Phải quy rõ trách nhiệm khi kê đơn thuốc quá mức cần thiết
Phát hiện thêm một loại cà phê giảm cân chứa chất cấm Sibutramin Hơn 20 quốc gia trên thế giới ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ Nguy cơ ngộ độc khi tuỳ tiện sử dụng thuốc đông y, rượu thuốc chữa bệnh |
Chiều 26/5/2022, Quốc hội thảo luận tại tổ về hai dự án luật quan trọng là Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và Luật Thanh tra.
Thêm quy định về bác sĩ gia đình
Thảo luận tại tổ, tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu vấn đề, hiện nay trong dự thảo Luật chưa quy định về bác sĩ gia đình, trong khi đây là xu hướng khám, chữa bệnh của các nước trên thế giới. Ở nước ta bây giờ đời sống đã khá lên và mô hình bác sĩ gia đình cũng khá phổ biến, tuy nhiên luật chưa có một điều khoản nào về vấn đề này.
Năm 2014, Bộ Y tế đã có Thông tư số 16 hướng dẫn thí điểm về bác sĩ gia đình và phòng khám bác sĩ gia đình. Từ đó đến giờ cũng gần 10 năm rồi, vì vậy có thể tổng kết, đánh giá để đưa vào Luật.
Tổng Thư ký Quốc hội kiến nghị, dự thảo Luật cần thêm một điểm quy định về bác sĩ gia đình để làm căn cứ pháp lý cho các văn bản dưới luật quy định loại hình khám chữa bệnh này. Nếu không quản lý hoạt động này thì đến khi phát sinh tranh chấp hay những sự việc không mong muốn liên quan đến bác sĩ gia đình thì trách nhiệm xử lý như thế nào? Do đó, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần nghiên cứu thiết kế một điều khoản trong dự thảo Luật quy định mang tính nguyên tắc, làm cơ sở để quy định cụ thể bằng văn bản dưới luật.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại tổ |
Liên quan đến việc kê đơn thuốc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận thấy, hiện nay vấn đề này được đề cập tại Điều 6 dự thảo Luật (quy định hành vị cấm) và Điều 61 dự thảo Luật (quy định trách nhiệm của các cơ sở khám, chữa bệnh và bác sĩ trong sử dụng thuốc trong điều trị) nhưng chưa thật rõ, chưa đủ để kiểm soát vấn đề này. Thực tế hiện nay có rất nhiều loại thuốc đặc trị, nhiều phác đồ điều trị và việc lựa chọn loại thuốc nào, phác đồ điều trị nào cho hiệu quả và có lợi nhất cho người bệnh phụ thuộc vào bác sĩ, người kê đơn thuốc.
“Tùy theo phác đồ điều trị, nếu bệnh ở mức độ thông thường thì dùng phác đồ điều trị thông thường, nhưng nếu bác sĩ chỉ định theo phác đồ điều trị cao hơn mức cần thiết sẽ gây tốn kém cho người bệnh hoặc dẫn đến câu chuyện nhờn thuốc”, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói và cũng nêu rõ, đa số đội ngũ bác sĩ là tốt nhưng cũng có những bác sĩ kê đơn thuốc quá mức cần thiết để các nhà thuốc, hãng thuốc trục lợi. Vì thế, quy định pháp luật phải đủ rõ và sau này phải quy được trách nhiệm trong trường hợp kê thêm thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh quá mức cần thiết, Tổng thư ký Quốc hội đề nghị.
Hiện dự thảo Luật mới quy định hành vi bị cấm vì lý do trục lợi, bây giờ chứng minh thế nào là hành vi trục lợi? Rõ ràng theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế cũng là một cách để hạn chế câu chuyện đưa những thuốc đặc trị, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật cao hơn mức cần thiết.
Vẫn còn 1 bệnh viện 2 chế độ
Cũng trong phiên thảo luận chiều nay, một trong những nội dung được nhiều đai biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là cơ chế tài chính y tế và cơ chế tự chủ bệnh viện. Theo các ĐBQH, giá khám bệnh bảo hiểm y tế lâu nay chưa sát với chi phí thực tế đã dẫn tới chất lượng dịch vụ chưa cao. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng 1 bệnh viện 2 chế độ, phân biệt rõ ràng giữa người có tiền sử dụng dịch vụ yêu cầu và người nghèo phải khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP HCM) cũng lưu ý, xu hướng bệnh viện tự chủ hoàn toàn, tự trả lương cho y bác sĩ sẽ dẫn tới người bệnh buộc phải khám chữa bệnh theo yêu cầu với giá cao hơn.
“Trong luật khám bệnh, chữa bệnh hiện hành đã có ý tưởng về vấn đề tự chủ của bệnh viện. Hiện nay đa số các bệnh viện ít nhất cũng đã tự chủ một phần, rất ít bệnh viện được bao cấp hoàn toàn. Tuy nhiên việc tự chủ bệnh viện hiện nay chỉ là Nhà nước không chi lương. Bệnh viện tự lo trả lương cho cán bộ nhân viên. Điều đó dẫn tới phải thu trên đầu người bệnh. Nếu giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế rẻ quá thì các bệnh viện phải trông chờ vào nguồn thu dịch vụ. Điều này không khác gì việc học sinh phải đi học thêm”, đại biểu Phong Lan nói.
Tương tự, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) cho rằng, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi lần này cần phải xem xét lại vấn đề bệnh viện tự trả lương cho y, bác sĩ.
“Cũng như lĩnh vực giáo dục, các dịch vụ y tế là vấn đề an sinh xã hội, Nhà nước phải đảm bảo cho người dân. Bây giờ phải cách chế độ tiền lương đối với ngành Y, nhất là y tế cơ sở, cán bộ y tế công tác tại vùng sâu vùng xa. Lương của họ phải đủ sống và một phần lo cho gia đình thì họ mới yên tâm công tác…”, đại biểu Dung nói.