Phòng, chống tham nhũng không dừng, không ngừng nghỉ, không chùng xuống

Ngày 12/12, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Giải quyết án tham nhũng nghiêm trọng “tồn” từ nhiều năm, thu hồi nhiều tiền, tài sản có giá trị lớn Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ

Dự hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng; Lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu kết luận hội nghị (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Đại biểu thành phố Hà Nội dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Vương Đình Huệ; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến.

Đây là hội nghị toàn quốc có quy mô lớn nhất về công tác phòng chống tham nhũng kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng từ 2013 đến nay.

Hà Nội thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng

Báo cáo tại hội nghị cho biết, xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và với mong muốn tạo bước chuyển rõ rệt hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (5/2012) đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban để chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước.

Ngày 1/2/2013, Ban Chỉ đạo chính thức được thành lập. Sau 8 năm thành lập, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước tiến rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiêu ứng tích cực, lan tỏa, mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự “trở thành phòng trào, xu thế”, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được quốc tế ghi nhận.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Thay mặt Thành ủy Hà Nội tham luận tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, trong nhiệm kỳ 2015-2020, Thành ủy đã ban hành Chương trình số 07-CTr/TU về "Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020". Trên cơ sở đó, thành phố triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, từ 2.482 cuộc thanh tra, thành phố đã phát hiện vi phạm và kiến nghị xử lý, thu hồi 2.450 tỷ đồng và 1.055 ha đất; Kiến nghị xử lý trách nhiệm, rút kinh nghiệm đối với 417 tập thể, 622 cá nhân; Kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 42 vụ. Các cơ quan tư pháp thành phố đã thụ lý điều tra 169 vụ với 497 bị can; khởi tố 134 vụ với 444 bị can; Truy tố 130 vụ với 433 bị can; Xét xử 259 vụ với 838 bị cáo liên quan đến các tội về tham nhũng. Tổng số tài sản đã thu hồi được trong các vụ án tham nhũng là 9.664 tỷ đồng.

Đặc biệt, từ năm 2013 đến nay, Hà Nội đã đưa 50 vụ án, vụ việc vào diện Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo.

Ngay sau Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố, Thành ủy Hà Nội đã khẩn trương xây dựng 10 chương trình công tác, trong đó có Chương trình số 10-CTr/TU về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2020-2025” nhằm huy động cả hệ thống chính trị và Nhân dân quyết tâm hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.

“Nhốt” quyền lực trong “lồng” cơ chế để kiểm soát tham nhũng

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng khẳng định, từ khi Ban Chỉ đạo được thành lập đến nay, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự "đã trở thành phong trào, xu thế".

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, phải thẳng thắn nhìn nhận công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn những tồn tại, hạn chế, chưa có sự chuyển biến rõ rệt ở một số địa phương, bộ, ngành. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp; Việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị còn là khâu yếu.

Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. “Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ”, đồng chí Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ.

Một số cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nhận thức sâu sắc mức độ nghiêm trọng của tình hình tham nhũng ở địa phương, cơ quan, đơn vị, lĩnh vực mình quản lý; chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm, thiếu bản lĩnh, "dĩ hoà vi quý", nể nang, né tránh, thậm chí bao che cho cán bộ, đảng viên vi phạm.

Từ thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh 6 bài học kinh nghiệm. Trong đó khẳng định, công tác phòng, chống tham nhũng phải được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tập trung, thống nhất của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Phải có quyết tâm chính trị cao và biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng.

Phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn, phức tạp, lâu dài, do đó, tuyệt nhiên không được chủ quan, thoả mãn, không được ngập ngừng, chờ đợi, mà phải tiếp tục đẩy mạnh, quyết liệt, thường xuyên, kiên trì, liên tục, với quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn.

Cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên phải coi công tác phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đề nghị phải quán triệt sâu sắc những bài học quý từ công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, lưu ý thêm một số vấn đề quan trọng.

Trong đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đây là nhiệm vụ không mới, nhưng rất quan trọng bởi tuyên truyền, giáo dục là một trong những biện pháp căn bản để nâng cao đạo đức, xây dựng liêm chính, chống tha hóa, biến chất.

“Mọi cán bộ, đảng viên phải ghi nhớ vấn đề cốt lõi là Đảng phải luôn luôn dựa vào Nhân dân, lắng nghe Nhân dân, gắn bó máu thịt với Nhân dân, việc gì có lợi cho dân thì phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; Ngược lại, việc gì Nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu phải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng"; Phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để hạn chế sự tác động tiêu cực của "nhóm lợi ích", "sân sau", "tư duy nhiệm kỳ", ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng từ khi xây dựng chính sách, pháp luật.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm giải trình bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; Đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng - ngăn chặn có hiệu quả tệ "tham nhũng vặt"; Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; Chú trọng phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng mới, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu sự tác động không đúng của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tin tưởng, với sự quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng tới đây sẽ có bước tiến mới, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và hiệu quả hơn.

Tham nhũng nhất định sẽ được ngăn chặn và đẩy lùi, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và niềm tin yêu, mong đợi của Nhân dân.

Tại hội nghị, với những thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tham nhũng, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất; Bộ Công an được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.

Chủ tịch nước cũng quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho: Ban Nội chính Trung ương, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp và một số cá nhân. Nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc cũng đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Nguồn: TTTĐ
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động