Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Hàng triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm

Sáng 11/12, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020.
Hậu Covid-19, Chính phủ lo người dân mất việc, tái nghèo, thiếu đói Những công trình giúp giảm nghèo ở huyện miền núi Năm 2019, cả nước có 68,5 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm mạnh 34,7%

Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 cùng đại diện các bộ, ban, ngành chức năng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: Trong những năm qua, hàng triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, trong những năm qua, hàng triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm

Dự tại điểm cầu Hà Nội có Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cùng đại diện các ban, sở, ngành, các địa phương trên địa bàn thành phố.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Đảng và nhà nước ta luôn xác định giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội là mục tiêu quan trọng trong quá trình phát triển đất nước. Mục tiêu, nhiệm vụ này được thực hiện một cách rất đậm nét trong các văn kiện của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Chính phủ, các chiến lược, kế hoạch, đề án, chương trình hành động của chính quyền các cấp.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, qua những năm gần đây, công tác giảm nghèo đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỉ lệ hộ nghèo giảm liên tục qua các năm trên phạm vi cả nước. Nhiều huyện nghèo, xã khó khăn đã được đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống sản xuất của người dân.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Trung ương
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Trung ương

Phó Thủ tướng cho biết, hàng triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin và các dịch vụ văn hoá. Đặc biệt có sự chuyển biến trong Nhận thức và hành động của một bộ phận người dân, trong đó có người nghèo. Không ít các điển hình, đơn vị và cá nhân tự nguyện xin thoát nghèo.

Kết quả giảm nghèo ở Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, công tác giảm nghèo vẫn còn những tồn tại hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỉ lệ tái nghèo, phát sinh nghèo mới ở một số địa bàn còn cao. Khoảng cách giàu, nghèo giữa các vùng, các nhóm dân cư vẫn có nguy cơ gia tăng. Công tác rà soát, tích hợp chính sách giảm nghèo vẫn chưa được thực hiện đồng bộ.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, trong giai đoạn này, cả nước đã đầu tư khoảng 93.608 tỷ đồng để thực hiện các chương trình hỗ trợ giảm nghèo. Các nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo được triển khai đúng người, đối tượng, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng, hoàn cảnh của người nghèo và đặc thù kinh tế - xã hội của từng địa phương. Từ các nguồn lực trợ giúp và sự nỗ lực vươn lên của người nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước giảm 1,53%/năm trong giai đoạn 2016-2020, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước giảm còn 2,75% tổng số hộ.

Tại Hà Nội, hiện nay, toàn thành phố cơ bản không còn hộ nghèo, trừ một số hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoặc có hoàn cảnh đặc biệt. Đáng ghi nhận hơn, Hà Nội có 14/30 quận, huyện, thị xã không còn hộ nghèo. Đó là các quận: Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Long Biên, Tây Hồ, Thanh Xuân và các huyện: Đông Anh, Hoài Đức, Gia Lâm... Với những kết quả đạt được, Hà Nội được đánh giá là điểm sáng của cả nước trong công tác giảm nghèo.

Nguồn: TTTĐ
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động