Nỗi lo thừa cân, béo phì mỗi dịp nghỉ hè
Nỗi lo dư cân, béo phì
Từ khi nghỉ hè, sáng nào chị Trần Thị Hồng (Mỹ Đình, Hà Nội) cũng chở các con sang nhà ông bà ở gần đó để nhờ trông giúp. Từ khi nghỉ hè cậu con trai 7 tuổi của chị Hồng được tự do ăn uống, vận động theo sở thích và nhu cầu.
Theo chị Hồng, ngoài ba bữa chính thì những bữa phụ thường bé thích uống sữa, bánh gạo, bim bim, bánh kẹo chị cho bé tự ăn. Bố mẹ sẽ mua sẵn ở trong tủ rồi bé thích ăn gì thì ăn, nhà chị không giới hạn. Vậy là mùa hè chỉ mới một tháng, nhưng con chị Hồng đã mũm mĩm, sợ con béo phì, chị vội đưa con đi khám tại Khoa Dinh dưỡng.
Chế độ ăn không lành mạnh là nguyên nhân phổ biến gây béo phì ở trẻ |
Thực tế rất nhiều phụ huynh tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM cảm thấy lúng túng trong việc lên một kế hoạch sinh hoạt, ăn uống vui chơi cho trẻ trong thời gian nghỉ hè.
Đây cũng là nỗi lo của chị Phạm Thị Hải (Thanh Trì, Hà Nội). Chị đã không khỏi lo lắng khi phát hiện con trai (10 tuổi) của chị đã tăng cân nhanh sau khi bắt đầu kỳ nghỉ hè.
“Vào những ngày hè nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, dẫn đến việc trẻ muốn uống nhiều nước ngọt. Sau một năm học vất vả, tôi cũng tặc lưỡi cho con uống thoải mái. Đang nghỉ hè nên thằng bé cũng ngủ nướng nhiều hơn, xem ti vi, máy tính bảng liên tục... vì cũng chẳng biết làm gì”, chị Hải kể.
Theo kết quả quan sát về mặt dịch tễ của các chuyên gia dinh dưỡng thời gian qua, hầu hết trẻ em có xu hướng tăng cân vượt quá khuôn khổ thông thường trong thời gian nghỉ hè, đặc biệt là những bé trai và những trẻ sống ở khu vực đô thị. Thời gian vận động thể lực ít, chế độ dinh dưỡng không thể kiểm soát, trẻ thường ăn quá nhiều so với khẩu phần ăn là những lí do khiến cho trẻ có xu hướng thừa cân, béo phì.
Thiết lập chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý
GS.TS Lê Danh Tuyên - nguyên Viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia nêu thực trạng, vào những ngày hè nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, dẫn đến việc trẻ muốn uống nhiều nước ngọt. Trẻ ngủ nướng nhiều hơn, xem tivi, máy tính bảng liên tục... cũng thường thấy ở nhiều gia đình.
Tất cả những yếu tố trên đều làm cho trẻ dễ béo phì. Trong khi đó, nhiều người quan niệm rằng, cứ cho trẻ ăn nhiều thịt, trứng, sữa là bổ và khỏe. Tuy nhiên, họ lại không ước lượng được khẩu phần ăn thế nào là đủ nên thường cho con ăn quá mức. Đồng thời, không thể không nhắc tới quan điểm là khi trẻ nghỉ ở nhà có thể ăn bất cứ lúc nào và ngủ nghỉ thoải mái.
Mặt khác, khi phụ huynh thấy con tăng cân quá mức lại cắt giảm bữa ăn đột ngột, hay bắt con nhịn ăn cũng tác động xấu đến thể trạng của trẻ. Rối loạn nhịp độ sinh hoạt có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ, gây nguy cơ thừa cân, béo phì và kém phát triển về chiều cao.
Thức ăn nhanh có thể dẫn đến lượng calo dư thừa và làm tăng nguy cơ béo phì |
Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, bà đã gặp không ítg trường hợp gia đình cho rằng nghỉ hè cứ để cho trẻ ăn ngủ thoải mái, đến khi bước vào năm học mới, học hành vất vả, các con sẽ giảm cân ngay.
Tuy nhiên, đây là quan điểm sai lầm. PGG. TS Nhung nêu ví dụ, có những trẻ ở giai đoạn mầm non chỉ thừa khoảng 3-5 kg, nhưng đến giai đoạn tiểu học đã thừa từ 8-10kg và đến giai đoạn THCS thừa tới 15-20 kg.
Để tránh tình trạng trẻ phát phì trong thời gian nghỉ hè, bố mẹ cần lưu ý đến chế độ dinh dưỡng và xây dựng thói quen ăn uống hợp lý cho con. Theo bác sĩ Nguyễn Lê Hồng Vân, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, tuyệt đối không để con ăn theo sở thích quá nhiều vì thông thường, các loại đồ ăn nhanh luôn có khẩu vị hấp dẫn trẻ nhỏ hơn là trái cây và rau xanh.
Bên cạnh đó, không để trẻ quá đói khiến trẻ ăn nhiều hơn vào bữa ăn sau, có thể cho trẻ ăn làm nhiều bữa mỗi bữa ăn một số lượng vừa phải để dễ hấp thu các chất dinh dưỡng. Trong bữa ăn cần hạn chế các món rán, chiên nhiều dầu mỡ; tăng cường rau xanh, trái cây.
Đồng thời, các bậc phụ huynh không nên dự trữ các đồ ăn chứa nhiều chất béo, chất đường và năng lượng trong tủ lạnh như các loại nước ngọt nước ép trái cây công nghiệp, các loại bánh kem... Những thức ăn này nên được thay thế bằng các loại sữa tươi, sữa chua không đường, hoa quả được cắt nhỏ hay các loại hạt óc chó, hạt điều, hạt lạc dành cho bữa phụ.
Ngoài ra, tránh để trẻ tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử như tivi, máy tính và điện thoại di động. Thay vào đó nên cho trẻ vận động nhiều hơn qua các lớp học aerobic hoặc bơi, đạp xe đạp hoặc nhảy dây… Hoặc cách đơn giản là khuyến khích, dạy trẻ làm các việc đơn giản như dọn dẹp nhà cửa vừa giúp ích trong gia đình, vừa giúp trẻ tập thói quen vận động, tránh để cơ thể ì ạch, nặng nề sau khi xa trường lớp.
Một nửa học sinh tiểu học ở nội thành Hà Nội thừa cân, béo phì Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội mới đây đã cho biết tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em lứa tuổi học đường giai ... |
Hơn một nửa dân số thế giới sẽ bị thừa cân, béo phì vào năm 2035 Theo một báo cáo mới của Liên đoàn Béo phì Thế giới, hơn một nửa dân số thế giới sẽ bị thừa cân hoặc béo ... |
Trong 1 thập kỷ, số trẻ em béo phì tại Việt Nam tăng gấp đôi Từ năm 2010 đến 2020, tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ độ tuổi học đường (5 - 19 tuổi) tại nước ta tăng ... |