Phát huy vai trò của báo chí với cộng đồng doanh nghiệp

Xuyên suốt thời gian 97 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam luôn phát huy vai trò là cầu nối “ý Đảng, lòng dân”. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, với sự tác động nhiều chiều của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì vai trò lại càng quan trọng hơn, đặc biệt, quan hệ giữa báo chí và cộng đồng doanh nghiệp cần thiết gắn kết sâu sắc, đưa doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Báo chí luôn là một trong những lực lượng trên tuyến đầu Báo Tuổi trẻ Thủ đô giành giải Ba giải báo chí tuyên truyền về An toàn giao thông năm 2021 Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong chúc mừng Ban Tuyên giáo Trung ương và một số cơ quan báo chí

Báo chí với sự phát triển doanh nghiệp

Kể từ ngày số báo đầu tiên được xuất bản ngày 21/6/1925 trên tờ Thanh Niên do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, đánh dấu sự ra đời của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam, trải qua 97 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng đất nước và dân tộc; Là lực lượng tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, không ngừng phát triển và vững mạnh trên mọi lĩnh vực, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

TS. Phạm Chiến Thắng – Trưởng khoa Báo chí – Truyền thông, trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên
TS Phạm Chiến Thắng, Trưởng khoa Báo chí - Truyền thông, trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên

Bước vào thời kỳ “Đổi mới” và hội nhập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Báo chí Cách mạng Việt Nam có sự phát triển cả về đội ngũ, trình độ chuyên môn hóa cao và cả đầu tư hệ thống kỹ thuật hiện đại trong quá trình tác nghiệp, đồng thời, báo chí Việt Nam luôn tích cực đưa tin tuyên truyền về đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội và củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Ngoài ra, thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam “là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế”. Vì vậy, Báo chí Cách mạng Việt Nam đóng vai trò hết sức quan trọng trong lĩnh vực kinh tế - xã hội trong và ngoài nước, đặc biệt là với cộng đồng doanh nghiệp.

Những năm gần đây, mối quan hệ gắn bó, đồng hành giữa báo chí với doanh nghiệp đã và đang thể hiện ngày càng rõ trong thực tiễn đời sống xã hội. Thực tế cho thấy, mối quan hệ hợp tác, đồng hành giữa báo chí và doanh nghiệp luôn có vai trò quan trọng trong tiến trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng và quá trình hội nhập, phát triển kinh tế đất nước nói chung.

Báo chí là cầu nối giữa doanh nghiệp và Nhà nước, thông qua thông tin trên các cơ quan thông tấn, báo chí, giúp Chính phủ và các cơ quan Nhà nước lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, từ việc thực hiện chủ trương, chính sách để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý điều hành...

Phóng viên báo chí tham quan dây chuyền sản xuất của một doanh nghiệp sản xuất nước giải khát
Phóng viên báo chí tham quan dây chuyền sản xuất của một doanh nghiệp sản xuất nước giải khát

Rất nhiều lãnh đạo các đơn vị doanh nghiệp chia sẻ với cùng nội dung: “Trong suốt 2 năm chống chọi với đại dịch COVID-19, thường xuyên quan tâm, theo dõi thông tin mà các cơ quan báo chí đăng tải, chúng tôi nhận thấy những thông tin mà cơ quan báo chí cập nhật, truyền tải đối với cộng đồng doanh nghiệp nhanh chóng, kịp thời. Nhờ báo chí mà các doanh nghiệp có được thông tin đa dạng, nhiều chiều trong và ngoài nước, nắm bắt nhu cầu của thị trường, thị hiếu tiêu dùng của khách hàng mà vươn lên đáp ứng kịp thời và có hiệu quả nhất.

Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, các phương tiện truyền thông hiện đại, các thông tin về doanh nghiệp được chuyển tải không chỉ trong nước mà còn ra thế giới, mang lại cho doanh nghiệp cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường ở trong và ngoài nước".

Báo chí nói chung cần tích cực tăng cường chia sẻ thông tin và thực tế đến với doanh nghiệp qua các tác phẩm báo chí, giúp doanh nghiệp có nhiều thông tin kịp thời hơn; đồng thời góp phần đưa các mô hình tương tự và những bài học trên thế giới để doanh nghiệp học hỏi và ứng xử trong kinh doanh; Tích cực hơn trong việc góp ý chính sách, phản biện chính sách để giúp môi trường kinh doanh được tốt hơn cho doanh nghiệp.

Về các doanh nghiệp, doanh nhân cũng cần chia sẻ, cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí, sẵn lòng và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà báo. Chúng ta có thước phim hay, những bài báo đẹp thì cũng chính là công sức lớn của các nhà báo và có sự đóng góp tham gia tích cực của các doanh nghiệp.

Báo chí thời đại công nghệ 4.0

Báo chí giúp doanh nghiệp quảng bá hình ảnh, thương hiệu, sản phẩm đến với công chúng. Tin tức trên báo chí cũng giúp doanh nghiệp nắm bắt được thông tin đa dạng, đặc biệt là thông tin thị trường trong và ngoài nước, giúp cho doanh nghiệp thêm dữ liệu để định hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoàn thiện chiến lược phát triển doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, báo chí đã giúp nêu lên những kiến nghị với nhà nước, nhằm xây dựng chính sách, pháp luật phát triển kinh tế - xã hội, giúp cộng đồng doanh nghiệp không ngừng lớn mạnh. Báo chí cũng chỉ ra những việc chưa chuẩn mực, điều còn thiếu sót trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp nhìn nhận, đánh giá hoạt động của mình để ngày càng hoàn thiện và phát triển doanh nghiệp trong khuôn khổ pháp luật.

Trong đời sống hiện nay, khủng hoảng có thể xảy ra bất cứ lúc nào đối với bất kỳ doanh nghiệp nào. Khi sản phẩm chất lượng không hoàn hảo, hoặc thậm chí chỉ là một tin đồn ác ý có liên quan đến doanh nghiệp, hệ quả của nó cũng đều lớn như quả bom có sức công phá kinh khủng… Trong bối cảnh đó, vai trò của báo chí để xử lý khủng hoảng là rất quan trọng, bởi chỉ có báo chí đưa ra những thông tin khách quan mới trấn an được dư luận.

Hiện nay, vai trò của báo chí trong thời đại công nghệ 4.0 là một chủ đề được bàn tán khá nhiều ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Với sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội, cùng sự hỗ trợ của những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, báo chí đang đánh mất dần vị thế của mình trong vai trò cung cấp tin tức thời sự, cập nhật hay những vấn đề nóng đang xảy ra xung quanh.

Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, công chúng hiện nay đang có xu hướng tìm kiếm, tiếp cận thông tin thông qua Facebook, Zalo… thay vì các kênh báo chí chính thống. Thậm chí, một số người nổi tiếng, người có tiếng nói trên mạng xã hội đã và đang làm thay vai trò của nhà báo, họ chia sẻ, bình luận, phản biện các thông tin khác nhau và nhận lại được nhiều sự hưởng ứng từ phía cộng đồng mạng.

Mặc dù báo chí có thể khó để chạy đua tin tức với mạng xã hội nhưng nó vẫn cần thực hiện được vai trò quan trọng nhất của mình đó là cung cấp cho công chúng những thông tin chính thống, đáng tin cậy và theo đuổi sự thật. Để làm được điều này, nhà báo cần có nhiều kỹ năng hơn trước đây. Bên cạnh khả năng khai thác một môi trường dữ liệu lớn, dữ liệu mới trên internet bùng nổ như hiện nay thì nhà báo cần phải có kỹ năng đánh giá thông tin, phân tích dữ liệu để tránh tin giả, tin sai sự thật.

Theo TS Phạm Chiến Thắng, Trưởng khoa Báo chí - Truyền thông, trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên, phân tích: “Trong các dạng tin tức thì thông tin về kinh tế, chính trị được coi là những dạng tin tức khó. Để có thể phát huy vai trò của mình đối với cộng đồng doanh nghiệp, báo chí cần thể hiện được thái độ khách quan và tính xác thực cao trong cách thức đưa tin và phân phối tin tức.

Lý do thể hiện ở hai điểm: Một là, thông tin kinh tế là dạng thông tin đặc thù, chỉ một thông tin sai lệch có thể ảnh hưởng tới thị trường và tác động tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu nhà báo thiếu kiến thức, không tìm hiểu, kiểm tra tất cả các dữ liệu trước khi xuất bản, dẫn đến thông tin sai lệch hoặc thiếu sót thì hoàn toàn có thể gây ra khủng hoảng cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Do đó, tính xác thực trong việc đưa tin về doanh nghiệp hay thông tin thị trường là điều cần được coi trọng. Như đã nói ở trên, để làm được tốt nhất điều này thì báo chí cần có sự hỗ trợ của các hệ thống dữ liệu, công nghệ hiện đại hỗ trợ trong quá trình sàng lọc tin tức.

Thứ hai, về bản chất báo chí cần dựa vào sự thật nhiều hơn là sự thiên vị. Tuy nhiên, trong môi trường kinh tế thị trường như hiện nay, ranh giới giữa hai khái niệm này trong hoạt động báo chí đang trở nên ngày càng mờ nhạt. Bản thân các hệ thống giám sát tin tức hiện nay đã rất phát triển, chỉ cần một bản tin tiêu cực vừa được xuất bản thì chỉ vài giây sau phía doanh nghiệp đã có thể nắm bắt, họ có thể dùng quyền lực, kinh tế để giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng trước cả khi công chúng đọc được bài báo.

Do đó, đảm bảo tính khách quan trong quá trình đưa tin là vấn đề đặc biệt quan trọng để đảm bảo sự công bằng trong kinh doanh, thúc đẩy môi trường kinh tế lành mạnh”.

Phan Huy
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động