Những đột phá sáng tạo, hiệu quả trong dịch vụ công trực tuyến

Năm 2020 với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng, tác động tiêu cực từ đại dịch Covid 19. Từ những gian nan ấy, ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã nỗ lực vượt bậc để thích ứng, hoàn thành nhiệm vụ đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Bước sang năm 2021 cũng là thời điểm "vàng" cho chuyển đổi số ở Việt Nam.
Hà Nội báo cáo Chính phủ tháo gỡ khó khăn đối với một số dịch vụ công Chính phủ hỗ trợ địa phương cung cấp dịch vụ công trực tuyến Năm 2021, hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 4

Thích ứng hoàn cảnh, chủ động, sáng tạo cải cách hành chính

Sau một năm vận hành, những kết quả bước đầu của Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG) đã cho thấy đây là kênh hữu hiệu nhất “hiện đại hóa” thủ tục hành chính, đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng Chính phủ không giấy tờ. Đến nay, Cổng DVCQG đã tích hợp hơn 2.500/6.798 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền (đạt tỷ lệ 37%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao 5%) với hơn 92 triệu lượt truy cập, trên 390 nghìn tài khoản đăng ký, hơn 25 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; Hơn 612 nghìn hồ sơ thực hiện trực tuyến.

Chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện DVCTT trên Cổng DVCQG trên 6.700 tỷ đồng/năm. Các hệ thống này vừa tạo lực kéo vừa tạo lực đẩy trong triển khai Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; Góp phần thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa phát triển kinh tế, vừa hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Những đột phá sáng tạo, hiệu quả trong dịch vụ công trực tuyến
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại lễ công bố Chương trình Chuyển đổi số của TP HCM

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, để đạt mục tiêu cung cấp 30% DVCTT cấp độ 4 vào năm 2020, Bộ xác định cách làm đột phá là sử dụng công nghệ số và phát triển Chính phủ điện tử. Với cách làm này đã có hai Bộ đạt 100% DVCTT cấp độ 4 là Bộ Y tế, Bộ TT&TT.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ, khó nhất trong cung cấp DVCTT là kết nối. Ở khâu này, Bộ TT&TT đã xây dựng trục kết nối chung, hỗ trợ kết nối thanh toán DVCTT với các ngân hàng cho các địa phương. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam cũng đã vào cuộc rất tích cực, chỉ trong một tuần đã cung cấp trục kết nối cho các tỉnh. Như vậy, nếu như tỉnh chưa kịp đầu tư thì dùng ngay trục của Bộ.

Theo đó, Bộ TT&TT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ trong năm 2021 hoàn thành 100% DVCTT mức độ 4. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin thêm, về nền tảng kết nối liên thông thì trục quốc gia đã hoàn thành và trục kết nối của các tỉnh và cấp bộ cơ bản năm nay sẽ đạt 100%. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành quyết định về lộ trình mở dữ liệu và Việt Nam cũng là một trong nước rất sớm thực hiện việc này.

Đưa dấu chân số Việt Nam đậm nét trong không gian mạng toàn cầu

Hiện Việt Nam được đánh giá là một trong 20 nước có tỷ lệ sử dụng Internet nhiều nhất thế giới với 68,17 triệu người dùng (chiếm 70% dân số). Khoảng 94% người dùng Việt Nam sử dụng Internet thường xuyên với thời gian sử dụng trung bình lên tới 6 tiếng mỗi ngày.

Cuối năm 2020, trong nhiều báo cáo chi tiết của các tổ chức quốc tế về xã hội số, Chính phủ số, kinh tế số đã nhắc tới Việt Nam với nhiều thành công về sự phát triển chuyển đổi số. Cụ thể, báo cáo EGDI của Liên hợp quốc cho thấy, về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Việt Nam hiện xếp thứ 86, tăng 2 bậc và có điểm số cao hơn mức trung bình của Châu Á và thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam hiện xếp thứ 6 về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, sau Philippines, Brunei, Thái Lan, Malaysia và Singapore.

Về chỉ số hạ tầng viễn thông, trong năm qua, Việt Nam đã tăng 31 bậc, đứng thứ 69 thế giới. Với chỉ số xếp hạng nguồn nhân lực, Việt Nam tăng 3 bậc và xếp hạng 117.

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, muốn hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước, Việt Nam phải nhanh chóng nắm bắt thời cơ, thực hiện công cuộc chuyển đổi số nhanh, mạnh và rộng hơn nữa.

Để làm được điều đó, Bộ sẽ thực hiện một số định hướng lớn, trong đó có việc tiếp tục mở rộng khả năng tiếp cận Internet, hướng tới phổ cập Internet toàn dân. Mục tiêu của chương trình chuyển đổi số quốc gia là mỗi người dân có một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình có một đường Internet cáp quang tốc độ cao.

Một định hướng quan trọng khác là phát triển hạ tầng số quốc gia để đáp ứng các yêu cầu mới về bùng nổ thiết bị thông minh IoT và giao tiếp máy - máy. Chuyển đổi hoàn toàn Internet Việt Nam sang không gian địa chỉ IPv6 và đưa Việt Nam trở thành điểm trung chuyển (Hub Internet) của khu vực.

Bộ TT&TT cũng sẽ phát triển hệ sinh thái các nền tảng số, mở rộng không gian mạng quốc gia và phạm vi hoạt động của các nền tảng số “Make in Viet Nam”. Ngoài ra, đảm bảo an toàn thông tin, làm chủ hạ tầng số, không gian mạng và bảo vệ chủ quyền số quốc gia cũng là những nhiệm vụ được ưu tiên, chú trọng.

Năm 2021 chính là thời điểm “vàng” thể hiện khát vọng đưa những dấu chân số Việt Nam ngày càng đi xa hơn và in dấu đậm nét trong không gian mạng toàn cầu.

Phương Thu
Phiên bản di động