Phát huy truyền thống Hai Bà Trưng, xứng danh phụ nữ Thủ đô anh hùng
Truyền thống phụ nữ hào hùng
Theo truyền thuyết trong dân gian và thần tích tại đền thờ Hai Bà Trưng ở Mê Linh, Hát Môn và một số di tích thờ Hai Bà trên cả nước, hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị được nuôi dạy trong tinh thần yêu nước, được dạy binh thư võ nghệ, rất can đảm, dũng lược.
Lớn lên, Trưng Trắc kết duyên cùng Thi Sách - con trai Lạc tướng huyện Chu Diên.
Hai Bà Trưng là nhị vị anh hùng dân tộc, mở ra thời đại độc lập cho nước nhà sau hàng nghìn năm Bắc thuộc |
Thời kỳ đó, đất nước ta bị nhà Hán đô hộ. Với chính sách thống trị vô cùng tàn bạo và các chế độ cống nạp hà khắc của nhà Hán, Nhân dân ta phải sống lầm than, khổ cực, sục sôi ý chí nổi dậy chống lại sự thống trị tàn bạo của chính quyền phong kiến phương Bắc.
Thái thú Tô Định, biết được ý định chuẩn bị khởi nghĩa của Thi Sách và Trưng Trắc, đã lập mưu kế hãm hại Thi Sách nhằm lung lạc ý chí của bà Trưng Trắc và tinh thần đấu tranh của Nhân dân ta.
Song hành động tàn bạo của Tô Định không làm cho bà Trưng Trắc sờn lòng, trái lại, càng làm cho bà thêm quyết tâm khởi nghĩa "Đền nợ nước, trả thù nhà".
Năm 40 (sau công nguyên), Hai Bà Trưng đã giương cao ngọn cờ tụ nghĩa, kêu gọi hào kiệt bốn phương, Nhân dân cả nước đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Trong ngày xuất quân, "cờ xí dậy đất, chiêng trống vang trời, tướng nam lẫm liệt, tướng nữ lạnh lùng", nghĩa quân khí thế sục sôi với lời thề: Một xin rửa sạch nước thù. Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng. Ba kẻo oan ức lòng chồng. Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trò chuyện với đại biểu phụ nữ Thủ đô |
Cuộc khởi nghĩa được Nhân dân khắp nơi ủng hộ, hưởng ứng, tạo thành sức mạnh như vũ bão. Nghĩa quân của Hai Bà Trưng đi đến đâu chính quyền và quân đội nhà Hán tan vỡ đến đó.
Chỉ trong một thời gian ngắn, nghĩa quân đã thu lại 65 huyện, thành, là toàn bộ lãnh thổ nước Việt hồi đó; Tô Định phải bỏ chạy về nước, chấm dứt ách đô hộ hà khắc của nhà Đông Hán.
Sau khi khởi nghĩa thắng lợi, đất nước được giải phóng, bà Trưng Trắc được tướng sĩ và Nhân dân suy tôn lên ngôi vua, lấy hiệu là Trưng Nữ Vương, định đô tại Mê Linh... "Đô kỳ đóng cõi Mê Linh, Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta".
Năm 2015, trong sự kiện kỷ niệm 1975 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từng có bài phát biểu nêu bật công lao của hai vị nữ vương.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến dâng hương tại đền Hai Bà Trưng |
“Hai Bà Trưng, những người con gái Lạc tướng đất Mê Linh và cuộc khởi nghĩa của Hai Bà (năm 40 - 43 sau công nguyên) đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam, in đậm trong tâm tư, tình cảm mỗi người dân Việt Nam như một huyền thoại”, bài phát biểu của nguyên Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng tuy chỉ đưa lại nền độc lập cho đất nước trong gần ba năm, nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn, còn lưu mãi sử xanh.
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử đấu tranh oanh liệt chống ách thống trị của ngoại bang của nhân dân ta, là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí hiên ngang, khí phách quật cường của dân tộc ta”.
Gương sáng phụ nữ Thủ đô
Phát huy truyền thống tốt đẹp của Hai Bà Trưng, phụ nữ Thủ đô Hà Nội đã và đang có những đóng góp tích cực, quan trọng vào sự phát triển chung của thành phố.
Tại Đại hội đại biểu phụ nữ thành phố Hà Nội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026, đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã nói: "Phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam và nét đẹp thanh lịch, đảm đang của phụ nữ Hà Nội, chị em phụ nữ ngày càng khẳng định vị thế vững chắc và có những đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước.
Đồng thời, phụ nữ còn làm tốt vai trò không thể thay thế của người vợ, người mẹ, người tổ chức, chăm lo cuộc sống, giữ lửa trong gia đình, bảo đảm sự yên ấm của từng tế bào xã hội".
Hội nghị Biểu dương điển hình tiên tiến "Phụ nữ Thủ đô thi đua làm theo lời Bác" giai đoạn 2018 - 2023 |
Theo báo cáo Cục Thống kê Hà Nội, phụ nữ chiếm trên 50% dân số, đóng góp gần một nửa lực lượng lao động, có mặt trong mọi ngành nghề, trên mọi địa bàn.
Cụ thể, tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động là 48,5%; Tỷ lệ nữ có việc làm/tống số người có việc làm là 48,79%; Tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương là 30,4%; Tỷ trọng lao động nữ có việc làm trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 7,8%; Tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã là 21,1%.
Trong sự phát triển đó, không thể không nhắc tới vai trò then chốt của hội phụ nữ các cấp. Với sự quan tâm của cấp ủy các cấp, đội ngũ cán bộ nữ của Thủ đô đã trưởng thành cả về số lượng và chất lượng.
Phát huy năng lực, ý chí của phụ nữ Thủ đô để xây dựng thành phố Hà Nội (Ảnh: Phụ nữ Sơn Tây duyên dáng trong tà áo dài) |
Vai trò và vị trí của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được khẳng định và đề cao. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia vị trí quản lý, lãnh đạo ở các cấp có chuyển biến khá tích cực.
Từ năm 2018 đến nay, một số cán bộ nữ, cán bộ hội đã được luân chuyển, bổ nhiệm giữ các cương vị lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các ban Đảng, MTTQ và các đoàn thể các cấp. Tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ 3 cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 tăng so với nhiệm kỳ 2015 - 2020