Quận Long Biên - Bài 5: Vi phạm đất đai tràn lan, quận báo cáo thế nào với UBND TP Hà Nội
Thời gian qua, Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã đăng tải loạt bài về những vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn quận Long Biên theo Kết luận thanh tra số 316 của Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Hà Nội.
Theo đó, qua thanh tra, Sở TNMT Hà Nội phát hiện tổng trường hợp vi phạm đất nông nghiệp giao theo Nghị định số 64 là 304 trường hợp với tổng diện tích đất vi phạm là 13,7144 ha, chiếm 0,009% đất nông nghiệp. Trong đó, sử dụng không đúng mục đích, xây dựng trái phép là 286 trường hợp, diện tích 13,2939 ha; chuyển nhượng trái quy định 14 trường hợp, diện tích 0,1725 ha...
Cũng theo kết luận của Sở TNMT Hà Nội, từ năm 2014 đến nay, UBND quận Long Biên đã tổ chức thanh tra việc quản lý, sử dụng đất công tại 14 phường và có 18 kết luận thanh tra từ năm 2014, tuy nhiên, các kết luận thanh tra không chỉ rõ các vi phạm, mặt khác đến nay UBND quận Long Biên chưa làm rõ việc xử lý, khắc phục sau thanh tra theo quy định, cần được kiểm điểm và nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Đối với quản lý, sử dụng đất nông nghiệp công ích, đất công và xử lý vi phạm, kết quả thanh tra cho thấy, phần lớn diện tích đất nông nghiệp công ích đều đã cho các hộ gia đình, cá nhân thuê nhưng không sử dụng vào mục đích nông nghiệp, việc cho thuê đất công ích không thực hiện thông qua đấu giá để giao thầu sử dụng đất nông nghiệp theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 và Luật Đất đai năm 2013.
"Nhiều trường hợp ngay sau khi được thuê đã tự chuyển mục đích sử dụng làm nhà xưởng, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, cơ sở sinh thái nhưng không được UBND các phường lập hồ sơ xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật như các trường hợp vi phạm trên địa bàn phường Thượng Thanh, Bồ Đề, Giang Biên, Long Biên, Việt Hưng, Cự Khối, Đức Giang", kết luận nêu.
Nhà xưởng, sân bóng xuất hiện trên khu đất được người dân phản ánh là đất nông nghiệp tại phường Bồ Đề. |
Trong khi đó, đối với việc sử dụng đất nông nghiệp, đất công vào mục đích kinh tế trang trại, phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng được UBND quận Long Biên phê duyệt, kết quả thanh tra cho thấy cũng có nhiều vi phạm.
Trên cơ sở kết quả thanh tra, Sở TNMT báo cáo, kiến nghị UBND TP Hà Nội giao UBND quận Long Biên chỉ đạo tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND các phường trên địa bàn quận và các cá nhân liên quan trong việc thực hiện Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 14/1/2014 của UBND TP Hà Nội. Lập kế hoạch chi tiết để tổ chức xử lý, khắc phục các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất công đối với 359 trường hợp với tổng diện tích 18,97 ha tại các phường trên địa bàn quận đã được nêu trong kết luận.
Bên cạnh đó, UBND quận Long Biên chỉ đạo tổ chức kiểm tra, rà soát đối với toàn bộ các phương án sử dụng đất, các hợp đồng cho thuê đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn các xã, thị trấn và có biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm trong việc lập phương án sử dụng đất, ký hợp đồng cho thuê đất nông nghiệp, đất công không đúng quy định, đề xuất xử lý đối với nội dung vượt thẩm quyền, báo cáo UBND Thành phố.
Tại phường Cự Khối, đến thời điểm thanh tra còn 10 trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, thời điểm xảy ra vi phạm từ trước năm 2014, đến thời điểm thanh tra UBND phường Cự Khối chưa lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật. |
Ngoài ra, UBND quận Long Biên chỉ đạo tổ chức giám sát việc xử lý, khắc phục các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất và xây dựng công trình trái phép theo đúng quy định của pháp luât; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với Chủ tịch UBND các phường và xử lý trách nhiệm đối với Công chức Địa chính, Công chức quản lý trật tự xây dựng tại các phường: Ngọc Thụy, Phúc Lợi, Phúc Đồng để xảy ra các công trình vi phạm trên đất nông nghiệp, đất công xảy ra từ năm 2014 đến nay nhưng không được xử lý dứt điểm.
Đồng thời, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân liên quan tại các phường trên địa bàn quận Long Biên để xảy ra các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất công xảy ra từ trước năm 2014 nhưng chưa được lập hồ sơ xử lý, chưa có biện pháp xử lý dứt điểm, các vi phạm đến nay còn tồn tại. Tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND và Công chức Thanh tra xây dựng tại các phường trên địa bàn quận Long Biên có các vi phạm.
Hơn nữa, UBND TP Hà Nội giao UBND quận Long Biên chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của Trưởng Phòng Kinh tế và Chủ tịch UBND các phường có các phương án sử dụng đất được phê duyệt trong việc: Lập, thẩm định và trình phê duyệt các phương án sử dụng đất cho phép xây dựng công trình trên đất nông nghiệp không phù hợp; không tổ chức kiểm tra, lập hồ sơ xử lý vi phạm, mặc dù biết rõ các vi phạm phát sinh nhưng không lập hồ sơ xử lý theo quy định...
Cũng tại kết luận thanh tra, Sở TNMT kiến nghị UBND TP Hà Nội giao Sở Xây dựng chủ trì cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp, hướng dẫn UBND quận Long Biên kiểm tra, lập hồ sơ xử lý các công trình xây dựng vi phạm tại các khu đất công, đất nông nghiệp và đất chưa sử dụng trên địa bàn quận Long Biên, kiên quyết xử lý các trường hợp xây dựng trái phép, tổng hợp báo cáo UBND TP Hà Nội những nội dung vượt quá thẩm quyền.
Sở TNMT cũng kiến nghị UBND TP Hà Nội giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, UBND quận Long Biên tổ chức rà soát, kiểm tra các phương án sử dụng đất nông nghiệp nói chung và các phương án sử dụng đất làm kinh tế trang trại nói riêng để có biện pháp xử lý, khắc phục đối với các phương án có vi phạm; xử lý đối với các công trình xây dựng không phù hợp với quy định của Luật Xây dựng, Luật Đất đai...
Đồng thời kiến nghị UBND Thành phố giao cho Sở này kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn UBND quận Long Biên xử lý đối với các trường hợp vi phạm các quy định của Luật Đất đai và báo cáo kết quả thực hiện xử lý, khắc phục sau thanh tra, tổng hợp báo cáo UBND Thành phố theo quy định.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông phát biểu tại Phiên giải trình ngày 25/3/2019. Ảnh: CTTĐT Hà Nội. |
Trước đó, theo Báo Hà Nội Mới, tại Phiên giải trình về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố do Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức sáng 25/3, Giám đốc Sở TNMT Nguyễn Trọng Đông cho biết, về trách nhiệm của mình, Sở này đã tham mưu cho Chủ tịch UBND Thành phố ban hành Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2014 về tăng cường công tác quản lý nhà nước trong sử dụng, quản lý đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn thành phố cùng kế hoạch xử lý vi phạm trên đất nông nghiệp, đất công.
Trong năm 2014, Sở TNMT đã thành lập 11 đoàn thanh tra, năm 2016 thành lập 3 đoàn, năm 2017 thành lập 5 đoàn thanh tra tại các địa phương. Đến nay, Sở đã có kết luận thanh tra đối với vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã. Sở đã tổng hợp, báo cáo UBND và HĐND Thành phố.
Qua tổng hợp, có 4 nhóm vi phạm về đất công, đất nông nghiệp: Sử dụng đất không đúng mục đích; xây dựng trái phép; chuyển nhượng đất trái quy định, sử dụng đất làm bến bãi kinh doanh dịch vụ; các dạng vi phạm khác. Trên cơ sở phân loại này, Sở đã đề xuất các nhóm giải pháp xử lý.
Ông Đông cho biết, trong kiến nghị xử lý về công tác cán bộ, Sở đã kiến nghị, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm theo quy định đối với 58 chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn; tạm dừng điều hành 7 chủ tịch UBND xã thuộc 3 huyện và kiến nghị kiểm điểm 61 công chức địa chính tại 58 xã, phường, thị trấn. Sở sẽ tiếp tục giám sát, đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm việc xử lý vi phạm theo kết luận thanh tra.
"Sở kiến nghị, đối với các trường hợp vi phạm sau ngày 1/1/2014 thì xử lý nghiêm, không hợp thức để cấp giấy chứng nhận và khi giải phóng mặt bằng sẽ không được bồi thường hỗ trợ ngoài chính sách... Chúng ta không thể chạy theo các vi phạm của cơ sở, mà cần xử lý nghiêm để không xảy ra vi phạm", ông Đông nêu.
Với các công trình vi phạm trên đất nông nghiệp, đất công, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết đã chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do sự buông lỏng quản lý của các cấp cơ sở và việc thanh tra, kiểm tra của thành phố chưa kịp thời.
Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định quyết tâm xử lý dứt điểm trong thời gian tới. Đặc biệt, theo các quy định của Trung ương và Thành ủy Hà Nội đã nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu, UBND Thành phố sẽ đôn đốc nhưng cần có sự vào cuộc quyết liệt của Bí thư các quận, huyện, xã, phường.
Với mong muốn tìm hiểu việc xử lý, khắc phục các vi phạm, phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã liên hệ đặt lịch làm việc với UBND quận Long Biên, UBND các phường Cự Khối, Thượng Thanh, Giang Biên nhưng chưa nhận được phản hồi. Trong khi đó, một số phường có làm việc với phóng viên nhưng cũng chỉ là cung cấp thông tin "cho có", đơn cử như đại diện UBND phường Bồ Đề chỉ cho biết đang trong quá trình kiểm tra xử lý, chưa có báo cáo cụ thể.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.