Ngộ độc vì bát canh cua
Ngộ độc vì ăn nấm ký sinh trên xác về sầu, bé trai 12 tuổi nguy kịch |
Trong đêm 11/6 vừa qua, anh L.N (39 tuổi, Hà Nội) và con gái 17 tuổi nhập viện Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cấp cứu. Khoảng 30 phút sau, vợ và con trai nhỏ tiếp tục nhập viện.
Theo anh Ngọc, vào bữa tối hôm đó, gia đình có ăn cỗ đặt sẵn. Mọi người ăn nhiều món nhưng riêng anh chỉ ăn canh cua. Khoảng 3 giờ sau khi ăn, cả gia đình bị đau bụng dữ dội kèm đại tiện phân lỏng, buồn nôn và nôn. Vợ anh có biểu hiện sốt và rét run.
Ngày hè nóng nực, canh cua và cà muối là món đưa cơm được nhiều người ưa thích vì ngon miệng, dễ ăn |
Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, khi nhập viện, các triệu chứng của 4 người bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm, dẫn đến mất nước và rối loạn điện giải. Đây là các triệu chứng điển hình của ngộ độc thực phẩm. Bệnh nhân được xét nghiệm, siêu âm ổ bụng và điều trị phù hợp. Sau 3 ngày điều trị, 4 bệnh nhân bình phục và được xuất viện.
Thạc sĩ, bác sĩ Hà Thùy Trang (Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh) cho biết, trong thời tiết nắng nóng, nếu thực phẩm được chế biến, bảo quản không hợp lý, sẽ dễ bị nhiễm khuẩn. Những gia đình thường xuyên đặt đồ nấu sẵn cần lựa chọn cơ sở uy tín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng lưu ý thêm, người vừa bị ngộ độc thực phẩm thường có sức đề kháng yếu, hệ vi sinh vật đường ruột bị ảnh hưởng. Do đó, người bệnh cần ăn uống lành mạnh, nhiều rau xanh, bổ sung lợi khuẩn và ăn chín, uống sôi.
Những lưu ý để tránh rước bệnh vào người
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, các món ăn quen thuộc được chế biến từ cua đồng như riêu cua, canh cua nấu mùng tơi, rau đay, mướp hương… đều là những món ăn truyền thống, ngon miệng và rất giàu dinh dưỡng.
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, trong 100g cua đồng bỏ mai và yếm có 74,4g nước, 12,3g protid, 3,3g lipid, 2g glucid, cung cấp 89g calo. Lượng vitamin và muối khoáng, đặc biệt là canxi trong cua đồng rất cao, cụ thể: Trong 100g cua có tới 5.040mg canxi, 430mg photpho, 4,7mg sắt, các loại vitamin B1, B2…
Ngoài ra, chất lượng protid trong cua cũng rất nhiều, cụ thể có 8/10 axit amin cần thiết, gồm lysine, methionie, valine, leucin, isoleucien, phenylalanine, threonine và trytophane (chỉ thiếu arginine và histidine).
Ngoài giá trị dinh dưỡng, theo sách Hải Thượng Lãn Ông, “Điền giải là cua đồng có vị ngọt lạnh, ít độc, hay sinh phong, tác dụng nối gân tiếp xương, chữa phong nhiệt, trừ mụn độc lở, huyết kết thống”.
Nhiều loại thực phẩm kết hợp với cua đồng sẽ gây ngộ độc |
Món ăn này rất ngon và bổ, đặc biệt được các gia đình Việt ưa chuộng vào dịp hè. Tuy nhiên, người dùng cần lưu ý không nên kết hợp với một số thực phẩm sau với cua đồng kẻo rước bệnh vào người.
Thứ nhất, tuyệt đối không chế biến cua đồng đã chết vì trong cua đồng chết có chất histidine gây dị ứng nổi mề đay, ngứa ngáy, nôn nao, đau đầu, chóng mặt, bị ngộ độc (đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy và một số vấn đề xấu khác đối với sức khỏe…). Tuyệt đối không ăn gỏi cua hay uống nước cua sống.
Bên cạnh đó, thông thường rất nhiều người sau khi ăn đồ tanh xong, nhất là ăn canh cua, thường có thói quen uống nước trà (chè) để khử tanh miệng. Tuy nhiên, trong đông y, điều này tuyệt đối không nên. Bởi việc uống nước trà (nhất là trà đặc) sau khi ăn cua đồng có thể gây khó tiêu, đau bụng... Vì khi vào cơ thể, nước trà sẽ làm cho một số thành phần của cua bị đóng đặc lại, khó tiêu hóa.
Sau khi ăn cua đồng xong cũng không nên dùng các loại quả như dưa lê, dưa bở (loại quả có nhiều vào mùa hè). Bởi đây cũng là loại quả có tính hàn, trong khi cua cũng có tính hàn, nếu ăn chung dễ gây lạnh bụng, tiêu chảy. Một số loại quả giàu vitamin C như bưởi, cam… cũng không nên ăn cùng cua đồng vì dễ gây kết tủa, có hại cho hệ tiêu hóa.
Mặt khác, cua đồng không nên kết hợp với mật ong, bởi cua tính hàn nhưng mật ong có tính nhiệt (nóng) nếu ăn chung sẽ khiến hệ tiêu hóa bị kích thích, dễ gây tình trạng tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm.
Các bà nội trợ cũng không nên nấu cua đồng với khoai tây, khoai lang hoặc không nên ăn hai loại này cùng lúc. Bởi khoai tây, khoai lang có chứa một lượng lớn axit phytic còn cua thì lại giàu canxi, kết hợp sẽ làm tăng nguy cơ kết sỏi, tạo thành sỏi thận.
Ngoài ra, mặc dù canh cua là món ăn ngon, hấp dẫn, bổ dưỡng trong mùa hè nhưng cũng chỉ ăn 3-4 bữa/tuần, ngoài ra nên sử dụng các món ăn khác để bữa ăn thêm đa dạng các loại thực phẩm, bổ sung đa dạng các chất dinh dưỡng cho cơ thể.