Quốc hội khóa XV họp kỳ thứ 7
Trung ương giới thiệu nhân sự bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét 39 nội dung |
Theo đó, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 20/5 tới, bế mạc ngày 28/6 và được tổ chức thành 2 đợt (đợt 1 từ ngày 20/5 đến sáng 8/6; đợt 2 từ ngày 17/6 đến sáng 28/6).
Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 26,5 ngày, dự phòng 1 ngày.
Kỳ họp thứ 7 sẽ xem xét, quyết định khối lượng công việc rất lớn với 42 nội dung về công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Ngay sau kỳ họp thứ 6, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan khẩn trương chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu phục vụ kỳ họp. Đến nay, cơ bản các tài liệu phục vụ kỳ họp đã được gửi đến các đại biểu Quốc hội để nghiên cứu.
Quang cảnh một kỳ họp Quốc hội khóa XV. |
Tính đến thời điểm hiện tại, Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã cơ bản thống nhất trình Quốc hội xem xét, thông qua 10 luật, 3 nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến về 11 dự án luật khác.
Đồng thời, trình Quốc hội xem xét các nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước; xem xét báo cáo của một số cơ quan; tiến hành giám sát chuyên đề; chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, thông qua các nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025.
Cùng đó, Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự và một số vấn đề quan trọng khác.
Tại phiên họp thứ 33 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định bổ sung vào chương trình kỳ họp 2 nội dung Chính phủ đề nghị gồm: Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, kỳ họp thứ 7 có khối lượng công việc rất lớn, trong đó có nhiều nội dung khó, phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, được cử tri và Nhân dân hết sức quan tâm.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan đặc biệt chú trọng làm tốt công tác thông tin tuyên truyền trước, trong và sau kỳ họp, bảo đảm thường xuyên, kịp thời, đầy đủ, chính xác, toàn diện về diễn biến của kỳ họp; tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, đúng mục tiêu, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước.