Những chiếc tủ lạnh thực phẩm miễn phí ở Thuỵ Sĩ
Vừa thân thiện với môi trường, vừa chống lãng phí
Đây là một phần trong nỗ lực của các cộng đồng ở Thụy Sĩ và các quốc gia Châu Âu khác với mục tiêu bảo vệ môi trường đồng thời giúp cắt giảm lãng phí thực phẩm.
Những chiếc tủ lạnh thực phẩm miễn phí được dán chữ “Free-Go” và được đặt tại các đường phố tại Geneva, nơi người qua đường có thể thoải mái lấy trái cây, rau, bánh mì và các đồ ăn khác để mang về nhà.
Tủ lạnh thực phẩm miễn phí ở Geneva, Thuỵ Sĩ (Ảnh: Independent) |
Bà Shala Moradi, 65 tuổi chia sẻ: “Ý tưởng này thật tuyệt. Tôi có thể lấy dâu tây, anh đào,…đều miễn phí”.
Trong khi đó, các chủ nhà hàng và những người khác cũng có thể tận dụng dự án này để cho đi những thực phẩm sắp hết hạn hoặc có nhiều quá mà dùng không hết.
Mới gửi một số cà chua từ vườn rau của mình vào tủ lạnh thực phẩm, bà Severine Cuendet, một giáo viên 54 tuổi, nói: “Chúng tôi có quá nhiều. Tôi rất hoan nghênh sáng kiến này và đây cũng là niềm vui và rất có ích vì có rất nhiều nhu cầu ở khu phố này”.
“Tủ lạnh miễn phí thực phẩm” Free-Go chính thức ra mắt vào năm ngoái, hiện đã lắp đặt được 4 tủ lạnh như vậy ở Geneva và chuẩn bị cho cái thứ 5 trước cuối năm nay.
Bà Marine Delevaux, Giám đốc dự án cho biết, thực phẩm được mọi người cho đi thường được lấy hết trong vòng một giờ. Vì lý do sức khỏe và quy định, mọi người không được phép để thực phẩm đông lạnh, hộp đựng thực phẩm đã mở nắp, thức ăn chế biến sẵn hoặc rượu trong tủ lạnh.
Người đóng góp thực phẩm cũng phải cam kết đảm bảo thực phẩm quyên góp là an toàn để sử dụng.
Tủ lạnh thực phẩm miễn phí được đặt trên đường phố để mọi người có thể lấy hoặc cho đi thực phẩm (Ảnh: Independent) |
Free-Go đang thử nghiệm hình thức đưa tủ lạnh đến các khu chung cư để cư dân dễ dàng tham gia chương trình hơn. Chương trình cũng đã thiết lập một “đường dây nóng” mà các chủ nhà hàng có thể sử dụng để gọi nhờ thu hồi thực phẩm mà họ không dùng để tránh lãng phí.
Bà Delevaux cho biết chiếc tủ lạnh đầu tiên ở Geneva đã giúp tiết kiệm khoảng 3,2 tấn thực phẩm khỏi bị lãng phí vào năm ngoái. Trong số các thực phẩm được mọi người cho đi, chỉ khoảng 3% phải vứt bỏ vì không ai muốn dùng.
Chính phủ Thụy Sĩ ước tính rằng một phần ba thực phẩm dành cho tiêu dùng bị lãng phí hoặc vứt bỏ một cách không cần thiết tại nước này, tương đương khoảng 330kg rác thải thực phẩm cho mỗi người dân mỗi năm. Trong số đó, khoảng 100kg là rác thải của các hộ gia đình.
Muôn vàn biện pháp chống lãng phí thực phẩm
Trong khi gần một tỷ người bị suy dinh dưỡng hoặc đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, thì gần 1/3 sản lượng thực phẩm trên thế giới đang bị lãng phí.
Theo Liên hợp quốc (LHQ), ước tính có khoảng 931 triệu tấn thực phẩm, tương đương 17% tổng lượng thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng vào năm 2019, đã bị vứt vào thùng rác của các hộ gia đình, nhà bán lẻ, nhà hàng và các dịch vụ thực phẩm khác.
Trọng lượng lương thực bị lãng phí này gần tương đương với 23 triệu chiếc xe tải 40 tấn chở đầy tải, đủ để xếp vòng quanh Trái đất 7 lần.
Bên cạnh đó, quá trình sản xuất thực phẩm chưa từng được tiêu thụ này đã tạo ra khoảng 10% lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu. Tình trạng này đang có xu hướng tồi tệ trong những năm gần đây.
Theo báo cáo của Cơ quan Môi trường và Quản lý năng lượng Pháp, người tiêu dùng quốc gia này là những người lãng phí nhất khi có đến 33% lượng thực phẩm vứt đi là từ tủ lạnh của các gia đình hoặc trên các đĩa ăn của thực khách ở nhà hàng. Tỷ lệ này ở các cơ sở sản xuất là 32%, ở các nhà máy là 21% và cửa hàng thực phẩm là 14%.
Lãng phí thực phẩm không những gây thiệt hai về kinh tế mà còn tác động xấu đến môi trường, gây biến đổi khí hậu |
Vì vậy từ năm 2016, Pháp là quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm các siêu thị lãng phí và buộc các nhà bán lẻ lớn tặng đồ ăn không bán được, hoặc phải đối mặt với mức phạt là hơn 3.700 euro. Pháp cũng đặt mục tiêu giảm 50% chất thải thực phẩm vào năm 2025.
Ngay sau Pháp, Hạ viện Italy đã thông qua luật chống lãng phí thực phẩm, vốn gây thiệt hại cho Italy 2 tỷ euro mỗi năm. Điều luật mới khuyến khích nông dân, công ty chế biến thực phẩm và thương nhân tặng thực phẩm dư thừa thay vì vứt bỏ, tuy nhiên phải bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Với luật này, Italy mong muốn nâng số lượng thực phẩm dư thừa quyên góp từ 550.000 tấn lên 1 triệu tấn để cứu trợ 6 triệu người gặp khó khăn.
Tại Tây Ban Nha, tất cả công ty liên quan đến sản xuất và cung cấp thực phẩm phải có kế hoạch giảm thiểu chất thải thực phẩm, nếu không họ có thể bị phạt tới 60.000 euro và lên tới 500.000 euro nếu tái phạm.
Ứng dụng di động giải quyết tình trạng lãng phí thực phẩm Mới đây, các nhà khởi nghiệp người Mỹ đã giới thiệu 2 ứng dụng di động để giải quyết thực trạng lãng phí thực phẩm. |