trong đó, Quốc hội sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013. Đây là nhiệm vụ trọng đại, dự kiến dành 2 ngày của kỳ họp.
Theo đánh giá của TS. Trần Văn Khải, Phó Bí thư Đảng ủy Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, việc sửa đổi Hiến pháp sau 10 năm đòi hỏi tầm nhìn chiến lược, nhằm cập nhật nền tảng pháp lý cao nhất của đất nước phù hợp với tình hình mới, đặc biệt tạo cơ sở hiến định cho việc tổ chức tinh gọn bộ máy và các cải cách lớn khác.
Tại kỳ họp, Quốc hội dự kiến thông qua 30 luật và 7 nghị quyết. Đây là con số kỷ lục các dự luật, nghị quyết được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại một kỳ họp cho đến nay.
Các luật được thông qua trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, tài chính (như Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi...) đến giáo dục, lao động (Luật Nhà giáo, Luật Việc làm sửa đổi...), từ quản trị nhà nước (Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)...) đến khoa học công nghệ (Luật Bảo vệ Dữ liệu cá nhân, Luật Công nghiệp công nghệ số...).
![]() |
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV. |
Đồng thời, 7 nghị quyết quan trọng cũng sẽ được Quốc hội xem xét, ban hành, trong đó có nghị quyết về sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh nhằm tinh gọn bộ máy, và các cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ vướng mắc cho phát triển kinh tế - xã hội ở những lĩnh vực, địa phương trọng điểm.
Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến đối với 6 dự án luật khác: Các dự luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tình trạng khẩn cấp... được trình Quốc hội cho ý kiến cũng sẽ đặt nền móng cho những cải cách tiếp theo, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi số, quản trị an ninh dữ liệu và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định hàng loạt vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách, giám sát và tổ chức bộ máy quan trọng khác.
Cụ thể, Quốc hội sẽ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và những tháng đầu 2025, quyết định điều chỉnh một số chỉ tiêu, chính sách kinh tế quan trọng (như giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) trong 6 tháng cuối 2025 để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân).
Đồng thời, Quốc hội cũng sẽ phê chuẩn quyết toán ngân sách 2023, xem xét các báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và bình đẳng giới, bảo đảm các mục tiêu phát triển bền vững được giám sát chặt chẽ.
Bên cạnh đó, những quyết định về điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến 2030, chủ trương đầu tư các dự án hạ tầng quan trọng (như đường cao tốc Quy Nhơn – Pleiku) cũng sẽ được trình Quốc hội xem xét, quyết định nhằm tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế vùng và liên vùng.
Đặc biệt, Quốc hội sẽ xem xét việc thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia để chuẩn bị cho tổng tuyển cử sắp tới, đảm bảo bộ máy nhà nước được tổ chức chu đáo, tinh gọn và hiệu quả.
Dự kiến, Quốc hội sẽ dành 1,5 ngày cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ, cho thấy Quốc hội rất coi trọng công tác giám sát, sẵn sàng làm việc thêm giờ để làm rõ những vấn đề nóng bỏng mà cử tri quan tâm. Các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trên cả nước gửi đến kỳ họp cũng sẽ được trình bày, lắng nghe đầy đủ, thể hiện tinh thần gần dân, trọng dân của Quốc hội.
Trước đó, tại phiên họp chuẩn bị kỳ họp thứ 9 diễn ra cuối tháng 3/2025, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, do khối lượng công việc trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp là rất lớn, vì vậy tại kỳ họp lần này sẽ ưu tiên trình Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung thực sự cấp thiết phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy; những vấn đề điều chỉnh luật, nghị quyết có liên quan mật thiết tới phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước.
Kỳ họp lần này sẽ rút ngắn tối đa thời gian trình bày tờ trình, báo cáo như đã thực hiện tại kỳ họp thứ 8 (chỉ từ 7-10 phút, trừ các nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước,...); không bố trí thời gian trình bày báo cáo thẩm tra các dự án luật, dự thảo nghị quyết (trừ các nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước) và sẽ báo cáo Quốc hội về vấn đề này tại phiên họp trù bị; không bố trí thời gian trình bày các báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024, chỉ bố trí thảo luận lồng ghép với phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý, thời gian chất vấn và trả lời chất vấn là 1,5 ngày; bố trí 0,25 ngày thảo luận ở hội trường đối với một số dự án luật qua thực tế tại kỳ họp thứ 8 không có nhiều đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu hoặc dự án có nội dung chính sách được xác định cụ thể, dự kiến không có nhiều vấn đề phức tạp.
Ngoài các phiên họp theo quy định của Nội quy kỳ họp Quốc hội, bố trí truyền hình, phát thanh trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam đối với phiên thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.