Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): Khắc phục tình trạng quá tải ở tuyến Trung ương, vắng vẻ ở địa phương

Mặc dù phân thành 3 cấp chuyên môn nhưng người bệnh không lựa chọn cấp cơ sở mà chọn tuyến tỉnh, Trung ương vì được thông tuyến bảo hiểm. Điều này tạo ra tình trạng quá tải ở Trung ương, còn địa phương thì vắng. Vì thế, việc sửa đổi Luật khám, chữa bệnh cần hướng đến việc giảm quá tải cho tuyến trên.
Phát hiện thêm một loại cà phê giảm cân chứa chất cấm Sibutramin Hơn 20 quốc gia trên thế giới ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ Nguy cơ ngộ độc khi tuỳ tiện sử dụng thuốc đông y, rượu thuốc chữa bệnh

Chiều 26/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): Khắc phục tình trạng quá tải ở tuyến Trung ương, vắng vẻ ở địa phương
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà phát biểu thảo luận tại tổ

Thảo luận tại tổ Hà Nội, đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hệ thống y tế chưa bao giờ phải chịu áp lực và khối lượng công việc lớn như 3 năm qua. Dịch bệnh đã chỉ ra không ít những bất cấp, hạn chế, đặt ra tính cấp thiết phải hoàn thiện ngay hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực y tế. Trong đó, Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ là hành lang pháp lý quan trọng góp phần tăng cường khả năng tiếp cận và nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân.

Góp ý về một số nội dung cụ thể, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, về hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng chia thành 3 cấp (khám bệnh, chữa bệnh ban đầu; Khám bệnh, chữa bệnh cơ bản; Khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu) là phù hợp. Tuy nhiên, theo đại biểu, cần làm rõ khái niệm y tế cơ sở để có đầu tư cho phù hợp.

“Mặc dù chúng ta phân thành 3 cấp chuyên môn nhưng người bệnh không lựa chọn cấp cơ sở mà chọn tuyến tỉnh, Trung ương vì được thông tuyến bảo hiểm. Điều này tạo ra tình trạng quá tải ở Trung ương, còn địa phương thì vắng.

Vì thế, việc sửa đổi cần hướng đến việc giảm quá tải cho tuyến trên. Cùng với đó, cần chú trọng thực hiện mã định danh cá nhân để thuận tiện trong theo dõi quá trình khám, chữa bệnh và phân tuyến tốt hơn”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà nêu.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): Khắc phục tình trạng quá tải ở tuyến Trung ương, vắng vẻ ở địa phương
Các ĐBQH TP Hà Nội thảo luận tại tổ

Góp ý về một số nội dung cụ thể, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội bày tỏ băn khoăn về quy định sử dụng ngôn ngữ trong khám chữa bệnh của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi. Nữ đại biểu đoàn Hà Nội nêu, quy định này là cần thiết, tuy nhiên quy định phải bảo đảm tính khả thi, an toàn cho người bệnh.

Đặc biệt, quy định phải tạo điều kiện cho người bệnh được tiếp cận với dịch vụ y tế hiện đại, tạo cơ hội để đội ngũ y bác sĩ trong nước được tiếp thu các tiến bộ khoa học, kỹ thuật khám chữa bệnh tiên tiến trên thế giới.

Đại biểu Hà nhấn mạnh, việc quy định người hành nghề là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải biết tiếng Việt thành thạo cần nghiên cứu được xem xét. Thực tế nhiều bác sĩ nước ngoài có trình độ chuyên môn cao nhưng không có khả năng nói tiếng Việt tốt, đặc biệt tiếng Việt không phải là ngôn ngữ phổ biến trên thế giới.

Như ở Hà Nội, có một số phòng khám Hàn Quốc, Nhật Bản có bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, nếu chỉ cho phép các bác sĩ này khám cho người có cùng ngôn ngữ thì sẽ làm hạn chế quyền được tiếp cận với dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao của người dân Việt Nam. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư mời các bác sĩ có chuyên môn, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại nhưng những người dân Việt Nam lại không được sử dụng dịch vụ là không phù hợp”, đại biểu Hà nói.

Về xã hội hoá công tác khám chữa bệnh (Điều 90), đại biểu cho rằng, việc thu hút nguồn vốn xã hội hoá là đặc biệt cần thiết nhưng thực tế hiện nay công tác xã hội hoá trong lĩnh vực y tế gặp nhiều khó khăn khi triển khai. Vì thế, bà Hà đề nghị, quy định tại Khoản 3 Điều 90 chỉ mang tính nguyên tắc và cần bổ sung thêm quy định: “Chính phủ quy định chi tiết nội dung này”.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): Khắc phục tình trạng quá tải ở tuyến Trung ương, vắng vẻ ở địa phương
Đại biểu Nguyễn Xuân Cử

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng cho rằng, việc sớm thông dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là hết sức cần thiết. Đại biểu đặc biệt quan tâm đến đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở, các trung tâm chăm sóc sức khỏe cho người dân để khi mắc bệnh chỉ cần 10 phút là có thể được tiếp cận với y tế.

Cùng với đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đề cập đến việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong khám, chữa bệnh cho người dân, trong đó chú trọng việc khám, chữa bệnh từ xa để phù hợp với xu thế của các nước phát triển trên thế giới, đáp ứng nhu cầu của người dân.

“Nếu cần có thể chúng ta xây dựng hẳn một chương trong dự thảo Luật để có quy định cụ thể hơn về khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ chữa bệnh từ xa (Điều 55). Trong đó, cần bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa, cơ chế thanh toán và trách nhiệm của các cá nhân và cơ quan liên quan”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu.

Trong khi đó, đại biểu Trương Xuân Cừ nhấn mạnh việc tăng cường trách nhiệm của các phòng khám, chữa bệnh tư nhân. Cùng với đó là dự thảo Luật mới cần có quy định cụ thể, ràng buộc để hạn chế tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế, bởi thực tế các địa phương hiện nay tỷ lệ người dân đến khám, chưa bệnh còn ít nhưng ở tuyến trên luôn quá tải và có nhiều bất cập trong các phòng khám công - tư.

Bên cạnh đó là những bất cập trong việc đầu tư xây dựng các cơ sở khám chữa bệnh, dù cơ sở khang trang nhưng chất lượng khám, chữa bệnh tại các địa phương vùng sâu, vùng xa còn thấp, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Huy Dương
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động