Những trường đầu tiên công bố phương án tuyển sinh đại học 2021
Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu “3 công khai” khi tuyển sinh vào lớp 10 Bộ GD-ĐT chấn chỉnh công tác tuyển sinh đại học |
Năm 2021, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến sử dụng 3 phương thức xét tuyển. Theo đó, trường sẽ xét tuyển tài năng; xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá tư duy với khoảng 7.000 chỉ tiêu.
Với phương thức xét tuyển tài năng, dự kiến 10 - 20% tổng chỉ tiêu, trong đó số lượng tuyển thẳng mỗi ngành không quá 30% chỉ tiêu của ngành đó.
Còn phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, trường dành 50 - 60% tổng chỉ tiêu. Trường cũng dành 30-40% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy.
Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Đại học Việt Pháp) dự kiến tuyển sinh 600 chỉ tiêu tại 16 mã ngành đào tạo. Trường đưa ra 2 hình thức xét tuyển học bạ, phỏng vấn; xét tuyển thông qua hệ thống của Bộ GD&ĐT.
Trường thực hiện 3 đợt tuyển sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hình thức xét học bạ và phỏng vấn. Để ứng tuyển, thí sinh cần đáp ứng tiêu chí có điểm trung bình cộng lớp 11 và 12 các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin từ 6,5 trở lên.
Đại học Điện lực sử dụng 3 phương thức xét tuyển gồm: Xét tuyển dựa vào học bạ THPT, điểm thi tốt nghiệp THPT và tuyển thẳng.
Thời gian nhận hồ sơ xét tuyển học bạ đợt 1 (từ 25/1 đến 18/6). Thí sinh có điểm trung bình chung của các môn học trong tổ hợp xét tuyển (năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) không nhỏ hơn 6 (theo thang điểm 10). Nhà trường cập nhật và thông báo kết quả sơ tuyển đợt 1 trên trang web tuyển sinh trước ngày 30/6.
Với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả tốt nghiệp THPT, trường sẽ căn cứ theo từng tổ hợp, từng mã ngành tuyển sinh. Điểm xét tuyển được tính từ tổng điểm thi 3 môn tốt nghiệp THPT theo tổ hợp các môn xét tuyển cộng điểm ưu tiên. Thí sinh có thể thực hiện đăng ký xét tuyển thông qua cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. (Ảnh minh hoạ: H.C) |
Ở khu vực phía Nam, Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) đưa ra 6 phương thức xét tuyển cho 5.000 chỉ tiêu hệ đại học chính quy cho 35 ngành đào tạo.
Theo đó, trường thực hiện xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT (1-5% tổng chỉ tiêu); ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia TP.HCM (15-25% tổng chỉ tiêu); xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (30-60% tổng chỉ tiêu); xét theo kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM (30-70% tổng chỉ tiêu); thí sinh có chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc thí sinh người nước ngoài (1-5% tổng chỉ tiêu) và xét tuyển bằng hình thức phỏng vấn (1-5% tổng chỉ tiêu).
Đây là một trong những trường đại học đầu tiên sử dụng phương thức phỏng vấn để xét trực tiếp thí sinh cho bậc đại học chính quy.
Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) tuyển 21 ngành đào tạo đại học chính quy và 24 chương trình đào tạo liên kết nước ngoài. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 3.110 sinh viên, trong đó các ngành do nhà trường cấp bằng với 1.860 chỉ tiêu và chương trình liên kết với 1.250 chỉ tiêu.
Đại học Luật TP.HCM dự kiến tuyển 5 ngành với 2.100 chỉ tiêu, trong đó Luật thương mại quốc tế là ngành học mới. Trường tuyển sinh theo 2 phương thức: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng (tối đa 35% tổng chỉ tiêu); xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (tối thiểu 65% tổng chỉ tiêu).
Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM dự kiến tuyển sinh bằng 4 phương thức ở 26 ngành đào tạo với 3500 chỉ tiêu.
Trường dành tối đa 50% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT. Trường xét tuyển từ cao xuống thấp đến khi đủ chỉ tiêu. Trong đó, tiêu chí phụ thí sinh có điểm thi môn Toán cao hơn sẽ trúng tuyển.
Với xét tuyển học bạ THPT, trường dành tối đa 40% chỉ tiêu. Điều kiện xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT; điểm trung bình cộng 3 năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 đạt từ 18 điểm trở lên hoặc tổng điểm lớp 12 theo tổ hợp môn xét tuyển, ứng với từng ngành đạt từ 18 điểm trở lên.
Trường dành tối đa 5% chỉ tiêu xét tuyển thí sinh theo kết quả điểm bài thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM và 5% xét tuyển thẳng.
Đại học Công nghệ TP.HCM tuyển 6.600 chỉ tiêu hệ chính quy tại 50 ngành đào tạo. Trường tuyển sinh theo 4 phương thức: Xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT; xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2021 của Đại học Quốc gia TP.HCM và xét học bạ.
Trong đó, phương thức xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT chiếm 65% tổng chỉ tiêu xét tuyển. Xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2021 của Đại học Quốc gia TP.HCM chiếm 5% tổng chỉ tiêu xét tuyển.
Đối với các phương thức xét tuyển học bạ (chiếm 30% tổng chỉ tiêu xét tuyển), thí sinh cần có điểm xét tuyển đạt từ ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào 18 điểm theo tổ hợp 3 môn. Riêng với nhóm ngành khoa học sức khỏe, điều kiện xét tuyển áp dụng theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Đại học Công nghiệp TP.HCM dự kiến xét tuyển theo 4 phương thức gồm: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng (dự kiến 10% tổng chỉ tiêu); xét tuyển theo kết quả học tập THPT năm lớp 12, tổng điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển tối thiểu bằng 20 điểm (dự kiến 30% chỉ tiêu); xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (dự kiến 50% chỉ tiêu) và sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc Gia TP.HCM (dự kiến 10% chỉ tiêu).
Đại học Cần Thơ dự kiến tuyển 6.860 (trong đó 860 chỉ tiêu đào tạo sư phạm) ở 81 chương trình đào tạo đại trà, 2 chương trình tiên tiến và 8 chương trình chất lượng cao.
Trường đưa ra 6 phương thức xét tuyển. Cụ thể, trường xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển các đối tượng thí sinh theo quy định của Bộ GD&ĐT; xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021; xét điểm học bạ THPT 5 học kỳ (không tính học kỳ 2 lớp 12); tuyển chọn vào chương trình tiên tiến và chất lượng cao tuyển chọn thí sinh đã nhập học vào trường và xét tuyển thẳng thí sinh vào học bồi dưỡng kiến thức 1 năm trước khi học chương trình đại học chính quy.