Quảng Bình: Dự án thủy lợi Rào Nan chưa thể triển khai vì dân phản đối

Mặc dù được phê duyệt đầu tư xây dựng dự án từ tháng 10/2017, nhưng đến nay việc xây dựng Hệ thống thủy lợi Rào Nan vẫn chưa thể triển khai.
quang binh du an thuy loi rao nan chua the trien khai vi dan phan doi

Dự án Hệ thống thủy lợi Rào Nan được Bộ NN&PTNT phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình tại Quyết định số 4428/QĐ-BNN-XD ngày 30/10/2017 với tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Dự án do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư với tiến độ hoàn thành vào năm 2020.

Sau khi phê duyệt Dự án, chỉ 10 tháng sau, ngày 30/8/2018, Bộ NN&PTNN tiếp tục ban hành Quyết định số 3476/QĐ-BNN-XD về việc phê duyệt điều chỉnh Dự án đầu tư xây dựng công trình thủy lợi Rào Nan, tỉnh Quảng Bình.

Tuy nhiên, kể từ đó tới nay, việc triển khai xây dựng Dự án vẫn không thể tiến hành được. Nguyên nhân là do hàng chục hộ dân thôn Linh Cận Sơn, xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn không đồng tình, lo lắng việc xây dựng một con đập lớn của dự án Hệ thống thủy lợi Rào Nan sẽ gây nên tình trạng lũ lụt, mất an toàn.

Tìm hiểu vấn đề này, phóng viên được biết, nguyên nhân chính là vì hàng chục năm nay, mỗi khi mùa lũ về thì hàng chục ngôi nhà ở khu vực này đã bị ngập sau trong nước. Nay việc xây dựng con đập cao lên 8 mét càng khiến người dân ở đây lo lắng.

Nhiều người cho biết, họ không phản đối việc xây dựng dự án nhưng lo ngại việc xây đập thủy lợi gần nhà sẽ gây nên tình trạng lũ lụt khi có mưa lớn. Người dân ở đây mong muốn di dời con đập của dự án này lên cách khu vực dân 5km hoặc hạ thấp độ cao của đập.

Ông Phan Văn Sửu - người dân thôn Linh Cận Sơn cho biết: “Đa số người dân không nhất trí xây dựng đập ở đây. Chúng tôi chỉ mong muốn di dời con đập lên cách xa dân khoảng 5km chứ để như thế này quá gần. Bây giờ họ muốn làm đập mới ngay tại đập cũ, vì hiện nay cái đập cũ này về mùa lũ nước chảy không kịp, những trận lũ trước nhà tôi nước lên gần tận mái nhà, hàng rào sập hết. Giờ đập xây lên 8 mét nữa, dân chúng tôi sợ nước dâng lên vỡ đập sẽ không thể chạy đi đâu được. Nhà tôi có 6ha rừng trồng keo ngay phía trên con đập, nếu xây dựng đập thì số keo này cũng bị ngập, dù có được đền bù thì không biết được bao nhiêu nhưng keo tôi trồng 3-4 năm thu hoạch một lần, 6 ha keo cũng được khoảng 120 triệu đồng giúp tăng thêm nguồn thu nhập".

Cách nhà ông Sửu không xa, bà Liên trong hội người cao tuổi của thôn Linh Cận Sơn bày tỏ: “Chúng tôi ở đây không phản đối xây dựng dự án nhưng mong cơ quan chức năng xem xét di chuyển đập cách dân khoảng 5km chứ xây dựng gần như thế chúng tôi không yên tâm, nếu chẳng may vỡ đập thì nước sẽ cuốn trôi hết, chạy không kịp. Lũ ở đây chỉ cần 30 phút là dâng lên cao mình xoay không kịp rồi. Vùng này lũ rất lớn, đất, cây cối sát bờ sông những đợt lũ trước đã cuốn đi hết”.

Nỗi lo lắng của ông Sửu và bà Liên cũng là nỗi lo chung của hàng chục hộ dân ở thôn Linh Cận Sơn vì họ đã chứng kiến hàng chục trận lũ.

Thôn Linh Cận Sơn có 255 hộ dân, gần 1.000 khẩu, khoảng cách từ địa điểm xây dựng Dự án Hệ thống thủy lợi Rào Nan đến nhà dân khoảng chừng 400 mét. Những năm 2010, 2013 và 2016 tại xã Quảng Sơn đều xảy ra lũ lớn nên hầu hết những người dân trong thôn Linh Cận Sơn đều có mong muốn di chuyển con đập lên cách xa dân để an toàn hơn khi có lũ về.

Trao đổi với PV, ông Mai Trung Kiên - Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn cho biết: “Ngay thời điểm có thông tin liên quan đến dự án thì dân họ đã có đề xuất rồi, hiện nay qua nhiều cuộc đối thoại, hội nghị, họp chi bộ thì họ vẫn không đồng tình. Ý kiến họ đưa ra là khi xây dựng đập lên cao thì nước chảy không kịp nên người dân không yên tâm. Họ đề nghị nên làm lùi xa ra về phía thượng nguồn hoặc hạ thấp độ cao để chảy tự do, đập tràn tự do. Trước địa phương cũng đề xuất theo ý kiến của người dân nhưng ở trên họ nói cái này được bộ phê duyệt rồi”.

Trao đổi với PV về những lo ngại của người dân khi dự án được đầu tư xây dựng, ông Trần Hoài Nam - Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc Sở NN&PTNN Quảng Bình cho biết: “Đến nay, Dự án vẫn chưa thể tiếp tục triển khai thi công do một số người dân địa phương chưa đồng tình với lý do công trình quá gần khu dân cư sinh sống, không bảo đảm an toàn. Người dân đề xuất di dời đập cách 5km nhưng theo đánh giá và kiểm tra của các chuyên gia thì di chuyển lên đó còn nguy hiểm hơn, vì tại những vị trí khảo sát trên đó có nền đất yếu hơn nhiều…”.

Còn về việc xây dựng đập ở gần khu dân cư, chúng tôi cũng đã tổ chức đưa người dân đi tham quan một số công trình lớn khác trong nước có nhà dân nằm sát ngay dưới chân đập. Nhân đây tôi cũng xin giải thích rõ đập này là đập dâng, nó không phải là đập giữ nguồn nước, đập này có đến 10 cửa van, một cửa 10 mét. Cửa van đóng về mùa hạn, vào tháng 7-8 nước sẽ tự chảy vào kênh để phục vụ sinh hoạt, sản xuất mà không phải bơm, từ trước đến nay bơm rất tốn kém. Còn về mùa mưa thì mình mở cửa van để nước tự thoát chứ nó không có chức năng chứa nước quanh năm như hồ thủy điện.

Việc xây dựng dự án này còn có tác dụng phòng lũ, mà ở sông Rào Nan nguy hiểm nhất là lũ quét, lũ tập trung rất nhanh, khi nó tràn về là ào ào, đập có thể chứa được 6 triệu khối nên có thể ngăn được lũ quét.

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Bình vào ngày 5/3/3018 về những vướng mắc trong triển khai xây dựng dự án hệ thống thủy lợi Rào Nan, ông Nguyễn Hải Thanh – Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng Công trình (Bộ NN&PTNN) cho rằng: “UBND tỉnh Quảng Bình cần thống nhất với Sở NN&PTNN tổ chức đối thoại, đẩy mạnh tuyên truyền để bà con nhân dân đồng thuận, nhằm sớm triển khai dự án trong tháng 2/2019”.

VĂN DỤNG
Phiên bản di động