Quốc hội ra nghị quyết về việc chất vấn 3 “tư lệnh” ngành
Kịp thời thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua Quốc hội tán thành thí điểm đất nông nghiệp làm nhà ở thương mại |
Kết quả biểu quyết cho thấy, có 458/460 đại biểu Quốc hội tham gia tán thành, chiếm 95,62% tổng số đại biểu Quốc hội.
Như vậy, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, Quốc hội ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, cơ quan ngang bộ trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ trên các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Qua chất vấn, Quốc hội nhận thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và bất cập cần khắc phục trong công tác quản lý Nhà nước đối với các lĩnh vực ngân hàng, y tế, thông tin và truyền thông.
Các đại biểu tại phiên họp. |
Quốc hội cơ bản tán thành với các giải pháp, cam kết mà Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các thành viên khác của Chính phủ đã báo cáo tại phiên chất vấn.
Cũng qua chất vấn, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện một số nội dung.
Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro
Đối với lĩnh vực ngân hàng, cần bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; bảo đảm tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hạn chế nợ xấu gia tăng; hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển tín dụng xanh; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Đồng thời triển khai các giải pháp quản lý nhằm ổn định thị trường vàng; nâng cao vai trò quản lý và điều tiết thị trường vàng của Nhà nước theo đúng quy định; không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô.
Hoàn thiện quy trình thẩm định cấp phép khám, chữa bệnh
Đối với lĩnh vực y tế, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Nghị quyết số 99/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Ngành Y tế cũng cần thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy hoạch ngành quốc gia khác, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh cùng thời kỳ; xây dựng kế hoạch dự trữ một số loại thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để hỗ trợ các cơ sở y tế trong trường hợp vượt quá khả năng đáp ứng “tại chỗ” của các địa phương, đơn vị.
Các đại biểu tại phiên họp. |
Cùng với đó là đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động, tiếp nhận sự hỗ trợ, ủng hộ về y tế của các tổ chức, cộng đồng quốc tế trong ứng phó, khắc phục ảnh hưởng của thiên tai, thảm họa, dịch bệnh.
Quốc hội cũng đề nghị ngành Y tế hoàn thiện quy trình thẩm định cấp giấy phép hành nghề và cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo hướng minh bạch, tinh gọn, rút ngắn thời gian; tăng cường năng lực quản lý, nhân sự thực hiện công tác quản lý Nhà nước về cấp giấy phép hành nghề và cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; huy động sự tham gia hiệu quả của các hội nghề nghiệp.
Hình thành, kết nối mạng lưới chuyển đổi số báo chí
Đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thông tin, truyền thông bảo đảm thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, phát triển; nghiên cứu sửa đổi Luật Báo chí, bảo đảm chất lượng; sớm ban hành Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất đổi mới cơ chế tài chính, giao nhiệm vụ, đặt hàng đối với cơ quan báo chí; đẩy mạnh công tác hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số trong cơ quan báo chí; thực hiện có hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong năm 2025, hình thành, kết nối mạng lưới chuyển đổi số báo chí.
Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 75/2022/QH15 ngày 15/11/2022 về giải quyết cơ bản và chấn chỉnh tình trạng “báo hoá” tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp; chú trọng bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và bản lĩnh chính trị cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, lãnh đạo cơ quan báo chí; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí.