Trong 1 thập kỷ, số trẻ em béo phì tại Việt Nam tăng gấp đôi

Từ năm 2010 đến 2020, tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ độ tuổi học đường (5 - 19 tuổi) tại nước ta tăng gần gấp đôi (5% lên 9%).
Khám, tư vấn bệnh lý thừa cân, béo phì cùng chuyên gia Bệnh viện Việt Đức

Béo phì được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ công nhận là bệnh mạn tính đòi hỏi phải quản lý và điều trị lâu dài, bởi tình trạng này gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: các bệnh lý‎ tim mạch, đái tháo đường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Tỷ lệ béo phì ở trẻ em nội thành tại Hà Nội, TP HCM đã vượt 41%- 50% (ảnh minh hoạ)
Từ năm 2010 đến 2020, tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ độ tuổi học đường (5 - 19 tuổi) tại nước ta tăng gần gấp đôi (5% lên 9%). (ảnh minh hoạ)

BS.CKII Võ Đức Chiến - Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) cho hay, tỷ lệ béo phì đang tăng mạnh ở Việt Nam. Nghiên cứu được công bố vào năm 2018 về bệnh không lây nhiễm, ăn uống và dinh dưỡng ở Việt Nam cho thấy, tần suất thừa cân, béo phì trên người lớn ở Việt Nam là 2,3% vào năm 1993 đã tăng lên là 15% vào năm 2015. Trong đó, tỷ lệ ở thành thị gấp gần 2 lần so với nông thôn (22,1% so với 11,2%).

Nghiên cứu cũng ghi nhận lối sống của người Việt Nam thay đổi rất nhiều trong những năm gần đây. Đó là người Việt ít vận động hơn, trong chế độ ăn có nhiều muối, ăn nhiều tinh bột, dầu mỡ, uống nhiều nước ngọt, ăn ít rau. Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân dẫn đến béo phì do tăng quá mức lượng năng lượng ăn vào; ăn một lượng thức ăn nhiều hơn nhu cầu của cơ thể; chế độ ăn giàu chất béo.

Đặc biệt, trẻ em tiêu thụ quá nhiều chất ngọt làm tăng nguy cơ béo phì hoặc nuôi con bằng sữa mẹ ít hơn 3 tháng thường đi kèm với tăng nguy cơ béo phì ở trẻ em khi đến trường. Từ năm 2010 đến 2020, tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ độ tuổi học đường (5 - 19 tuổi) tại nước ta tăng gần gấp đôi (5% lên 9%).

Bộ Y tế khuyến cáo, để giảm cân và mang lại lợi ích cho sức khỏe, có thể giảm cân 5-15% trong khoảng thời gian 6 tháng. Đối với những người có mức độ béo phì cao (BMI ≥ 35 kg/m2) có thể cân nhắc giảm cân nhiều hơn (20% trở lên).

Can thiệp lối sống là nền tảng đảm bảo duy trì giảm cân bền vững, an toàn bao gồm các biện pháp can thiệp dinh dưỡng, tập luyện thể lực, thay đổi hành vi, hỗ trợ tâm lý.

Điều trị bằng thuốc khi can thiệp lối sống trong 3 tháng không giúp giảm được 5% cân nặng, nhất là với người bệnh có BMI ≥ 25 kg/m2.

Phối hợp chặt chẽ nhiều chuyên khoa để đạt được hiệu quả điều trị và duy trì giảm cân bền vững.

PV
Phiên bản di động