Những lùm xùm "chưa lối ra" trong năm cũ ở trường học
Phụ huynh khởi kiện nhà trường vì học phí online
Dịch Covid-19 ập đến làm đảo lộn tất cả, trong đó một trong những lĩnh vực ảnh hưởng rõ rất là giáo dục. Khi dịch bùng phát vào đầu năm 2020, ở nhiều nơi, trong thời gian dài học sinh phải nghỉ học ở nhà, chuyển qua hình thức học trực tuyến.
Phụ huynh nhiều trường quốc tế phản đối về chính sách học phí online trong thời gian nghỉ dịch |
Tại Hà Nội và TPHCM, ở nhiều trường ngoài công lập, đặc biệt là các trường có yếu tố nước ngoài (hay còn được hiểu là trường quốc tế) phụ huynh và nhà trường không tìm được tiếng nói chung về vấn đề học phí online trong thời gian nghỉ dịch.
Ở nhiều trường, ban đầu đưa ra phương án giữa nguyên học phí như bình thường hoặc điều chỉnh giảm hơn bình thường một ít không tạo được sự đồng thuận của phụ huynh.
Theo phụ huynh, họ phải thu xếp ở nhà trông con, phát sinh rất nhiều chi phí, con học online không hiệu quả, không được thụ hưởng các hoạt động ở trường nhưng vẫn phải trả học phí như bình thường. Có những trường, tính theo số ngày thực học, mức học phí có thể đến hơn 3 triệu đồng/ngày .
Tại TPHCM, phụ huynh nhiều trường như Quốc tế Việt Úc, Trường Quốc tế Mỹ TAS, Trường Việt Nam - Phần Lan, Trường Quốc tế Mỹ AISVN, Sao Việt... đã tập trung đến trường để phản đối về chính sách học phí mùa dịch.
Ở Hà Nội, tranh chấp học phí online cũng diễn ra tại một số trường như Quốc tế Singapore , Trường Tiểu học & THCS Everest...
Căng thẳng nhất xảy ra tại Trường Quốc tế Việt Úc khi giữa tháng 7/2020 hơn 60 phụ huynh gửi đơn khởi kiện nhà trường về cách tính học phí trong thời gian nghỉ học.
Đại diện phụ huynh Trường Dân lập Quốc tế Việt Úc kiện nhà trường trong buổi làm việc với phía luật sư |
Trong khi đang chờ bên thứ 3 là tòa án đứng ra giải quyết thì bất ngờ, nhà trường ra thông báo "buộc thôi học" hơn 40 học sinh do không tìm thấy tiếng nói chung trong vấn đề học phí với phụ huynh.
Được biết, hiện tay Toàn án Nhân dân Q.10 đã thụ lý đơn kiện của phụ huynh. Liên quan đến vụ kiện, phụ huynh muốn vụ án được xét xử công khai, còn phía nhà trường kiến nghị xử kín.
"Trảm" cây xanh trong nhà trường sau tai nạn thương tâm
Ngay sau ngày học sinh TPHCM đi học trở lại sau đợt nghỉ dịch nhiều tháng, tai nạn thương tâm xảy ra tại Trường THCS Bạch Đằng , Q.3. Một cây phượng lâu năm bị bật gốc ngay giữa sân trường, trước giờ các em vào học làm 13 học sinh bị thương, trong đó, một em tử vong.
Vụ cây phượng bật gốc tại Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TPHCM làm một học sinh tử vong |
Trong buổi họp báo về sự việc, thầy Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng khẳng định tài sản trong đơn vị nhà trường, hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm. "Cây đổ trong trường, trách nhiệm thuộc về tôi" , thầy Phúc nói.
Ông Lê Hoài Nam, Phó GĐ Sở GD&ĐT TPHCM cho hay, việc quản lý cây xanh trong trường học thuộc về hiệu trưởng. Tuy nhiên, việc trồng cây gì, đốn cây gì phải qua cơ quan chuyên môn.
Đốn cây trong trường phải làm giấy xin phép, phải có cơ quan chức năng thẩm định, xử lý, hiệu trưởng không được tự ý thực hiện việc đốn cây.
Ngay sau tai nạn đau lòng, Trường THCS Bạch Đằng đã cắt bỏ rất nhiều cây xanh. Và không chỉ ở tại ngôi trường này, không ít trường trong cả nước cũng lo lắng đến sự an toàn, chọn phương án "trảm" nhiều cây xanh, đặc biệt là cây phượng dẫn đến nhiều ý kiến tranh cãi sục sôi trong một thời gian dài.
Sau vụ việc đau lòng, nhiều trường xuống tay "trảm" cây xanh |
Về phía trường học, họ bày tỏ khó khăn trong việc quản lý cây xanh cũng như không có kinh phí để chăm sóc, bảo vệ cây xanh. Nhiều nơi phải xin kinh phí từ phụ huynh.
Vừa giữ cây xanh vừa đảm bảo an toàn học đường là một bài toán của nhiều trường học.
Bữa ăn học đường gây sốc với phụ huynh
Tại Trường Thực nghiệm Khoa học giáo dục (Hà Nội) xảy ra sự việc giòi sống bò trên khay thức ăn của học sinh gây bức xúc cho phụ huynh.
Phía nhà trường xác nhận thông tin và ngay sau đó, đã lập tức chấm dứt hợp đồng với công ty cung cấp suất ăn trước thời hạn.
Suất ăn tại Trường tiểu học Trần Thị Bưởi, Q.9, TPHCM |
Phía công ty cung cấp suất ăn lý giải, giòi xuất hiện trên khay thức ăn có thể là do thùng xe vận chuyển nhiều loại hàng hóa khác nhau.Trước khi vận chuyển, thùng đựng thức ăn chưa được vệ sinh sạch sẽ. Bên cạnh đó, nắp thùng đựng cơm bị vỡ nên đã khiến giòi rơi vào từ vết nứt của nắp thùng.
Sau sự việc, đoàn kiểm tra liên ngành về y tế quận Ba Đình đến trường làm việc. Kết luận cho thấy thiết bị, phương tiện vận chuyển, bảo quản suất ăn sẵn, thực phẩm dùng ngay không bảo đảm vệ sinh đã gây ô nhiễm đối với thực phẩm.
Vào đầu tháng 11/2020, phụ huynh Trường tiểu học Trần Thị Bưởi, Q.9, TPHCM bị sốc khi chứng kiến suất ăn của con chỉ có miếng trứng chiên, canh rau dền lõng bõng, hay bữa khác là nui (mỳ) với tí teo thịt...
Trong quá trình giám sát thực phẩm đưa vào nấu ăn cho các con, phụ huynh phát hiện hóa đơn thực phẩm đưa vào trường với giá rẻ không thể hình dung nổi. 1 kg giò sống được cung cấp vào bếp ăn của trường chỉ có giá 64.000 đồng, 1kg giò lụa giá 65.000 đồng.
Phụ huynh Trường tiểu học Trần Thị Bưởi bức xúc gửi đơn khiếu nại đến nhiều cơ quan quan lý |
Lần khác, họ cũng thu thập được cà rốt, rau cải trong bếp ăn đã bị dập, thối rữa.
Sau nhiều lần việc với nhà trường, Phòng GD&ĐT Q.9, gần 300 phụ huynh Trường tiểu học Trần Thị Bưởi gửi đơn khiếu kiện đến 7 đơn vị chức năng gồm UBND TPHCM, Sở GD&ĐT TPHCM, Thanh tra Sở GD&ĐT TPHCM, Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cùng một số đơn vị chức năng tại Q.9, TPHCM.
Qua đơn khiếu nại, phụ huynh mong muốn cơ quan chức năng có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm các suất ăn của đơn vị cung cấp suất ăn cho Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi và thanh tra việc thu chi tiền bán trú, các suất ăn tại trường, làm rõ hành vi trục lợi.