Phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh
Người dân Hà Nội nô nức du xuân, xin lộc đầu năm Văn hóa và giá trị người Hà Nội tỏa sáng qua mỗi thời kỳ Khẳng định giá trị văn hóa người Hà Nội trong hệ giá trị gia đình Việt Nam |
Đó là một trong những nội dung của Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 7/2/2023 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Chính phủ ban hành.
Nghị quyết nêu rõ việc xây dựng và ban hành Chương trình hành động nhằm thống nhất chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức quán triệt, triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành và Nhân dân Thủ đô Hà Nội về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, trung tâm đầu não chính trị - hành chính của quốc gia, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước; đến năm 2030, trở thành Thành phố có sức cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Theo đó, Nghị quyết nhấn mạnh việc phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xứng đáng là trung tâm lớn về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế. Bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô.
Cụ thể là tập trung phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách để có nguồn lực đầu tư hợp lý phát triển văn hóa của Thủ đô; Tập trung đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh quốc gia, di sản thế giới, các công trình kiến trúc có giá trị văn hóa lịch sử trên địa bàn; đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa một số công trình văn hóa, thể thao mới, mang tính biểu tượng, tiêu biểu của Thủ đô (tượng đài, quảng trường, bảo tàng, nhà hát, công viên, trung tâm văn hóa, điện ảnh...);
Cùng với đó là việc triển khai chương trình nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn về phát triển văn hóa và con người Thủ đô. Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững Thủ đô.
Nét thanh lịch của người Hà Nội được gìn giữ thông qua nếp nhà |
Phát huy hiệu quả, giá trị mô hình Hà Nội - Thành phố sáng tạo về thiết kế trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, phấn đấu trở thành trung tâm hội tụ thiết kế và đổi mới ở khu vực - kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á.
Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô. Tiếp tục xây dựng Thủ đô Hà Nội tham gia vào “Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO” trong các lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian; ẩm thực; văn học và âm nhạc...
Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng Thủ đô Hà Nội là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao đáp ứng được quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo hội nhập với khu vực và quốc tế. Tăng cường đầu tư, phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội theo hướng có trọng tâm, trọng điểm phát triển ngang tầm các đại học có chất lượng cao trong khu vực.
Nghiên cứu xây dựng phát triển các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực tại chỗ, đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đồng thời, phát triển được đội ngũ nhân lực, các nhà quản trị có khả năng ứng dụng công nghệ và phát triển các dịch vụ hiện đại trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, logistics, bảo hiểm, công nghệ thông tin, phân phối bán lẻ, tư vấn, dịch vụ phát triển kinh doanh.
Bên cạnh đó, phấn đấu phát triển giáo dục nghề nghiệp Thủ đô đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển giáo dục nghề nghiệp tại Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, trong đó đẩy mạnh đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề cao; hình thành các trung tâm Quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô.
Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển Thủ đô hiện đại văn minh; lấy doanh nghiệp làm trung tâm, tạo động lực phát triển mới, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô.