Những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ sớm

Hiện nay, đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa và ngày càng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự chủ quan về sức khỏe của chính bản thân mình, nghĩ rằng còn trẻ thì sức khỏe tốt nên không khám sức khỏe, thường bỏ qua các dấu hiệu nhận biết bệnh dẫn đến việc nhập viện muộn và gây khó khăn trong điều trị.
Thanh Hoá: Đang điều trị đột quỵ vẫn hẹn "khách" đến giao dịch ma tuý Cảnh báo đột quỵ và ngừng tim từ trào lưu "bắt pen" Hơn 500 nghìn ca đột quỵ tử vong do nhiệt độ khắc nghiệt

Nhập viện vì tai nạn giao thông mới biết đột quỵ

Các nguy cơ gây nên đột quỵ như thói quen hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, lười vận động, thừa cân, béo phì, thức khuya, stress, căng thẳng trong cuộc sống, công việc… đều làm gia tăng đột quỵ ở người trẻ tuổi.

Bệnh viện E cho biết đơn vị vừa tiếp nhận người bệnh nam (48 tuổi, Hà Nội) nhập viện do tai nạn giao thông, khi cấp cứu các bác sĩ phát hiện người bệnh bị đột quỵ não nguy hiểm.

ThS.BS Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E cho biết: Khi vào viện, người bệnh có xảy ra va chạm giao thông nên các bác sĩ cần tầm soát hết tất cả các chấn thương khác do tai nạn giao thông có thể gây ra.

Tuy nhiên, các bác sĩ nhận thấy người bệnh rơi vào tình trạng yếu nửa người, đau đầu, lơ mơ, phát âm khó… là những dấu hiệu, triệu chứng của đột quỵ cấp. Ngay lập tức, quy trình cấp cứu đột quỵ được kích hoạt nhằm giành lại sự sống cho người bệnh.

Qua khám lâm sàng và kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh sọ não đã xác định người bệnh bị đột quỵ nhồi máu não trái, nguyên nhân gây ra tình trạng trên là do tắc một nhánh động mạch mạch máu não trái của hệ tuần hoàn não.

Những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ sớm
Bác sĩ thăm khám bệnh nhân (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)

Khai thác tiền sử bệnh án, người bệnh có tiền sử bị mỡ máu cao, thường xuyên sử dụng rượu bia và thuốc lá. Tuy nhiên 1 ngày trước, người bệnh xuất hiện các biểu hiện của cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) như tê yếu một bên tay và chân, đau đầu dữ dội, chóng mặt, giảm thị lực, khó nói… nhưng người bệnh chủ quan nghĩ mình bị say rượu nên chỉ nghỉ ngơi tại nhà.

Sau đó, khi đang điều khiển xe ô tô tham gia giao thông, người bệnh bị đột quỵ đột ngột dẫn đến xảy ra va chạm. Người bệnh được đưa đến cấp cứu tại Đơn vị đột quỵ và Can thiệp mạch máu - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E.

Trước tình thế khẩn cấp, các bác sĩ đã nhanh chóng can thiệp nội mạch để lấy bỏ cục huyết khối tắc cho người bệnh bằng phương pháp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học. Từ đó, các cục huyết khối sẽ được lấy ra và tái thông mạch máu, tưới máu não nhằm cứu sống và hạn chế tối đa các di chứng cho người bệnh.

May mắn, người bệnh được đưa đến bệnh viện và can thiệp kịp “giờ vàng”, tránh được các biến chứng nguy hiểm do đột quỵ gây ra. Sau khi đã được cấp cứu kịp thời, người bệnh tiếp tục được theo dõi và điều trị tích cực tại Đơn vị đột quỵ và Can thiệp mạch máu.

“Giờ vàng” trong cấp cứu đột quỵ nhồi máu não được khuyến cáo trong 3 - 4,5 giờ đầu (kể từ khi khởi phát dấu hiệu đột quỵ đầu tiên). Cấp cứu đột quỵ trong thời gian vàng có vai trò quan trọng trong cứu sống người bệnh, giúp hạn chế tối đa các biến chứng và người bệnh phục hồi nhanh. Thời gian cấp cứu càng lâu, hệ thần kinh càng bị tổn hại càng nhiều, gây hậu quả nghiêm trọng, lâu phục hồi, thậm chí không thể phục hồi, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Dấu hiệu cảnh báo đột quỵ sắp xảy ra trước một tuần

Đau đầu là dấu hiệu của rất nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Tuy nhiên, nếu cơn đau đầu đến đột ngột, đau dữ dội mà không rõ nguyên nhân thì đây có thể là 1 trong 7 dấu hiệu cảnh báo sớm của đột quỵ. Vùng đau đầu ở bệnh nhân đột quỵ có xu hướng lan rộng và thời gian của cơn đau thường khá dài.

Ngoài ra, người bị đột quỵ thường gặp phải vấn đề về thị lực vào khoảng thời gian trước khi cơn đột quỵ xảy ra. Vì thế, đây cũng được xem là 1 trong 7 dấu hiệu cảnh báo đột quỵ sắp xảy ra trước một tuần.

Vấn đề về thị lực ở bệnh nhân đột quỵ xuất phát từ tình trạng não không được cung cấp đủ máu. Điều này gây nên các bất thường như: Mắt nhìn mờ hoặc không nhìn được; Tầm nhìn gần hoặc nhìn xa kém hơn bình thường; Tầm nhìn có sự xuất hiện của bóng đen hoặc điểm mù.

Một trong những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ sắp xảy ra trước một tuần mà bạn cũng cần ghi nhớ là tình trạng mất thăng bằng và chóng mặt. Đây là kết quả của sự gián đoạn lưu thông máu ở hệ thần kinh trung ương.

Những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ sớm
Đột quỵ có thể gây tử vong cao nếu không phát hiện và điều trị kịp thời

Người bị đột quỵ thường có các dấu hiệu về mất thăng bằng như: Quay cuồng, chóng mặt; Đứng khó giữ thăng bằng như bình thường, đi lại khó khăn; Cảm giác buồn nôn hoặc muốn ngã.

Trước khi xuất hiện cơn đột quỵ, người bệnh cũng rất dễ bị tê hoặc yếu một bên cơ thể. Dấu hiệu này là do não bị thiếu oxy và máu.

Ở dấu hiệu cảnh báo đột quỵ sắp xảy ra này, người bệnh sẽ có biểu hiện: Một bên cơ thể, thường gặp nhất là ở chân, tay, mặt có cảm giác tê, yếu, khó vận động; Khó khăn khi cử động hoặc nâng vật nặng; Cảm giác như kim châm hoặc mất cảm giác.

Đột quỵ có thể ảnh hưởng đến khu vực não điều khiển ngôn ngữ nên người bệnh bỗng nhiên nói khó, khó hiểu được lời nói của người khác. Cụ thể, người bệnh sẽ gặp tình trạng: Nói lắp, khó phát âm hoặc mất khả năng nói; Khó hoặc không hiểu được lời nói của người khác; Lẫn lộn và không nhớ được từ ngữ để diễn đạt.

Mất trí nhớ tạm thời có thể nằm trong danh sách những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ sắp xảy ra trước một tuần vì lưu lượng máu đi đến các phần chịu trách nhiệm về trí nhớ của não bộ bị giảm sút. Điều này gây nên các tình trạng: Quên các sự kiện có tính chất gần hoặc các thông tin quan trọng; Khó khăn trong việc nhớ lại tên người quen hoặc địa điểm; Cảm giác lẫn lộn và không chắc chắn về thời gian và địa điểm.

Cảm giác mệt mỏi và thiếu sức sống kéo dài có thể là dấu hiệu cảnh báo của đột quỵ do não không nhận đủ oxy và dưỡng chất. Khi đó, người bệnh sẽ gặp tình trạng: Mệt mỏi triền miên mà không thể giải thích lý do; Da nhợt nhạt; Thiếu năng lượng và không có động lực làm việc; Thường xuyên buồn ngủ, khả năng tập trung kém.

Hà Linh (Tổng hợp)
Phiên bản di động