Ông Trịnh Văn Quyết nhận thù lao 5 triệu đồng mỗi tháng tại Tập đoàn FLC

Năm 2018, mức thù lao cho Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC là 5 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, với tư cách là Chủ tịch HĐQT, ông Trịnh Văn Quyết sẽ nhận mức thù lao 5 triệu đồng/tháng.
Quý 1 "đại gia" FLC chỉ lãi hơn 8 tỷ đồng, nợ gần gấp đôi vốn chủ sở hữu FLC 'hào phóng' tài trợ toàn bộ kinh phí bắn pháo hoa Carnaval Hạ Long Tập đoàn FLC bảo lãnh Bamboo Airways thuê thêm 3 máy bay

Một thông tin thú vị được nêu ra trong báo cáo thường niên năm 2018 của Tập đoàn FLC (mã CK: FLC) là mức thù lao của các thành viên trong Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc và Ban kiểm soát của Tập đoàn FLC.

Theo đó, dù có tiếng là "đại gia" trong giới doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng nhưng mức thù lao cho các sếp tại Tập đoàn FLC chỉ vọn vẹn vài triệu đồng mỗi tháng.

Trong báo cáo thường niên nêu, việc chi trả thù lao cho các thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát của Tập đoàn FLC tuân thủ theo quy định của công ty về chế độ thù lao đối với các thành viên Hội đồng quản trị và thành viên Ban kiểm soát, được ĐHCĐ thông qua tại mỗi kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên và tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan.

Cụ thể, thù lao cho Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị là 5 triệu đồng/người/tháng; thù lao cho Trưởng Ban kiểm soát là 5 triệu đồng/tháng, còn thù lao cho thành viên Ban kiểm soát là 2 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, Ban Tổng giám đốc hưởng lương, thưởng theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động và không có chế độ thù lao.

ong trinh van quyet nhan thu lao 5 trieu dong moi thang tai tap doan flc
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC.

Ngoài ra, các thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Ban Tổng giám đốc được hưởng các chế độ phúc lợi khác như: bảo hiểm sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ, phụ cấp điện thoại di động, ưu đãi khi sử dụng dịch vụ của Tập đoàn và các công ty thành viên.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tính đến thời điểm hiện tại, Hội đồng quản trị của Tập đoàn FLC có 4 người, trong đó Chủ tịch HĐQT là ông Trịnh Văn Quyết, bà Hương Trần Kiều Dung - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, ông Lê Thành Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc và ông Lê Bá Nguyên - Thành viên HĐQT.

Tập đoàn FLC mới đây cũng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019 cho thấy tình hình kinh doanh có dấu hiệu đi xuống. Theo đó, doanh thu thuần quý 1/2019 của FLC đạt hơn 2.979 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng quý năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán và cung cấp dịch vụ là 2.895 tỷ đồng, tăng 46% khiến lợi nhuận gộp giảm 63% còn 84,34 tỷ đồng.

Đáng nói, trong quý 1/2019, chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của FLC cũng tăng mạnh lên mức lần lượt là 112 tỷ đồng; 96,6 tỷ đồng và 156,6 tỷ đồng.

Kết quả, quý 1/2019, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn FLC lao dốc mạnh từ 99,3 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước xuống còn 8,1 tỷ đồng. Theo giải trình của FLC, nguyên nhân lợi nhuận sau thuế giảm mạnh là do chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh và do lợi nhuận gộp về bán hàng cung cấp dịch vụ giảm.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất, trong quý 1/2019, trong các mảng kinh doanh của Tập đoàn FLC, mảng bán hàng hóa mang về tổng doanh thu 1.403 tỷ đồng, chiếm 46,5%; mảng kinh doanh bất động sản mang về cho FLC 971 tỷ đồng doanh thu và 254 tỷ đồng lợi nhuận gộp; tuy nhiên mảng cung cấp dịch vụ lại lỗ 176 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 3/2019, tổng tài sản của FLC đạt 26.527 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 640 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn lên tới 13.728 tỷ đồng, các khoản phải thu dài hạn là 9.838 tỷ đồng, tài sản dở dang dài hạn là 3.593 tỷ đồng, hàng tồn kho là 1.453 tỷ đồng.

Cùng thời điểm, Tập đoàn FLC ghi nhận khoản nợ phải trả là 17.503 tỷ đồng, tăng hơn 630 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn là 14.040 tỷ đồng và nợ dài hạn là 3.463 tỷ đồng; trong khi đó, vốn chủ sở hữu của tập đoàn chỉ 9.023 tỷ đồng. Như vậy, khoản nợ phải trả của FLC đã gần gấp đối vốn chủ sở hữu.

Trong khi đó, cổ phiếu FLC cũng diễn biến trồi sụt, kết phiên giao dịch ngày 9/5/2019 đang ở mức 4.500 đồng/cổ phiếu, tương đương với mức vốn hóa xấp xỉ 3.200 tỷ đồng, giảm hơn 31% kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán.

Văn Huy
Phiên bản di động