Những chuyến đò chở “tình người” trong lũ dữ
Ba ngày ngâm mình trong lũ
Trận “đại hồng thủy” mà theo người dân Quảng Bình chưa từng có trong lịch sử đã nhấn chìm nhiều tỉnh Miền Trung. Quảng Bình có lẽ là địa phương chịu thiệt hại nặng nhất trong đợt lũ lần này. Hơn 100.000 ngôi nhà bị ngập sâu trong nước. Đến chiều 20/10, trời đã tạnh mưa, nước bắt đầu rút chậm. Khu vực 9 xã vùng Nam TX.Ba Đồn đã tiếp cận được, tuy nhiên, công tác cứu hộ bà con gặp rất nhiều khó khăn vì mực nước vẫn còn rất cao và chảy xiết.
Chuyến đò len lỏi khắp các thôn xóm để cứu đói bà con trong lũ. |
Riêng hai địa phương là huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, lũ lên từ chiều 18/10 khiến 45.000 ngôi nhà dân ngập sâu trong lũ. Hiện tại ở hai địa bàn này, nước lũ đã rút khoảng gần 1m nhưng vẫn còn rất nhiều ngôi nhà bị ngập sâu. Tại huyện Lệ Thủy, các xã Lộc Thủy, An Thủy, Mỹ Thủy, Tân Thủy, Liên Thủy,...; tại huyện Quảng Ninh có các xã Tân Ninh, Xuân Ninh, An Ninh, Hiền Ninh, Duy Ninh, Hàm Ninh,... nước vẫn còn ngập rất sâu. Nhiều bà con vẫn chưa thể về được nhà, nhiều nhà vẫn phải ăn mì tôm sống hơn 2 ngày nay. Trong khi tài sản trong nhà hầu như mất trắng vì lũ lên quá nhanh không kịp trở tay.
Sáng 20/10, các đoàn cứu trợ ở địa phương cũng như ở nơi khác đổ về Quảng Bình, tỏa đi nhiều nơi trên toàn tỉnh để hỗ trợ, giúp đỡ bà con nhân dân bị ngập lụt. Lượng thức ăn, nhu yếu phẩm được chính quyền địa phương cũng như các nhà hảo tâm chuẩn bị rất nhiều, tuy nhiên vì nước lớn, phương tiện chuyên chở duy nhất là đò và cano không thể đủ để đưa hết mọi thứ đến tay bà con.
Nhu yếu phẩm của các nhà hảo tâm rất nhiều nhưng những chuyến đò như của chúng tôi không thể đáp ứng được nhu cầu rất lớn của bà con ngập lũ. |
Tại khu QL1A, đoạn Ngã ba Cam Liên (thuộc xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy) sáng 20/10, có hàng chục đoàn cứu trợ mang đồ ăn, nhu yếu phẩm lên cho bà con khiến khu vực này bị tắc nghẽn. Hàng chục đò máy chạy hết công suất để tiếp tế cho bà con nhưng cũng chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ. Bà con vẫn cực kỳ thiếu thốn trong những ngày tiếp theo.
Những chuyến đò chở “tình người”
Sáng 20/10, đoàn chúng tôi có mặt sớm ở bến đò xưởng gỗ, xã Xuân Ninh, H. Quảng Ninh mang theo gần 2.000 suất quà của các nhà hảo tâm gửi tới người dân vùng lũ.
Những chuyến đò chở "tấm lòng" của các nhà hảo tâm đến với bà con vùng lũ. |
Đoàn chúng tôi gồm 8 anh em, trong đó có tôi, nhà báo Hoàng Nam (Báo Tiền Phong), nhà báo Lê Hữu Chính (Báo Đại Đoàn Kết) và 5 anh em trong đội tình nguyện người địa phương cùng 2 chiếc đò với trọng tải gần 2 tấn. Chúng tôi đã chạy liên tục nhiều chuyến để đưa tận tay “tấm lòng” của các nhà hảo tâm tới bà con nhân dân. Riêng Nhà báo Lê Hữu Chính cùng anh Lê Đức và 4 anh em trong đội tình nguyện ở Xuân Ninh đã 3 ngày qua dầm mình trong lũ, xuyên đêm ngày cứu hàng trăm người khi lũ ập về, rồi đưa hàng ngàn suất quà đến tận tay bà con.
Nhà báo Lê Hữu Chính (Báo Đại Đoàn Kết) 3 ngày đêm dầm mình trong lũ cứu dân. |
Chuyến đò cuối cùng đưa 400 suất cơm tới bà con vùng lũ. |
Đến 16h chiều, khi số hàng trao tới tay bà con gần hết thì các nhà hảo tâm tiếp tục “alô” đến và 800 suất cơm nữa lại tiếp tục cập bến Xuân Ninh. Chuyến cuối cùng gần 18h, khi trời tối mịt, chúng tôi bắt xuất phát chia nhau mỗi đò 400 suất cơm đi về các thôn để kịp thời cứu đói cho bà con.
Đò tôi đi về thông Lộc Long, xã Xuân Ninh. Đến nơi, 4 người chúng tôi tắt động cơ đò và thay nhau chèo bộ len lỏi khắp các lối trong thôn để đưa tận tay từng suất cơm cho người dân. Khi chúng tôi gọi “ai cần cơm không?” khắp các lối xóm vọng lại, “cho mệ với, hai ngày ni ăn mì tôm sống rồi”, "cho tui với nhà tui có 5 gia đình trú ở đây, gần 30 người hai ngày chưa ăn cơm”,... Rồi những cụ già trên 70 tuổi lội nước ngang ngực, những bà cụ vén quần lên hết đùi nhưng vẫn ướt sũng ra lấy từng hộp cơm khiến chúng tôi chực trào nước mặt.
Những phần cơm được đưa tận tay bà con trong lũ. |
Cụ già hơn 70 tuổi lội nước lũ xin cơm. |
Đến 21h, khi những phần cơm cuối cùng được đưa đến tay bà con, chúng tôi rời đi cũng là lúc gió rất to khiến con đò chồng chềnh giữa mênh mông sóng nước. Chuyến đò cuối trong ngày cuối cùng về đến bến sau hơn 30 phút vật lộn với sóng to giữa lúc tối trời. Đói, lạnh run người nhưng những hình ảnh các cụ già ngâm mình trong nước, những tiếng gọi xin cơm của bà con lại thôi thúc chúng tôi ngày mai tiếp tục lên đường.