Nợ tăng vọt, dòng tiền âm nặng và những “vấn đề” tài chính của Kinh Bắc (KBC)

Nợ phải trả tăng vọt vượt vốn chủ sở hữu, dòng tiền kinh doanh âm tới hơn 2.900 tỷ đồng... là những vấn đề về tài chính mà nhà đầu tư cần lưu tâm tại Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (KBC).
Nợ nần chồng chất, Kinh Bắc (KBC) dồn dập vay nợ từ kênh trái phiếu

Nợ nần chồng chất, dồn dập vay nợ

Như chúng tôi đã thông tin, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (mã: KBC) vừa thông báo chào bán 1.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 24 tháng, lãi suất cố định 10,8%/năm. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo.

Thời gian đăng ký mua từ 3/6 đến 24/6. Phương thức phân phối thông qua Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình. Thời gian phát hành dự kiến trong ngày 24/6 tới.

Mục đích chào bán trái phiếu của Kinh Bắc để tăng quy mô vốn hoạt động của các công ty con nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua việc cho vay các công ty con.

Trước đó, ngày 17/5, Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc đã có nghị quyết về phương án phát hành trái phiếu với mục tiêu huy động được tối đa 1.000 tỷ đồng.

Theo đó, dự kiến trong quý 2 này, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc sẽ phát hành tối đa 20 triệu trái phiếu theo phương thức phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Giá phát hành sẽ được quyết định bởi các cấp có thẩm quyền nhưng sẽ không thấp hơn 100.000 đồng/trái phiếu.

Trái phiếu phát hành sẽ có kỳ hạn 24 tháng với lãi suất cố định 10,5%/năm và trái chủ sẽ được thanh toán lãi vào mỗi 6 tháng hoặc 12 tháng.

Nợ tăng vọt, dòng tiền âm nặng và những “vấn đề” tài chính của Kinh Bắc (KBC)
Ông Đặng Thành Tâm – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc. Ảnh: kinhbaccity.vn.

Trước đó ít ngày, Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc cũng đã thông qua việc vay tín chấp hơn 1.000 tỷ đồng với kỳ hạn tối đa 2 năm để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh cho công ty con là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên.

Về tình hình tài chính, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 đã được kiểm toán, đến cuối năm 2020, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc ghi nhận khoản nợ phải trả lên tới 13.132 tỷ đồng, cao gấp đôi so với đầu năm (6.051 tỷ đồng); trong đó, nợ ngắn hạn là 6.962 tỷ đồng.

Đáng nói, tổng nợ phải trả của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc còn vượt vốn chủ sở hữu gần 3.000 tỷ đồng.

Tính tại thời điểm ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc ở mức 23.785 tỷ đồng. Tuy nhiên, các khoản phải thu ngắn đã chiếm tới 6.637 tỷ đồng; đặc biệt là khoản mục hàng tồn kho đã chiếm tới 11.533 tỷ đồng, tăng khoảng 4.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Những vấn đề cần lưu tâm

Tại báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020, công ty kiểm toán đã nhấn mạnh việc Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc và công ty con là Công ty TNHH MTV Phát triển Đô thị Tràng Cát đã đồng ý dùng Dự án Khu đô thị Tràng Cát để đảm bảo khoản vay và nợ của một nhóm các công ty và cá nhân (bao gồm Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc, một công ty con của công ty và các công ty/cá nhân khác) với Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVComBank).

Theo thỏa thuận cơ cấu nợ này, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc và Công ty TNHH MTV Phát triển Đô thị Tràng Cát cũng cam kết với PVComBank về nghĩa vụ trả nợ thay cho nhóm các công ty và cá nhân này nếu họ vi phạm lịch trả nợ đã thống nhất với ngân hàng.

Tổng nghĩa vụ vay và nợ của nhóm công ty là 7.631 tỷ đồng. Trong đó, nghĩa vụ vay và nợ của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc và công ty con (Công ty Cổ phần KCN Sài Gòn - Bắc Giang) là 2.820 tỷ đồng.

Đáng nói, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc đã tham gia thỏa thuận cơ cấu nợ này trước khi có quyết định của Đại hội đồng cổ đông theo yêu cầu của điều lệ công ty và Nghị định số 71/2017/NĐ-CP.

Tại văn bản giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc cho biết, tính tại thời điểm ngày 30/12/2021, công ty và các bên được đảm bảo bởi hợp đồng thế chấp trên vẫn còn dư nợ gốc, lãi và vẫn còn hiệu lực.

Vì vậy, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc và công ty con là Công ty TNHH MTV Phát triển Đô thị Tràng Cát đã ký thỏa thuận để toàn bộ các khoản nợ còn lại của công ty và các đối tượng nêu trên trong hợp đồng thế chấp năm 2014 tiếp tục được cơ cấu đến năm 2030.

Chiếu theo báo cáo tài chính hợp nhất, năm 2020, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc ghi nhận 2.150 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 3.209 tỷ đồng. Sau khi trừ đi giá vốn hàng bán thì lợi nhuận gộp chỉ đạt 689 tỷ đồng, chưa bằng nửa năm 2019.

Trong khi đó, với báo cáo tài chính riêng, năm 2020, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc chỉ ghi nhận doanh thu thuần đạt 181 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 468,7 tỷ đồng năm 2019; giá vốn hàng bán chiếm tới 120,2 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp chỉ đạt 60,8 tỷ đồng, chỉ xấp xỉ bằng 1/3 mức đạt được năm 2019.

Nợ tăng vọt, dòng tiền âm nặng và những “vấn đề” tài chính của Kinh Bắc (KBC)
Dòng tiền kinh doanh của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc âm tới 2.913 tỷ đồng.

Trong năm 2020, các khoản lợi nhuận và thu nhập khác đều giảm so với năm trước đó. Trong khi, chi phí tài chính tăng lên 230 tỷ đồng (trong đó chi phí lãi vay chiếm tới 195,4 tỷ đồng), chi phí tài chính doanh nghiệp lên mức 270,7 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 100 tỷ đồng so với năm 2019.

Kết quả, năm 2020, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc chỉ đạt xấp xỉ 320 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, chỉ bằng khoảng 1/3 mức lãi năm 2019.

Đáng nói, theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất, dòng tiền kinh doanh của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc âm 2.913 tỷ đồng, trong khi năm trước đó dương 1.539 tỷ đồng.

Với doanh nghiệp, mục tiêu kinh doanh có lợi nhuận luôn là một trong những ưu tiên được đặt lên hàng đầu. Trong đó, doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng, hoàn thành vượt kế hoạch luôn mang tính tích cực và tạo tâm lý lạc quan cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, tất cả những điều đó chưa đủ để đánh giá sức khỏe tài chính doanh nghiệp nếu bỏ qua yếu tố dòng tiền.

Trong quá khứ, ở báo cáo tài chính 2016 của Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (bà Đặng Thị Hoàng Yến (chị gái ông Đặng Thành Tâm) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị), công ty đạt doanh thu 296 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 53,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, dòng tiền hoạt động kinh doanh trong năm lại âm tới 897,6 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu là tăng tại khoản mục hàng tồn kho.

Trên thực tế trên thị trường chứng khoán hiện nay, trường hợp doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính với dòng tiền hoạt động kinh doanh âm là không hiếm.

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, với những doanh nghiệp đang trong quá trình mở rộng, phải nhập thêm hàng hóa, tăng tồn kho, tăng phải thu, phải trả… thì tình trạng dòng tiền âm là bình thường, công ty có thể sử dụng vốn vay hoặc huy động từ cổ đông để bổ sung lượng thiếu hụt.

Tuy nhiên, về dài hạn, dòng tiền hoạt động kinh doanh phải dương để bù đắp cho các hoạt động đầu tư, trả nợ vay và cổ tức cho cổ đông, nếu không thì doanh nghiệp có thể sẽ chìm vào gánh nặng nợ nần, thiếu trước hụt sau, kèm với đó là kết quả kinh doanh bết bát.

Theo phân tích của các chuyên gia tài chính, việc dòng tiền âm nhiều năm của các doanh nghiệp có thể là tín hiệu cảnh báo tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đang có vấn đề. Chẳng hạn, bán hàng không thu được tiền, hay bị nghi ngờ là ghi nhận doanh thu ảo. Các ngân hàng và chủ nợ có thể siết chặt các khoản vay, thậm chí không cho vay, dễ đẩy doanh nghiệp đối mặt với nhiều nguy cơ.

Cũng theo các chuyên gia, trong các báo cáo tài chính mà các công ty công bố thì báo cáo lưu chuyển tiền tệ có thể coi là báo cáo quan trọng nhất. Nguyên nhân là do báo cáo này chỉ ra được xu hướng dòng tiền của doanh nghiệp, tại sao làm ăn có lãi mà thường xuyên thiếu tiền, trên cơ sở đó giúp đánh giá về khả năng trang trải công nợ, chi trả cổ tức trong tương lai của doanh nghiệp.

"Có những trường hợp công ty có lợi nhuận, nhưng hoạt động kinh doanh không tạo ra dòng tiền dương, bị chôn vốn, nguồn tiền thu về chậm, dẫn tới sự nguy hiểm trong tình hình tài chính, gặp khó khăn trong thanh toán công nợ, cũng như không thể chi trả cổ tức cho cổ đông", một chuyên gia phân tích.

Văn Thành Nhân
Phiên bản di động