Quang Dũng da diết cùng “Bông hồng cài áo”, sâu lắng trong “Ca dao mẹ”

Xuất hiện trên sân khấu đêm nhạc “Ơn nghĩa sinh thành”, ca sĩ Quang Dũng khiến khán giả có mặt chìm vào không gian sâu lắng, thiết tha của tình mẹ với ca khúc “Ca dao mẹ” và “Bông hồng cài áo”.
Hạnh phúc là khi con vẫn được cài bông hồng đỏ trên ngực áo

Cùng với các em thiếu nhi của Trung tâm Văn hóa thành phố, Quang Dũng dẫn dắt khán giả đến bản nhạc bất hủ về tình mẫu tử “Bông hồng cài áo” (Văn ý: Thiền sư Thích Nhất Hạnh - nhạc: Phạm Thế Mỹ).

Phần mở đầu ca khúc tựa như một lời nhắn nhủ đến những ai đang còn mẹ, nhắc nhở họ trân trọng từng khoảnh khắc bên người. Giai điệu chậm rãi, khắc khoải khiến người nghe không khỏi day dứt, bâng khuâng.

Quang Dũng sâu lắng trong “Ca dao mẹ”, da diết cùng “Bông hồng cài áo”
Quang Dũng thiết tha, sâu lắng với "Bông hồng cài áo"

Từ cảm xúc yên vui của những người đang còn mẹ, ca khúc khiến người nghe đối diện sự thật - mai này mẹ mất đi. Nhạc sĩ không đi sâu miêu tả nỗi đau trong tâm khảm mỗi người mà chọn những hình ảnh ước lệ để khắc họa sự mất mát của mỗi người khi mẹ ra đi. "Đóa hoa", "trẻ thơ", "bầu trời" - những sự vật được tác giả nhắc đến - vẫn tồn tại nhưng cô quạnh, úa tàn, không còn sức sống.

Ca khúc mang đậm giáo lý nhân văn của nhà Phật, khơi gợi sự hiếu thảo, lòng lương thiện trong mỗi con người. Giai điệu chậm rãi, trong sáng của ca khúc được truyền tải trọn vẹn qua màn biểu diễn của ca sĩ Quang Dũng và các em thiếu nhi.

Quang Dũng sâu lắng trong “Ca dao mẹ”, da diết cùng “Bông hồng cài áo”

Từ sự da diết trong “Bông hồng cài áo”, Quang Dũng dẫn dắt khán giả đến giai điệu sâu lắng của "Ca dao mẹ" (sáng tác nhạc sỹ Trịnh Công Sơn)

Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn đong đưa võng buồn

Mẹ ngồi ru con mây qua đầu ghềnh lạy trời mưa tuôn

Lạy trời mưa tuôn cho đất sợi mềm hạt mầm vun lên

Mẹ ngồi ru con nước mắt nhọc nhằn xót xa đời mình

Những ca từ thiết tha mở đầu ca khúc “Ca dao mẹ” (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác) vang lên khiến hàng nghìn khán giả có mặt tại đêm nhạc ở Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt - Xô rưng rưng xúc động.

Quang Dũng sâu lắng trong “Ca dao mẹ”, da diết cùng “Bông hồng cài áo”

“Ca dao mẹ” từng là ca khúc nam ca sĩ dành riêng cho dịp lễ Vu lan 2019. Ca khúc mang thông điệp về mẹ, tình mẫu tử, chữ hiếu, đức hy sinh cao quý của những người mẹ tảo tần.

Hôm nay, trên sân khấu “Ơn nghĩa sinh thành” 2023, thêm một lần nữa ca khúc chạm đến trái tim những người mẹ, người phụ nữ cả đời tảo tần vì con.

Quang Dũng sâu lắng trong “Ca dao mẹ”, da diết cùng “Bông hồng cài áo”

Nam nghệ sĩ đã từng chia sẻ: "Tôi nhận ra rằng sẽ thật tốt biết bao nếu sự hy sinh cao cả, tấm lòng bao la của những bậc làm mẹ, của đấng sinh thành vượt ra khỏi những sáng tác âm nhạc mà biến thành những hành động ý nghĩa và thiện lành. Càng lớn, tôi càng hiểu được nỗi khổ của mẹ", ca sĩ Quang Dũng tâm sự.

Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, ca sĩ Quang Dũng cho biết, mẹ chính là người có ảnh hưởng tới anh nhiều nhất. Khi đang là học sinh phổ thông, Quang Dũng đã đến hát tại quán cà phê Thu Vàng trên đường Trần Cao Vân, thành phố Quy Nhơn. May mắn đã mỉm cười với anh ngay đêm nhạc tổ chức nhân sinh nhật nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Quang Dũng ngẫu hứng lên hát, được mọi người khen và cổ vũ nồng nhiệt.

Năm 1997, anh tham gia cuộc thi Tiếng hát Truyền hình tỉnh Bình Định và đoạt giải Nhì. Năm 1998, anh được Sở Văn hóa tỉnh Bình Định cử làm đại diện tham dự cuộc thi Giọng hát hay các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên tại Huế và đã giành huy chương Vàng.

Tháng 8 năm 1998, Quang Dũng bắt đầu Nam tiến theo lời mời cộng tác của ông chủ phòng trà Đồng Dao. Thời gian đầu, anh gặp không ít khó khăn, một phần vì chưa kịp thích nghi với nhịp sống mới, một phần vì giọng hát, kế đến là phong cách biểu diễn và những bài hát xưa mang nặng chất tự sự mà anh đã chọn trình bày có vẻ lạc lõng giữa lúc dòng nhạc thị trường dễ dãi đang chiếm ưu thế.

May mắn đến với Quang Dũng khi anh có dịp hát nhạc Trịnh tại quán Nhạc Sĩ với sự hiện diện của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Quang Dũng đã hát "Diễm xưa", "Biển nhớ"... được Trịnh Công Sơn khen ngợi. Sau này, nhạc sĩ đã trực tiếp chọn bài hát phù hợp với chất giọng của Quang Dũng và hướng dẫn anh cách thể hiện tác phẩm.

Năm 2001, ca khúc "Biển nghìn thu ở lại" được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ký tặng, Quang Dũng đã chọn làm ca khúc chủ đề cho album riêng đầu tay của mình do Bến Thành Audio phát hành. CD bán dè chừng, dần dà vượt con số 5.000 bản.

Năm 2019, anh ra album “Ca dao mẹ” dành riêng tặng mẹ nhân mùa lễ Vu lan. Album với 10.000 đĩa này không phát hành thương mại mà được anh dành tặng cho các nhà chùa trong và ngoài nước.

Được biết, ba mẹ Quang Dũng chia tay từ khi anh còn bé. Trong nhà có 10 anh chị em, mẹ anh đã một mình nuôi đàn con thơ khôn lớn. Trong kí ức của mình, khi bé Quang Dũng thấy mẹ không còn có thời gian để ngủ, vừa phải chăm con và tập trung thời gian cho công việc vì vậy mẹ không có thời gian cho riêng mình. Có lẽ, trong số các con thì Quang Dũng là người giống mẹ nhất và cũng rất gần gũi với mẹ. Người mà Quang Dũng có thể chia sẻ một cách thoải mái nhất đấy chính là mẹ. Hai mẹ con vẫn thường xuyên điên thoại cho nhau để kể về những câu chuyện cuộc sống thường ngày”.

“Thường đối với người Việt Nam, nhất lại là con trai thì hầu hết đều chịu ảnh hưởng của người mẹ. Mẹ vẫn là hình tượng tiêu biểu dù hồi bé có hay bị đánh đòn; Hay có như thế nào thì lớn lên trong lòng hình tượng người mẹ vẫn không thay đổi. Thần tượng về mẹ rất quan trọng đối với mỗi con người. Vì thế, Quang Dũng luôn dành những gì tốt nhất cho mẹ và cảm thấy hạnh phúc khi làm điều đó”, Quang Dũng chia sẻ.

Có lẽ, cũng chính về thế, qua giọng ca của anh, những ca từ về mẹ càng thêm thiết tha, da diết, đặc biệt khi giọng ca ấy cất lên trong chương trình nghệ thuật Vu lan báo hiếu "Ơn nghĩa sinh thành" năm nay.

Quang Dũng da diết cùng “Bông hồng cài áo”, sâu lắng trong “Ca dao mẹ”
Ngọc Minh
Phiên bản di động