Những việc nên làm ngày đầu năm mới

Nhà cửa tinh tươm, bố trí thông thoáng; khai bếp khơi dậy hơi ấm tình thân... là các hoạt động gửi gắm ước vọng khởi đầu suôn sẻ, một năm thuận lợi.
Làng nghề khăn xếp Nam Định vào vụ Tết Cận Tết, cảnh báo thủ đoạn lừa tiền trong tài khoản Hương sắc mùa xuân ở chợ hoa Quảng Bá Chợ hoa Hàng Lược - kí ức Tết trăm năm

Trong văn hóa Việt Nam, ngày Tết có ý nghĩa quan trọng. Sự thay đổi của tự nhiên từ đêm Giao thừa được lấy làm cột mốc đánh dấu vòng tuần hoàn của một chu kỳ mới. Trong mốc chuyển giao thiêng liêng của đất trời, bạn có thể tham khảo một số gợi ý về những việc nên làm và điều cần tránh.

Bỏ qua giận hờn, tân trang nhà cửa

Chuyên gia văn hóa, Tiến sĩ Trần Long - Trưởng bộ môn Văn hóa Việt Nam, khoa Văn hóa học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM cho biết: "Khi khởi đầu chu kỳ mới của đất trời, chuyện cũ hãy gác lại một bên, cùng nhau hướng về những hy vọng, dự định tốt đẹp".

Theo ông, tâm thế gia chủ là điều rất quan trọng. Muốn đón năm mới, trước tiên lòng phải bình an, vui vẻ. Vì thế, ngày Tết nên diện quần áo mới, thăm hỏi họ hàng bằng hữu, chén trà đi trước, lời nói thân mật theo sau, mọi người ngồi lại xí xóa chuyện cũ, trả hết nợ nần...

Việc chuẩn bị cho Tết cũng phải chỉn chu. Đồ dùng, thực phẩm... phải ước lượng từ trước, sắm sửa đủ đầy. Ngày đầu năm cần tránh cảnh thiếu trước hụt sau. Khi mọi thứ sẵn sàng, ngày Tết suôn sẻ mới khởi đầu một năm hanh thông. Không nên lưu trữ những vật cũ nát, hư hỏng, chắp vá... Mọi thứ trong nhà cần được dọn dẹp, tân trang.

Để giữ hòa khí, người xông đất nên chọn những người nói năng nhẹ nhàng, dễ nghe, ăn uống từ tốn, tâm thế ngay thẳng, tránh người hay cáu giận, nổi nóng.

Bố trí không gian sống

Trong nhà, bếp là nơi thoát ra nhiều nguồn khí không có lợi cho đường hô hấp (khói bếp, mùi thực phẩm chưa nấu chín, thực phẩm hư cũ...). Để đảm bảo yếu tố phong thủy, khi thiết kế gian bếp cần chú ý đến khí động học: gió từ ngoài vào bếp phải là nguồn gió giàu "sinh khí" tức giàu oxy (đi qua vườn cây, hồ nước...). Khí từ bếp thải ra được dẫn thẳng ra ngoài, không đi ngược vào nhà hay vào phòng khách, phòng ngủ, phòng vệ sinh...

Không gian các phòng phải đủ rộng, thuận lợi trong việc cứu hỏa. Vật dụng bày trí có thể tùy theo nhu cầu, thói quen gia chủ. Trong tư duy ngũ hành, đủ năm yếu tố mọi thứ sẽ tương sinh, tạo sự hanh thông, vận động. Như năm 2020 thuộc hành Thổ, nếu chưng cây cảnh để thêm hương sắc cho không gian thì nên thiên về màu vàng. Các vật trang trí bên trong có thể chọn đỏ, hồng làm điểm nhấn.

nhung viec nen lam ngay dau nam moi
Chuẩn bị mọi việc với tâm thế vui vẻ là điều nên làm ngày đầu năm.

Khai bếp đầu năm

Gian bếp - nơi ấm áp nhất trong gia đình không chỉ mang giá trị gắn kết các thành viên mà còn là nơi hội đủ năm yếu tố ngũ hành. Dân gian có câu "bếp ấm, nhà an, giàu sang sẽ đến", đầu năm khai bếp (hay còn gọi xông bếp) tạo khởi đầu suôn sẻ cho cả một năm dài thuận buồn xuôi gió, mọi người cùng động viên nhau tích cực làm việc - cơ sở tạo ra của cải vật chất.

Thực hiện việc khai bếp chủ yếu dựa vào chính những vật dụng có sẵn trong gian bếp. Cụ thể gồm nồi, chảo, xoong kim loại (hành kim), đôi đũa (hành mộc), dầu ăn (hành thủy), bếp (hành hỏa và người khai bếp (hành thổ).

Trình tự cho buổi khai bếp, đầu tiên cần chuẩn bị đủ dụng cụ nấu nướng. Ưu tiên nồi, chảo hình tròn, không gỉ sét, tượng trưng cho sự tròn vẹn. Đôi đũa một đầu tròn một đầu vuông tượng trưng cho hạnh phúc lứa đôi vuông tròn. Bếp cần được kiểm tra trước để đảm bảo ngọn lửa đầu năm bật lên không quá yếu cũng không quá lớn. Dầu ăn đầy ắp tượng trưng cho của cải đủ đầy. Người thực hiện khai bếp cần có kỹ năng nấu nướng, tâm trạng vui vẻ để việc khai bếp diễn ra suôn sẻ.

nhung viec nen lam ngay dau nam moi
Thực hiện khai bếp để gửi ước vọng năm mới hanh thông.

Những điều cần tránh

Trong thời khắc giao hòa, để mọi việc suôn sẻ, nên tránh những điều có khả năng gây cản trở, đổ vỡ, hư hỏng. Mỗi người cần giữ hòa khí trong chính gia đình mình và với hàng xóm xung quanh.

Ngày Tết có rất nhiều điều cần chuẩn bị. Mỗi gia đình cần lên kế hoạch mua sắm từ sớm, không quá sơ sài dẫn đến cảnh thiếu trước hụt sau, nhưng cũng không cần quá cầu kỳ, dễ phát sinh nhiều phiền toái, mệt mỏi hay lãng phí.

Với gian bếp, đây là nơi ấm nhất trong ngôi nhà, thế nên xét yếu tố màu sắc nên tránh các màu mang thuộc tính dương như đỏ, cam, hồng; thay vào đó là màu dịu mát như xanh lam, xanh nhạt, vàng nhạt...

Ngoài ra, người Việt còn lưu truyền nhiều hoạt động kiêng kỵ cần tuân thủ trong ngày Tết như: tránh chẻ củi vì động đến thổ thần; không trèo cao chọc lên trời; giữ nhà cửa sạch sẽ nhưng không quét ra ngoài mà hãy quét vào trong...

Nguồn: VnExpress
vnexpress.net
Phiên bản di động