Phòng chống đột quỵ trong mùa lạnh

Trong những ngày giá lạnh, nhiệt độ thấp và không khí lạnh kéo dài là tác nhân khiến nhiều bệnh lý gia tăng, đặc biệt là đột quỵ.
Cầu Giấy: Người đàn ông đột quỵ khi chơi pickleball Những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ sớm Cảnh báo đột quỵ và ngừng tim từ trào lưu "bắt pen"

Thời gian gần đây, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận liên tiếp các ca bị đột quỵ. So với năm ngoái, mùa Đông năm nay số ca đột quỵ nhập viện đang gia tăng.

Tại Trung tâm Thần kinh (Bệnh viện Bạch Mai), mỗi ngày thường tiếp nhận 30 - 50 bệnh nhân, song một tuần trở lại đây lên tới 60 - 70 ca mỗi ngày. Bệnh nhân mắc đa bệnh lý, từ đột quỵ não, chảy máu dưới nhện, huyết khối tĩnh mạch não, viêm não tự miễn, viêm não virus, bệnh lý nhiễm trùng, thần kinh...

TS.BS Võ Hồng Khôi, Giám đốc Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai cho biết thời tiết lạnh không chỉ ảnh hưởng đến bệnh nhân lớn tuổi mà cả người trẻ. Đặc biệt, bệnh nhân nặng ở tuyến dưới chuyển lên, khiến toàn bệnh viện quá tải.

Bệnh nhân sau khi vào Khoa Cấp cứu đã nhanh chóng được đặt nội khí quản, thở máy. Ảnh: BVCC
Nhiều bệnh nhân đột quỵ sau khi vào cấp cứu đã nhanh chóng được đặt nội khí quản, thở máy

Bệnh viện E cũng ghi nhận lượng bệnh nhân tăng tương tự. Khoa Cấp cứu tiếp nhận nhiều ca đột quỵ não và các bệnh tim mạch. Đặc biệt, đột quỵ não ngày càng trẻ hóa, khiến nhiều người chủ quan.

Điển hình như trường hợp bệnh nhân nam 34 tuổi ở Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đột ngột bị yếu nửa người trái, nói khó khi đang chơi bóng bàn tại cơ quan sau giờ làm việc, hôm 19/12. Kết quả kiểm tra tại bệnh viện xác định người bệnh bị đột quỵ não.

“Anh được chẩn đoán là tắc mạch máu não cấp đến trong thời gian vàng sau 25 phút kể từ khi khởi phát triệu chứng ban đầu”, ThS.BS Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên, Khoa Cấp cứu, nói, thêm rằng người bệnh được sử dụng thuốc tiêu huyết khối thông mạch máu não.

Ghi nhận tại Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực & Chống độc - Trung tâm Y tế huyện Phù Ninh (Phú Thọ), trong những ngày gần đây, tỷ lệ người bệnh tai biến mạch máu não, đột quỵ gia tăng. Trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận khoảng 5 người bệnh. Đa phần các trường hợp nhập viện trong tình trạng đau đầu, chóng mặt, huyết áp tăng, có cơn đau thắt ngực, yếu mỏi cơ, giảm vận động 1/2 người, hình ảnh chụp CT sọ não có ổ nhồi máu...

BSCKI. Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực & Chống độc, Trung tâm Y tế huyện Phù Ninh cho biết: Khoảng 60-70% các trường hợp đột quỵ xảy ra vào nửa đêm và buổi sáng sớm, thời điểm nhiệt độ thường lạnh hơn buổi trưa, chiều. Thêm nữa, tỷ lệ đột quỵ não có tăng huyết áp vào mùa lạnh cao hơn mùa nóng, chiếm khoảng 85%.

Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương, những ngày thời tiết trở lạnh, trung bình có trên 10 người vào Khoa Đột quỵ cấp cứu, điều trị. Trong số bệnh nhân nhập viện, có khoảng 30% bị xuất huyết não.

ca bị đột quỵ do nguyên nhân tắm đêm mùa đông.
Nhiều ca bị đột quỵ do nguyên nhân tắm đêm mùa đông

Theo các bác sĩ, khi người bệnh xuất hiện triệu chứng bất thường như khó nói, yếu liệt, rối loạn nhận thức, đau tức ngực, mệt mỏi, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế có năng lực điều trị đột quỵ để được chẩn đoán và xử lý kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.

Tổng hợp nhiều nghiên cứu trên thế giới, việc tiếp xúc với lạnh là yếu tố nguy cơ thúc đẩy sự gia tăng đột quỵ não, cả đột quỵ chảy máu não và đột quỵ nhồi máu não. Một số cơ chế bệnh sinh của vấn đề này như sau:

Sự thay đổi theo mùa và nhiệt độ tác động tới các yếu tố nguy cơ đột quỵ (tăng huyết áp, tăng đường huyết, tăng lipid máu, rung nhĩ) làm gia tăng nguy cơ đột quỵ.

Co thắt mạch máu: có mạch ngoại vi và tăng huyết áp đột ngột thoáng qua sau khi tiếp xúc với lạnh có thể gây vỡ mạch máu não, gây đột quỵ xuất huyết não. Điều này lý giải cho hiện tượng đột quỵ xuất huyết não thường cao nhất vào ngày đầu tiếp xúc với lạnh.

Thêm vào đó , hiện tượng co mạch giúp giữ cơ thể không mất nước cũng làm tăng độ nhớt của máu. Nhiệt độ giảm cũng làm cơ thể tăng sản xuất hồng cầu và tiểu cầu nhằm tăng sự trao đổi chất của cơ thể, dẫn đến hình thành cục máu đông. Từ đó tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu dẫn đến nhồi máu não. Điều này lý giải cho hiện tượng đột quỵ nhồi máu não thường xảy ra sau vài ngày tiếp xúc với lạnh.

Để phòng đột quỵ trong mùa lạnh, việc giữ ấm cơ thể là rất cần thiết. Trong những ngày rét đậm, nếu không có việc cần thiết, nên tránh đi ra ngoài trời lạnh, mặc nhiều lớp áo để giữ ấm, tránh uống đồ lạnh, đồ uống có cồn, giữ ấm cơ thể, ăn uống đầy đủ.

Khi người dân thấy có những dấu hiệu sau cần được xử trí và đưa đến cơ sở y tế nhanh nhất có thể: Đột ngột mất thăng bằng, chóng mặt, đau đầu dữ dội và mất khả năng phối hợp vận động; Mờ mắt (giảm thị lực) hoặc mất hoàn toàn thị lực của 1 hoặc cả 2 mắt; Bị liệt, méo miệng, nhân trung (đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên) bị lệch, thể hiện rõ nhất khi bệnh nhân cười mở miệng lớn; Cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt 1 bên cơ thể.

Cách xác nhận nhanh chóng nhất là yêu cầu bệnh nhân giơ 2 tay lên và giữ lại cùng 1 lúc; Khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu người nghi ngờ bị đột quỵ lặp lại một câu đơn giản bạn vừa nói.

Tuệ Uyên (tổng hợp)
Phiên bản di động