Phó Thủ tướng yêu cầu ngăn chặn hành vi chuyển giá, trốn lậu thuế
Thanh, kiểm tra gần 84.300 doanh nghiệp, tăng thu thuế hơn 21.600 tỷ đồng |
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình tại Hội nghị toàn quốc về tổng kết công tác ngành Thuế năm 2020 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021.
Theo Phó Thủ tướng, trong năm 2020, mặc dù bối cảnh, tình hình đất nước và toàn cầu đặc biệt khó khăn, thu ngân sách Nhà nước của ngành Thuế ước đạt trên 1.275 triệu tỷ đồng, vượt 1,7% so với dự toán (tương ứng mức vượt gần 21 nghìn tỷ đồng), vượt trên 172 nghìn tỷ đồng so với số ước thu đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 1.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Thuế cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu trong năm 2021 toàn ngành cần chủ động, tích cực quán triệt, tổ chức triển khai tốt, ngay từ đầu năm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ bằng những chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, phù hợp với thực tế, có tính khả thi cao.
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình |
Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Thuế xây dựng chính sách lấy người nộp thuế là trung tâm và là đối tượng phục vụ. Đồng thời xây dựng chính sách phải chú trọng mở rộng cơ sở thuế, bao quát nguồn thu, tránh thất thu, thu sót, lưu ý các lĩnh vực để bảo vệ quyền đánh thuế của Việt Nam: Chuyển nhượng vốn, cổ phần của doanh nghiệp kinh doanh ở Việt Nam nhưng thực hiện ngoài Việt Nam, loại hình kinh tế chia sẻ...
Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Thuế tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngành Thuế theo hướng điện tử hóa, số hóa quản lý thuế, tập trung cải cách quản lý thuế, cắt giảm thủ tục hành chính thuế, mạnh dạn đề xuất các giải pháp đột phá, giảm thiểu những phiền hà, khó khăn, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành Thuế tập trung quản lý thu thuế đối với hộ kinh doanh và khu vực ngoài quốc doanh, lĩnh vực này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro thất thu thuế, nhất là trong bối cảnh thanh toán tiền mặt còn lớn, chưa kiểm soát được nguồn tiền và thu nhập. Tiến tới thực hiện thu thuế điện tử đối với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh.
Ngoài ra, ngành Thuế cũng được yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, tập trung thanh tra hoạt động chuyển giá, thương mại điện tử… Trong đó, tiến tới thanh tra, kiểm tra điện tử, đẩy mạnh công tác kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử.
Đặc biệt, ngành Thuế phải tổ chức đối thoại thường xuyên với người nộp thuế, gần gũi, đồng hành cùng cơ quan thông tấn, báo chí, tạo chuyển biến rõ nét trong việc chống thất thu góp phần ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả; quản lý chặt chẽ việc xác định giá tính thuế; phát hiện và ngăn chặn các hành vi chuyển giá, trốn lậu thuế; tăng cường quản lý hoạt động của khu vực kinh tế phi chính thức.
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, trong năm 2020, toàn ngành đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 84.298 doanh nghiệp, qua đó kiến nghị xử lý hơn 75.435 tỷ đồng. Kết quả, tổng số tiền thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 21.638 tỷ đồng; Số thuế đã nộp vào ngân sách Nhà nước 13.404 tỷ đồng.
Cụ thể, trong năm 2020, toàn ngành Thuế đã thực hiện thanh tra được 6.107 doanh nghiệp. Tổng số tiền thuế truy thu, truy hoàn, phạt qua thanh tra là 13.051 tỷ đồng, giảm khấu trừ gần 732 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 17.144 tỷ đồng, số thuế đã nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 6.984 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, kết quả kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế là 78.191 doanh nghiệp. Tổng tiền thuế truy thu, truy hoàn, phạt qua kiểm tra hơn 7.504 tỷ đồng, giảm khấu trừ gần hơn 1.534 tỷ đồng, giảm lỗ gần 33.470 tỷ đồng, số tiền thuế đã nộp vào ngân sách nhà nước hơn 5.337 tỷ đồng. Ngoài ra, công tác kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế được 753.034 hồ sơ, số thuế điều chỉnh tăng 1.081 tỷ đồng, giảm khấu trừ hơn 136 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 779 tỷ đồng.