Quốc hội chất vấn 3 “tư lệnh” ngành

Ngay đầu tuần sau, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Y tế. Các thành viên Chính phủ khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Chính phủ trình Quốc hội xếp lương nhà giáo cao nhất Bộ trưởng, trưởng ngành phải trả lời “trúng, đúng” vấn đề chất vấn

Theo chương trình, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8 sẽ được tiến hành trong hai ngày 11 - 12/11, tập trung vào các nhóm vấn đề thuộc 3 lĩnh vực: Ngân hàng, y tế, thông tin và truyền thông.

Cụ thể, với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng, Quốc hội tập trung chất vấn về việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động; công tác quản lý Nhà nước về thị trường vàng, thị trường ngoại hối; công tác hỗ trợ vay vốn và miễn, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch COVID-19 và thiên tai.

Trách nhiệm trả lời chính thuộc về Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Đối với nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực y tế, Quốc hội tập trung chất vấn về: việc huy động, bố trí lực lượng y tế, bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cung cấp cho người dân và công tác phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai; việc cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực khám, chữa bệnh; thực trạng quản lý các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm và giải pháp xử lý các vi phạm; công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường.

Quốc hội chất vấn 3 “tư lệnh” ngành
Ngay đầu tuần sau, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Y tế.

Trách nhiệm trả lời chính thuộc về Bộ trưởng Bộ Y tế. Phó Thủ tướng Lê Thành Long và Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Giáo dục và Đào tạo, Công an, Quốc phòng cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Đối với nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, Quốc hội tập trung chất vấn về: giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là vai trò của báo chí cách mạng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; việc quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; việc đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trách nhiệm trả lời chính thuộc về Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Công an; Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Quốc hội chất vấn 3 “tư lệnh” ngành
Quang cảnh kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Cũng theo dự kiến chương trình, Thủ tướng Chính phủ (hoặc Phó Thủ tướng được ủy quyền) báo cáo làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Trước đó, ngày 7/11, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan để rà soát công tác chuẩn bị cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần cho biết, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8 tiếp tục tiến hành theo cách thức “hỏi nhanh, đáp gọn”.

Theo đó, để đảm bảo sử dụng thời gian hiệu quả tối đa, người trả lời chất vấn có thời gian không quá 5 phút phát biểu về vấn đề thuộc lĩnh vực chất vấn trước khi Quốc hội tiến hành chất vấn.

Chủ tọa phiên họp sẽ mời mỗi lần 3 đến 5 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn; mỗi đại biểu nêu chất vấn không quá 1 phút và kiến nghị mỗi câu hỏi tập trung vào 1 vấn đề tâm đắc nhất, tập trung vào các nhóm vấn đề thuộc 3 lĩnh vực: Ngân hàng, Y tế, Thông tin và truyền thông.

Đại biểu được tranh luận với người bị chất vấn để làm rõ hơn vấn đề đang được chất vấn; đại biểu không sử dụng quyền tranh luận để nêu câu hỏi chất vấn hoặc tranh luận với đại biểu đã chất vấn trước đó; thời gian mỗi lần tranh luận không quá 2 phút, thời gian trả lời không quá 3 phút cho mỗi câu hỏi.

Các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành liên quan sẽ tham gia giải trình theo sự điều hành của Chủ tọa phiên họp để làm rõ hơn những vấn đề chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, chất vấn và trả lời chất vấn luôn là hoạt động giám sát được cử tri, Nhân dân, các đại biểu Quốc hội và báo chí quan tâm, theo dõi và kỳ vọng.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, cử tri và Nhân dân sẽ đánh giá năng lực của các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Bộ trưởng, trưởng ngành tiếp tục phát huy kinh nghiệm trả lời tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước đó, có phương pháp, cách thức, trả lời “trúng và đúng”, thẳng vào nội dung chất vấn, đáp ứng được yêu cầu của các đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân.

Hậu Lộc
Phiên bản di động