“Nóng ruột” trước vấn nạn xăng dầu kém chất lượng tràn lan
Cửa hàng ở Nam Định bán dầu có tạp chất: Petrolimex nói gì? Cây xăng ở Ninh Bình bị phạt nặng vì bán xăng kém chất lượng |
Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, thời gian qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại mặt hàng xăng dầu vẫn diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Theo đó, hàng loạt các vụ xăng dầu lậu, xăng giả và kém chất lượng với cả trăm triệu lít được đưa vào thị trường Việt Nam gần đây được cơ quan điều tra phát hiện. Từ Quảng Ngãi, Bình Thuận, Nghệ An, Đắc Nông, Đồng Nai, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ… đều là những nơi có các đường dây buôn bán xăng dầu lậu, xăng giả và kém chất lương cực lớn bị bắt giữ.
Đáng nói, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng tình trạng buôn bán xăng dầu lậu, xăng giả và kém chất lượng vẫn diễn biến rất phức tạp. Ngoài việc khởi tố điều tra nhiều đường dây buôn lậu xăng dầu, cơ quan chức năng cũng đã đi kiểm tra và phát hiện nhiều cửa hàng bán xăng dầu kém chất lượng.
Mới đây nhất, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH Nguyên Thơm với tổng số tiền phạt là 395.940.000 đồng. Đồng thời, yêu cầu công ty thu hồi để tái chế hàng hóa vi phạm là xăng RON 95-III và xăng E5 RON 92-II có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Cửa hàng xăng dầu Long Bình 2 – Chi nhánh Công ty Cổ phần xây dựng thương mại Long Bình vừa bị xử phạt do vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Ảnh: Tổng cục QLTT. |
Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, lực lượng Quản lý thị trường đã nỗ lực để giảm gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng dầu, tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý vẫn còn nhiều khó khăn.
Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, hiện nay trên thị trường các chất dung môi, phụ gia, chế phẩm có thể lợi dụng để pha chế xăng dầu được mua khá dễ dàng, nếu các đối tượng có ý gian lận về xăng dầu thì rất dễ thực hiện. Trong khi đó, việc quản lý hoạt động kinh doanh, buôn bán, chứa trữ các chất dung môi, phụ gia, chế phẩm do nhiều cơ quan chức năng quản lý.
Đồng thời, việc kiểm soát chất lượng xăng dầu, hiện nay cũng có rất nhiều cơ quan kiểm tra có thẩm quyền lấy mẫu giám định và xử lý trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.
Theo quy định về lưu mẫu, các lô hàng khi doanh nghiệp nhập về đều phải lưu mẫu, tuy nhiên không rõ là phải lưu bao nhiêu mẫu, do vậy, khi có nhiều đoàn kiểm tra thì mẫu lưu không còn để đối chứng. Ngoài ra, khi kiểm tra lấy mẫu, do chưa có kết luận giám định nên không có căn cứ tạm giữ ban đầu. Trong khi đó, quá trình bán hàng của doanh nghiệp là liên tục nên khi có kết quả, tiếp tục làm việc với doanh nghiệp thì lượng xăng vi phạm đã bán hết, rất khó khăn trong quá trình xử lý tang vật.
Không những vậy, cơ quan Quản lý thị trường cũng chưa được trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị kỹ thuật để kiểm tra nhanh chất lượng xăng dầu, nhằm phát hiện kịp thời và ngăn chặn sớm các hành vi gian lận về chất lượng trong kinh doanh xăng dầu…
Đánh giá tình hình buôn lậu và gian lận thương mại mặt hàng xăng dầu diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng pha trộn, tiêu thụ xăng dầu giả, kém chất lượng tiếp tục xảy ra trên một số tuyến, địa bàn trọng điểm; Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã có công văn đề nghị Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, lực lượng tăng cường sự phối hợp ngăn chặn xăng dầu kém chất lượng trên thị trường.
Trong đó, các đơn vị phải chủ động theo dõi nắm chắc diễn biến tình hình, nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh (địa điểm lưu kho, bồn chứa xăng dầu, giai đoạn phân phối lưu thông, các địa điểm tồn trữ các chất dung môi dễ bị lợi dụng pha trộn với xăng dầu) triển khai các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện kịp thời đấu tranh quyết liệt với đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu, tập trung đấu tranh với các đối tượng chuyên điều hành hoạt động pha trộn xăng dầu giả, kém chất lượng tại các địa bàn nội địa trọng điểm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, các lực lượng cũng phải tăng cường công tác phối hợp giữa các Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan nhất là các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép, đăng ký chất lượng, đo lường thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ các thương nhân nhập khẩu, đại lý kinh doanh xăng dầu, đại lý bán lẻ xăng dầu trong việc chấp hành các quy định về điều kiện trong nhập khẩu, sản xuất, phân phối lưu thông kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.