Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm việc với tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và TP Hải Phòng

Chiều 10/5, tại TP Hải Dương, đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và Đoàn công tác làm việc với tỉnh Hải Dương, tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng về tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu.
HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVII thông qua 10 Nghị quyết tại kỳ họp thứ 14 Hải Dương: 12 đơn vị cấp huyện vượt thu ngân sách được thưởng như thế nào? Hải Dương: Hội nghị sơ kết triển khai thực hiện Đề án 06/QĐ-TTg
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm việc với tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và TP Hải Phòng
Quang cảnh buổi làm việc.

Tham dự buổi làm việc, về phía tỉnh Hải Dương có các đồng chí: Trần Đức Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh và thủ trưởng một số sở, ban, ngành liên quan.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các địa phương báo cáo cho thấy những khó khăn, vướng mắc chung chủ yếu làm ảnh hưởng tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu liên quan đến việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, chính sách tín dụng, thị trường và về vấn đề lao động.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm việc với tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và TP Hải Phòng
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương - Triệu Thế Hùng báo cáo một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến thể chế trong thực hiện các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh

Đối với tỉnh Hải Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng đã báo cáo một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện, triển khai dự án cụ thể, ảnh hưởng tới phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chỉ ra các khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị về thể chế.

Cụ thể, lãnh đạo tỉnh Hải Dương đề nghị ủy quyền cho các địa phương phê duyệt chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng từ 10ha đất trồng lúa trở lên, từ 20ha đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; Ban hành các hướng dẫn cụ thể quy định về diện tích đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên phải đánh giá tác động môi trường; Ban hành quy định về quy chế hoạt động của Quỹ phát triển đất để địa phương tập trung nguồn lực cho giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch đấu giá quyền sử dụng đất nhằm tạo hiệu quả việc sử dụng đất và tăng thu cho ngân sách Nhà nước.

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đề nghị Chính phủ tháo gỡ, tạo điều kiện để các địa phương thu hút đầu tư về một số nội dung liên quan đến: hộ kinh doanh, dự án không triển khai hoặc triển khai chậm, dự án được chấp thuận trước thời điểm Nghị định số 148/2020/NĐ-CP có hiệu lực; hướng dẫn vấn đề liên quan đến lập đề xuất chủ trương đầu tư; Phân cấp cho HĐND các cấp quyết định kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; quyết định việc bố trí vốn đối với dự án quá hạn. Ban hành Nghị quyết cho phép thí điểm sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên đối với một số dự án trong trường hợp cần thiết;

Mặt khác, Chính phủ cần sửa đổi các quy định liên quan đến Luật Xây dựng, Luật quy hoạch đô thị và Luật Đất đai. Trong đó thống nhất về chỉ tiêu các loại đất; cho phép điều chỉnh cục bộ đối với quy hoạch chung xây dựng xã; đơn giản hóa các quy định về quy hoạch trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; Sớm có hướng dẫn cụ thể về công tác lập, thẩm định phê duyệt dự toán liên quan đến công tác lập đề xuất chủ trương đầu tư để tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương, các cơ quan chuyên môn giúp việc trong quá trình lập đề xuất chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công;

Chính phủ cần xem xét tháo gỡ đề xuất của một số doanh nghiệp về thuế, lệ phí; đẩy mạnh các giải pháp nhằm đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng dư nợ cho vay đầu tư sản xuất, kinh doanh;

Tỉnh cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải quan tâm đầu tư một số công trình giao thông quan trọng: Cải tạo, nâng cấp QL.37, đoạn nối QL.18, qua Khu di tích lịch sử - văn hoá quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc; Đầu tư xây dựng mở rộng cầu Bình (Km77+900/QL.37); mở rộng QL.5 và đầu tư các cầu vượt dân sinh trên QL.5, đoạn qua địa phận tỉnh Hải Dương.

Đồng thời, tỉnh Hải Dương cũng đề nghị Chính phủ sớm tháo gỡ vướng mắc liên quan tới quy hoạch đê điều tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện điện BOT Hải Dương và những tồn tại tại Dự án Đầu tư xây dựng ký túc xá sinh viên cụm trường ở thành phố Chí Linh.

Về phân bổ chỉ tiêu đất đai, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường điều chỉnh khoảng 200 ha chỉ tiêu đất xây dựng cơ sở thể dục thể thao của tỉnh Hải Dương, từ kỳ cuối (2026 - 2030) sang kỳ đầu (2021 - 2025).

Về những vướng mắc quy hoạch chung đô thị Bình Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng đề nghị Bộ Xây dựng tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ sớm có văn bản chấp thuận chủ trương lập điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Bình Giang. Trong thời gian lập quy hoạch điều chỉnh trên, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND tỉnh được thẩm định, phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị Bình Giang đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2020 để kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành sớm kết nối, tích hợp chia sẻ cơ sở dữ liệu, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính cũng như trong công tác tiếp nhận, giải quyết TTHC của các cơ quan nhà nước theo quy định.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm việc với tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và TP Hải Phòng
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Trần Đức Thắng đề nghị cần phân cấp, phân quyền để tháo gỡ vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Đức Thắng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương nhấn mạnh: "Thời gian qua, mặc dù tốc độ tăng trưởng của tỉnh ở mức khá; song trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn, bộc lộ những điểm chưa nhất quán, do vậy chưa giải quyết được căn cơ những tồn tại, vướng mắc khi một số các chỉ tiêu quan trong như thu ngân sách, thu hút đầu tư… đang giảm dần. Tỉnh cũng đã quyết tâm vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư công để tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, tuy nhiên gặp vướng mắc về cơ chế, chính sách. Việc triển khai một nội dung, dự án liên quan đến nhiều luật, quy định chồng chéo, dẫn đến xử lý công việc kéo dài".

Phát biểu kết luật buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết: "Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn nên phải nỗ lực bằng mọi giá để hoàn thành mục tiêu đề ra. Tình hình thế giới có nhiều biến động trong khi kinh tế nước ta đang có độ mở nên khi áp dụng các cơ chế, chính sách sẽ bộ lộ những điểm chưa tương đồng, nhất quán. Nếu hành lang pháp lý không đồng bộ sẽ không giải quyết được các vấn đề căn cơ, cốt lõi, tạo đòn bầy cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm việc với tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và TP Hải Phòng
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu kết luận tại buổi làm việc.

Ngay sau buổi làm việc, những thông tin, kiến nghị mà các địa phương cung cấp, Đoàn công tác ghi nhận đầy đủ để tổng hợp báo cáo, sớm đưa ra các giải pháp cụ thể. Những vấn đề không liên quan đến sửa đổi thể chế, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương phải quyết liệt, để giải quyết triệt để những vướng mắc.

Đối với những nội dung bị vướng mắc bởi thể chế cần tháo gỡ theo nguyên tắc xử lý từng bước, phân cấp mạnh mẽ và phối hợp giữa các địa phương, đơn vị, Văn phòng Chính phủ tổng hợp ý kiến của các địa phương, ban hành thông báo kết luận, đề xuất Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị trên tinh thần phân rõ trách nhiệm.

Hoàng Duy
Phiên bản di động