Ơn nghĩa sinh thành 2024 - Thăng hoa nghệ thuật, lan tỏa nhân nghĩa
Lắng đọng mùa Vu lan
Chương trình do báo Tuổi trẻ Thủ đô, Công ty Cổ phần Quảng cáo Truyền thông Oscar (Oscar Media), Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội phối hợp thực hiện, được Truyền hình trực tiếp trên kênh 1 của Đài Phát Thanh - Truyền Hình Hà Nội; tiếp sóng trên các Đài Phát thanh - Truyền hình trong cả nước và phát trực tuyến trên nền tảng số của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Các đại biểu tham dự chương trình với bông hồng cài áo |
Đến dự chương trình, về phía khách mời Trung ương có các đại biểu: Lê Quốc Minh - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Lê Hải Bình - Ủy viên Dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Nguyễn Tuấn Anh - Phó Trưởng ban Công tác đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Tống Văn Thanh - Vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương; Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Khánh Chi - Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Ngân hàng Việt Nam; Phạm Quang Hướng - Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam; Mai Xuân Thắng - Chủ tịch Hội đồng doanh nhân họ Mai Việt Nam; cùng đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương.
Các vị đại biểu với không gian "Trở về bên mẹ" |
Về phía khách mời thành phố Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Lan Hương - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội; Hà Minh Hải - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; cùng đại diện lãnh đạo các Ban, Sở, ngành thành phố.
Về phía Thành đoàn Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Đức Tiến - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội; Nguyễn Tiến Hưng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Hà Nội; Trần Quang Hưng - Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội.
Về phía Ban Tổ chức chương trình có các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hưng - Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô, Trưởng ban Tổ chức chương trình “Ơn nghĩa sinh thành”; Đạo diễn Mai Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Oscar Media, Phó Trưởng ban Tổ chức; NSND Lê Chức - cố vấn nghệ thuật. Đặc biệt, chương trình có có sự tham gia của hơn 1.000 khán giả đến từ mọi miền Tổ quốc.
Ban Tổ chức tặng hoa các đơn vị đồng hành cùng chương trình |
Đến tham dự chương trình còn có lãnh đạo đại diện cho các cơ quan: Ban, Bộ, Ngành Trung ương; lãnh đạo các Ban, Sở, Ngành của thành phố Hà Nội, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội cùng đông đảo khán giả đã yêu mến chương trình “Ơn nghĩa sinh thành” từ nhiều năm nay.
Lễ Vu Lan (ngày Rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm) là một trong những ngày lễ quan trọng của Phật giáo, là dịp để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa, để thể hiện tình cảm và lòng biết ơn. Ngày nay, Vu Lan - mùa báo hiếu, không chỉ là nghi lễ riêng của Phật giáo mà đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam, đúng như đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.
“Tiết Vu lan bâng khuâng nhớ cha công dưỡng dục. Mùa Báo hiếu bùi ngùi thương mẹ đức cù lao”. Tháng 7 âm lịch hàng năm, những người con từ khắp muôn nơi lại hướng vọng về cha mẹ, tưởng nhớ đến công đức trời biển của bậc sinh thành và những bậc tiền nhân. Nét đẹp văn hóa đó đã lan tỏa trong mọi tầng lớp nhân dân từ thôn quê đến thành thị, từ xưa đến nay, vượt qua không gian thời gian và được lắng đọng trong “Ơn nghĩa sinh thành”.
Không gian “Trở về bên mẹ” với mái tranh bờ chuối, với vại nước cây rơm, với những món ăn dân dã gợi bao niềm thương nhớ một lần nữa là nơi khán giả của “Ơn nghĩa sinh thành” vô cùng thích thú. Được ngồi trong không gian này một chút thôi, được chụp ảnh với mẹ cha với những nụ cười rạng rỡ đã là hạnh phúc vô bờ bến đối với mỗi gia đình.
Hiểu được điều ấy, BTC “Ơn nghĩa sinh thành 2024” đã dành nhiều ngày tháng để chuẩn bị và khi nhìn thấy hàng ngàn nụ cười của những người con đủ lứa tuổi bên song thân là chúng tôi cũng hạnh phúc ngập tràn bởi việc làm của mình có ích với mọi người.
Từng quả thị thơm lừng mùi cổ tích, từng quả ổi tỏa ngát vị quê nhà, từng chén nước chè xanh, từng chiếc kẹo, chiếc bánh đậm đà tình thôn dã, từng món quà BTC trân trọng gửi tặng đến khán giả cũng để góc quê được ùa vào tâm trí mỗi người, gợi nên biết bao kí ức êm đềm và đẹp đẽ.
Da diết những niềm thương
À à ơi, à à ơi …
Mẹ cha gồng gánh nặng vai
Cả đời khó nhọc dặm dài đường đi
Nắng mưa nào có quản chi
Gánh gồng, gồng gánh cũng vì …thương con
Tiết mục hoạt cảnh "Một đời gồng gánh" |
Lịch sử đất nước hàng ngàn năm đã ghi dấu hình ảnh những bà, những mẹ gánh gồng ngược xuôi qua biết bao gian nan, thử thách. Chiếc đòn gánh trên vai không chỉ thấm đẫm mồ hôi mà còn mặn mòi nước mắt:
Cái cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng, tiếng khóc nỉ non
Thời kì chiến tranh, hậu phương gánh gồng, tiếp lương, tải đạn, kĩu kịt từ mọi miền quê đi đến chiến trường. Chiếc đòn gánh thô sơ nhưng thấm đẫm tinh thần, ý chí, nghị lực, sáng ngời tâm hồn, cốt cách người Việt Nam.
Ca sĩ Ái Phương với ca khúc "Đường về nhà" |
Những đôi vai ấy đồng lòng
Gánh sông, gánh núi, gánh tình nước non.
Khi chiến tranh lùi xa, chiếc đòn gánh ấy lại tất bật khắp các nẻo đường, vất vả sớm hôm vật lộn với cuộc sống mưu sinh:
Kĩu kịt buổi chợ sớm mai
Nhớ đôi quang gánh, nhớ ai tảo tần
Đặc biệt, hình ảnh chiếc đòn gánh cũng khiến ta đau đáu, khắc khoải nghĩ về đức hy sinh của đấng sinh thành. Những đứa trẻ sinh ra từ làng quê thuở nhỏ cùng mẹ, cùng cha rong ruổi khắp nơi trên đôi quang gánh nhọc nhằn. Từ những con đường làng, nơi triền đê lộng gió, đồng làng bát ngát cánh cò bay, góc chợ rộn ràng buôn bán.
Suốt những năm tháng gánh gồng đứa con thơ dại, cha mẹ nào cất lời kể lể, than van. Như chiếc đòn gánh bền bỉ, kiên trì, hy sinh cả một đời để vun vén hạnh phúc cho những đứa con thơ.
Hoạt cảnh thơ múa “Một đời gồng gánh” được dàn dựng bởi đạo diễn Mai Thanh Tùng, qua phần đọc lời bình của NSND Lê Chức và ca khúc “Đường về nhà” qua phần biểu diễn của ca sĩ Ái Phương đã mở ra một không gian ngập tràn tình mẹ và quê hương với thuở ấu thơ rưng rưng đầy xúc cảm, nêu bật lên chủ đề về đền ơn đáp nghĩa, báo hiếu tri ân đức sinh thành của cha mẹ. Đã thành thông lệ, đây chính là mở màn để đưa khán giả lên một “con thuyền” bồng bềnh đầy phiêu diêu của nghệ thuật, khiến ai nấy đều được cuốn hút ngay từ những phút đầu tiên.
Tiếp nối mạch nguồn cảm xúc, phóng sự về các hoạt động tri ân diễn ra trên khắp mọi miền Tổ quốc cho thấy đây là hoạt động bền bỉ và liên tục của báo Tuổi trẻ Thủ đô hướng tới những đối tượng đáng được cả xã hội trân trọng, biết ơn. Đó là những Anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, Mẹ Việt Nam Anh hùng, người già neo đơn và những gia đình chính sách, các hoàn cảnh khó khăn đặc biệt tại vùng đất chịu nhiều tổn thất do chiến tranh.
Ban Tổ chức trao 30 suất học bổng tới các em học sinh hiếu thảo |
Tại chương trình nghệ thuật “Ơn nghĩa sinh thành 2024”, BTC phối hợp với các đơn vị trao 30 suất học bổng mỗi suất 1 phần quà và 5 triệu đồng tiền mặt đến các em học sinh là những “Gương người con hiếu thảo năm 2024” trong thanh thiếu nhi Thủ đô Hà Nội.
Đây là những tấm gương điển hình về lòng hiếu thảo với ông bà, bố mẹ, người thân trong gia đình, có lý tưởng cao đẹp và luôn giữ tinh thần lạc quan, tích cực và trách nhiệm với gia đình, xã hội. Sự hỗ trợ này tuy nhỏ bé nhưng kịp thời và ý nghĩa dành cho các em, giúp các em thêm vững vàng vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Lay động những con tim
Chương trình “Ơn nghĩa sinh thành 2024” đã được Ban Tổ chức ấp ủ và xây dựng ý tưởng từ rất sớm, chương trình được hiện thực hóa thông qua chuỗi hoạt động tri ân suốt dọc chiều dài đất nước và ngay tại sân khấu, chương trình được viết tiếp thông qua câu chuyện tri ân được kể bằng âm nhạc. Chương trình nghệ thuật Ơn nghĩa sinh thành 2024 gồm 3 chương: “Ngày xưa yêu dấu”; “Công cha nghĩa mẹ” và “Lời nguyện cầu”.
Những giai điệu âm nhạc đã đưa khán giả trở về với những kí ức tuổi thơ ấm êm trong vòng tay ông bà, cha mẹ. Ngày ấy, ta lớn lên bằng tiếng ru à ơi, những bước đi đầu tiên được cha nâng mẹ đỡ. Tình cảm gia đình ngọt ngào, những ký ức thuần khiết vun đắp cho chúng ta tình yêu thương, là chỗ dựa cho ta bước vào đời, đủ sức mạnh để đương đầu với những thử thách, và ký ức về “những ngày xưa yêu dấu” có khả năng chữa lành khi chúng ta phải đối mặt với những mất mát đau thương.
Cái cò... sung chát đào chua...
Câu ca mẹ hát gió đưa về trời
Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru
Ca khúc “Lời ru” (sáng tác Lê Minh), nhóm Chuông gió biểu diễn với Vũ đoàn Lavender, CLB Sao Tuổi thơ khiến khán giả như được một lần nữa trở lại tuổi ấu thơ trong câu ru ngọt ngào của mẹ. Tiếng ru từ thuở nằm nôi, theo ta đi suốt cuộc đời và là thứ âm nhạc diệu kì nhất, đánh thức những gì sâu thẳm trong tiềm thức mỗi người.
Hồ Quỳnh Hương với hai ca khúc da diết sâu lắng |
Đúng như lời hứa trở thành “người nhà” với khán giả, nữ ca sĩ Hồ Quỳnh Hương biểu diễn hai ca khúc “Mẹ yêu con” (Nguyễn Văn Tý) và “Cha tôi” (An Hiếu) với sự “chuyển điệu” vô cùng ngọt ngào và sâu lắng. Khi thì cô hóa thân thành người mẹ trẻ cất tiếng hát từ cõi lòng với biết bao hi vọng gửi gắm vào đứa con mới chào đời, nhìn thấy tương lai của con hòa trong tương lai của đất nước. Lúc thì cô lại hóa thân thành người con ca ngợi công lao trời biển của người cha đối với cả cuộc đời mình.
Sự trở lại mạnh mẽ lần này của Hồ Quỳnh Hương cho thấy giá trị và vị trí của giọng ca đất mỏ trong lòng công chúng vẫn vô cùng bền vững. Điều đó càng được minh chứng qua thời gian, qua sự đậm đà của giọng hát và kinh nghiệm của người nghệ sĩ đa năng với nhiều dòng nhạc khác nhau.
Trong khi đó, hai ca sĩ Quách Mai Thy và Tuấn Ngọc lại khắc họa tình cảm dạt dào của “Cha và con gái” (Nguyễn Văn Chung).
Dáng cha gầy trong hoàng hôn tĩnh mịch
Một đời cha, cha đâu nói về mình
Cha ngồi đó lặng im nghe con kể
Những buồn vui, hoài bão của riêng con
Quách Mai Thy và Tuấn Ngọc lại khắc họa tình cảm dạt dào của “Cha và con gái” (Nguyễn Văn Chung) |
Tình cha bao la và ấm áp như vầng mặt trời, như ánh sáng soi cho con mọi đường đi nước bước trên con đường trưởng thành. Dù bao năm tháng đi qua, con vẫn mãi là đứa con gái bé nhỏ với cha già, luôn yêu kính cha suốt đời và con cũng nhận được tình cảm mênh mông vô điều kiện từ cha của mình.
Quách Mai Thy và Tuấn Ngọc lại khắc họa tình cảm dạt dào của “Cha và con gái” (Nguyễn Văn Chung) |
Ca khúc “Đến giờ cơm” (Minh Cà ri) do ca sĩ Ái Phương trình bày mang đến không khí tươi vui, ấm áp của gia đình thông qua hoạt động rất thường ngày như chứa đựng biết bao tình thương mến. Từ những bữa cơm gia đình ấy, tình thương yêu được bồi đắp và theo ta đi suốt cả cuộc đời, nuôi dưỡng chúng ta cả về thể xác và tâm hồn, để chúng ta gắn bó và nặng lòng với gia đình, quê hương.
Những giai điệu, ca từ tha thiết đưa chúng ta trở về với hồi ức xa xưa thật ấm êm, lắng đọng với tình yêu thương của cha - của mẹ. Để có được sự bình yên, vô tư, hạnh phúc cho con trẻ, cha mẹ đã phải chịu nhiều hy sinh, vất vả, thiệt thòi. Chương 2 mang tên “Công cha nghĩa mẹ” nhắc nhở mỗi người về đạo hiếu.
Ca khúc “Đến giờ cơm” (Minh Cà ri) do ca sĩ Ái Phương trình bày |
Theo người xưa, hiếu là sách của trời, nghĩa của đất, hạnh của người. Trong trăm điều thiện thì hiếu là điều thiện hàng đầu. Trong giáo dục truyền thống, hiếu được xem là “bách hạnh dĩ hiếu vi tiên” (hiếu là giá trị đạo đức hàng đầu). Hiếu là nết đầu trong trăm nết, là cơ sở để hình thành và phát triển những giá trị đạo đức khác.
Có lẽ người Việt Nam nào cũng thuộc lòng câu ca dao: “Công cha như núi Thái Sơn / Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra / Một lòng thờ mẹ kính cha / Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”, các tiết mục của chương trình càng chuyển tải đầy sức nặng ý nghĩa đó đến với người xem.
Hai tiết mục của ca sĩ Lưu Hương Giang |
Ca sĩ Lưu Hương Giang khiến khán giả lặng đi vì xúc động thông qua hai ca khúc “Lời ru cho con” (Xuân Phương) và “Ước mơ của mẹ”. Trong khi đó, Minh Quân trở lại với khán giả “Ơn nghĩa sinh thành” bằng tác phẩm “Cha già rồi đúng không" (Phạm Hồng Phước).
Không thể không nhắc đến giọng ca lần đầu tiên đến với sân khấu “Ơn nghĩa sinh thành” Vũ Thắng Lợi nhưng đã khiến khán giả thổn thức bởi hai bài hát “Về thăm mẹ” (Trần Chung) và “Hãy yên lòng mẹ ơi” (Lư Nhất Vũ). 2024 là lần thứ tư Randy biểu diễn tại chương trình nghệ thuật đặc biệt báo hiếu cha mẹ nhân mùa Vu lan với chủ đề “Ơn nghĩa sinh thành”.
Ca sĩ Minh Quân với "Cha già rồi đúng không" |
Nam ca sĩ biểu diễn hai ca khúc “Xin lỗi mẹ” và “Chờ tin cha”. Nếu như “Xin lỗi mẹ” nói về tình mẹ bao la, luôn chở che, thứ tha cho lỗi lầm của người con thì “Chờ tin cha” lại là ước mơ về một gia đình đầy đủ. Thiên đường không phải chốn xa hoa, hào nhoáng mà chính là gia đình đầm ấm luôn đón ta trở về.
Khán giả chăm chú theo dõi chương trình |
Những sáng tác của nhiều thế hệ về tình cảm gia đình được thể hiện qua những giọng ca ở nhiều vùng miền cho thấy dù thời gian trôi qua bao lâu thì những giá trị vĩnh hằng của tình thân yêu, của lòng biết ơn vẫn sẽ mãi mãi khắc sâu vào lòng khán giả, được họ yêu mến và trân trọng bởi đó chính là tiếng lòng của mỗi người con trên đất nước này.
Ở chương 3, một điểm nhấn khiến khán giả không thể kìm nổi nước mắt và rút ra những bài học sâu sắc cho mình là tiểu phẩm do các diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ thể hiện. Dù bất cứ hoàn cảnh nào, cha mẹ vẫn luôn là người lo lắng, chở che và theo ta suốt cả cuộc đời.
Tiểu phẩm "Cha và con" do các diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ thể hiện |
Đứng trước mỗi giông gió, lỗi lầm của cuộc đời, tình cha, tình mẹ sẽ luôn như ánh đuốc sáng soi, thức tỉnh, lay động trái tim để ta trở về với đúng nghĩa làm người. Điều giản dị đó không phải ai cũng nhận ra nhưng khi đã thức tỉnh thì ý thức vô cùng sâu sắc.
Nhìn những mùa lá rụng đầy sân
Con sợ lắm, bình yên không còn nữa
Con đủ lớn lao chưa mà lá đã vàng trước cửa
Mỗi sớm mai thương mái tóc điểm sương
Khán giả không kìm nổi nước mắt vì xúc động |
Đối với người Việt Nam, Lễ Vu lan và tháng 7, không chỉ là khoảng thời gian để tưởng nhớ công lao cha mẹ, mà đây còn là dịp cả nước thành kính dâng hương, tri ân công lao to lớn của những Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Biết bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, cuộc đời họ đã hóa núi sông nhưng nỗi đau, nỗi nhớ thương của những người ở lại, có những người mẹ vẫn đau đáu về những đứa con mãi mãi không trở về.
Đại diện nhóm bạn trẻ chia sẻ về ý thức và trách nhiệm đền ơn đáp nghĩa với cộng đồng |
Phần giao lưu với Team Lee - nhóm bạn trẻ đã sử dụng công nghệ hiện đại để phục dựng ảnh của các liệt sỹ, mang đến niềm vui cho rất nhiều Mẹ Việt Nam Anh hùng trong thời gian vừa qua cho thấy ý thức, trách nhiệm, lòng biết ơn với thế hệ đi trước, với những người đã cống hiến máu xương cho Tổ quốc rất thường trực trong lòng mỗi bạn trẻ.
Trong khi đó, nhóm bạn trẻ với dự án “Hà Nội chung tay”, những chàng trai GenZ đã mang đến mái ấm 0 đồng cho người già vô gia cư ở Hà Nội cho thấy những người yếu thế trong xã hội luôn được bạn trẻ quan tâm và giúp đỡ bằng những hành động cụ thể.
Ca sĩ Vũ Thắng Lợi với hai bài hát “Về thăm mẹ” (Trần Chung) và “Hãy yên lòng mẹ ơi” (Lư Nhất Vũ) |
“Khi thực hiện dự án, bản thân chúng em cũng mong muốn lan tỏa một trong những lối sống nhân văn, đó là coi trọng và ghi nhớ ơn nghĩa sinh thành của người Việt Nam. Các bạn trẻ thế hệ ngày nay đã và đang được sống trong một xã hội phát triển, có đủ những tiềm năng, điều kiện để hội nhập cùng thế giới thì em mong song với đó, các bạn sẽ là một thế hệ luôn hướng mình về cội nguồn, về những người đã sinh thành ra mình.
“Ơn nghĩa sinh thành” mang thông điệp sáng đạo con, tròn chữ hiếu. Vì vậy em mong các bạn trẻ chúng ta không cần đợi đến khi thật thành đạt hay có nhiều tiền rồi mới bắt đầu phụng dưỡng cha mẹ mà nên quan tâm và chăm sóc họ ngay từ ngày hôm nay”.
Tâm sự của các bạn chính là lời gửi gắm tới thế hệ trẻ, mỗi người hãy hành động ngay, bằng những việc làm thiết thực và cụ thể mang đến những niềm vui, những việc làm có ích cho gia đình và xã hội.
Lấy âm nhạc để ca ngợi công lao trời biển của bậc sinh thành, những người đi trước, nhắc nhở trách nhiệm của thế hệ cháu con, chương trình sử dụng các loại hình trình diễn nghệ thuật đặc sắc kết hợp đa dạng giữa âm nhạc, múa nghệ thuật, thơ ca, kịch nói… cùng các thủ pháp sân khấu hiện đại để truyền đi thông điệp ý nghĩa trong mùa Vu lan báo hiếu.
Ca sĩ Randy |
Không ít những giọt nước mắt đã rơi vì xúc động, vì hối hận, vì yêu thương… Điều quan trọng nhất, thông qua chương trình, BTC đã truyền đi được thông điệp về đạo hiếu và lòng biết ơn. Thông qua nghệ thuật, những con tim được lay động, thức tỉnh sẽ cùng chương trình lan tỏa những ý nghĩa được tạo dựng bấy lâu.
Các vị đại biểu chụp ảnh cùng Ban Tổ chức và nghệ sĩ tham gia chương trình |
Đó là xây dựng một xã hội biết ơn để mỗi người thấy được vị trí của mình và đóng góp của những người khác để từ đó tự giác hơn, trách nhiệm hơn trong từng hành động, phần việc. “Ơn nghĩa sinh thành 2024” đã ghim vào lòng chúng ta những điều rất ý nghĩa nhưng lại giản dị, tự nhiên như hơi thở hàng ngày.