Nhóm Công ty Đất Lành: Từ tai tiếng bất động sản đến ồn ào nợ xấu

Không chỉ bị khách hàng tố cáo bán đất “vịt trời”, nhóm Công ty Đất Lành của đại gia Vũ Anh Cường còn dính đến ồn ào nợ xấu khiến các ngân hàng phải khổ sở trong quá trình thu hồi nợ.
Nhóm Công ty Đất Lành và những 'bánh vẽ' dự án bất động sản

Như thông tin đã đưa về nhóm Công ty Đất Lành của ông Vũ Anh Cường (đại gia dính ''phốt'' quấy rối cô gái trẻ trên máy bay Vietnam Airlines vào cuối tháng 7/2019 gây bức xúc dư luận), đây kaf nhóm doanh nghiệp địa ốc có tiếng với hàng loạt dự án khu dân cư phân lô bán nền ở TP HCM.

Theo đó, ông Vũ Anh Cường và cộng sự đã lập ra hàng loạt công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản như: Công ty TNHH Tư vấn dịch vụ Kinh doanh Đất Lành do ông Vũ Anh Cường làm Giám đốc, Công ty TNHH Đất Lành (nay là Công ty CP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Đất Lành), Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21… Các công ty này nhanh chóng thâu tóm, liên kết kinh doanh dự án nhà ở tiềm năng tại khu vực trung tâm TP HCM.

Được biết, Công ty CP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Đất Lành được thành lập năm 2004, có trụ sở chính ở số 87 Hàm Nghi, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP HCM, khi đó ông Vũ Anh Cường là Chủ tịch Hội đồng quản trị, người đại diện pháp luật.

nhom cong ty dat lanh tu tai tieng bat dong san den on ao no xau
Ông Vũ Anh Cường đã không còn là người đại diện của Công ty CP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Đất Lành từ đầu năm 2016.

Tuy nhiên, đầu năm 2016, công ty này đã đổi địa chỉ sang 6A Thi Sách, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM và người đại diện theo pháp luật mới là ông Vũ Mạnh Trường - Chủ tịch Hội đồng quản trị. Hiện tại công ty đặt trụ sở chính tại số 1 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP HCM.

Đáng nói, những lùm xùm về các dự án bất động sản của nhóm Công ty Đất Lành và ông Vũ Anh Cường đã được người dân, báo chí phản ánh trong suốt thời gian qua.

Cụ thể, vào năm 2004, bằng con đường hợp tác kinh doanh với Công ty CP Xây dựng số 14 làm dự án tiểu khu 12A (thuộc Khu nhà ở Bình Trưng Đông, quận 2, TP HCM), Công ty CP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Đất Lành do ông Vũ Anh Cường làm Tổng giám đốc được kinh doanh dự án. Tuy nhiên, khi chưa đủ điều kiện kinh doanh, công ty này đã nhanh chóng huy động vốn từ người mua đất nhưng không bàn giao đất như cam kết, cũng không trả lại tiền khiến khách hàng bức xúc, tố cáo ông Vũ Anh Cường và Công ty Đất Lành lừa đảo chiếm dụng vốn.

Đến đầu năm 2010, nhóm ông Vũ Anh Cường tiếp tục thành lập Công ty TNHH Thế kỷ 21 Bình Trưng Tây, hoạt động chính trong lĩnh vực “Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê”. Đến cuối năm 2018, công ty có vốn điều lệ là 247,8 tỷ đồng, tương đương 14 triệu USD, trong đó 100% là nguồn vốn tư nhân.

Nhóm ông Vũ Anh Cường lập Công ty TNHH Thế kỷ 21 Bình Trưng Tây để thực hiện dự án Khu nhà ở diện tích 14,59 ha tại phường Bình Trưng Tây và Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP.HCM (cụ thể là tách ra từ dự án đầu tư của Công ty TNHH Phát triển quốc tế Thế kỷ 21 - trước đây là Công ty Phát triển quốc tế Thế kỷ 21 và đã được UBND TP HCM tạm giao đất để tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng tại phường Bình Khánh, Bình Trưng Tây, quận 2, TP HCM).

nhom cong ty dat lanh tu tai tieng bat dong san den on ao no xau
Khách hàng căng băng rôn tố Công ty TNHH Thế kỷ 21 Bình Trưng Tây. Ảnh: TBDN.

Với dự án này, Công ty TNHH Thế kỷ 21 Bình Trưng Tây vẫn sử dụng "chiêu" như Công ty CP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Đất Lành là ký thoả thuận hợp tác đầu tư với khách hàng để thu tiền mua các biệt thự có trị giá hàng chục tỷ đồng, dù dự án chưa xây dựng hạ tầng cơ sở. Vì thế số phận dự án Bình Trưng Tây sau đó cũng lao đao và cuối cùng phải bán lại dự án Bình Trưng Tây cho doanh nghiệp khác.

Một dự án khác là khu tổ hợp nhà ở, chung cư tại số 26 đường Mai Chí Thọ (khu đô thị Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM) do Công ty CP Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 (trước là Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21) làm chủ đầu tư.

Khu đất dự án có diện tích 30ha, nằm trong quy hoạch khu nhà ở tái định cư rộng 160ha tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đây là quỹ đất đẹp hiếm có ở trung tâm Thủ Thiêm mà nhiều doanh nghiệp bất động sản mơ ước, không đặt chân vào được.

Theo phản ánh của báo chí, trong năm 2007-2009, UBND TP HCM đã chỉ đạo cắt 30,1 ha đất tái định cư cho người dân Khu đô thị mới Thủ Thiêm (thuộc khu tái định cư tập trung có diện tích 90,3 ha ở Nam Rạch Chiếc, phường An Phú, quận 2) để hoán đổi lấy khu đất 30,2 ha ở phường Bình Khánh và phường Bình Trưng Tây, quận 2 của Công ty TNHH Phát triển quốc tế Thế kỷ 21.

Sau đó, tháng 7/2017 khu đất 30,2 ha hoán đổi cũng được giao nốt cho Công ty CP Phát triển quốc tế Thế kỷ 21 để làm dự án bất động sản. Như vậy, hơn 60,3 ha đất từ quỹ đất tái định cư đã nhanh chóng về tay doanh nghiệp này, để rồi sau đó đại gia địa ốc Novaland xuất hiện trong vai trò đơn vị phát triển dự án (thực chất, Novaland đã sở hữu chi phối 99,91% vốn của Công ty CP Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21, qua đó là chủ của dự án này).

Đáng nói, không chỉ mang tai tiếng bị khách hàng tố cáo bán đất “vịt trời”, do năng lực tài chính yếu kém nên nhóm Công ty Đất Lành của đại gia Vũ Anh Cường còn dính đến ồn ào nợ xấu khiến các ngân hàng phải khổ sở trong quá trình thu hồi nợ.

Được biết, Công ty CP Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 khi triển khai dự án nhà ở tại Thủ Thiêm đã được ngân hàng BIDV – Chi nhánh Bắc Sài Gòn cho vay vốn nghìn tỷ đồng. Dư nợ vay ngắn hạn được xác định ở thời điểm bán công ty này vào năm 2016 là hơn 1.356 tỷ đồng, chiếm 1/3 tổng nợ phải trả của công ty (riêng số nợ thuế hoãn lại là hơn 658 tỷ đồng). Tuy nhiên, do khó khăn tài chính nên Công ty CP Phát triển quốc tế Thế kỷ 21 đã phải “bán mình” cho Novaland.

Bên cạnh đó, hai doanh nghiệp thuộc nhóm Công ty Đất Lành khác cũng dính đến ồn ào nợ xấu, ngân hàng khó có thể thu hồi. Cụ thể, Công ty CP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Đất Lành và Công ty TNHH Thế kỷ 21 Bình Trưng Tây. Tổng số nợ xấu được ghi nhận lên tới hơn 118 tỷ đồng, đều được phân loại nợ nhóm 5 (nhóm nợ có khả năng mất vốn) từ năm 2015.

Trong khi đó, Công ty TNHH Thế kỷ 21 Bình Trưng Tây còn có khoản nợ xấu 22 tỷ đồng tại Sacombank, rất khó thu hồi. Sau đó, ngân hàng này đã phải bán phần lớn nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), số còn lại không có tài sản nên chấp nhận “khoanh” lại trên sổ sách, vẫn chưa rõ khả năng thu hồi.

Với tình cảnh đầu tư các dự án dở dang, bị thu hồi thì doanh nghiệp sẽ rất khó để cân đối dòng tiền từ kinh doanh để trả nợ cho các ngân hàng. Hơn nữa, các khách hàng góp vốn đầu tư vào dự án cũng liên tục gây sức ép đòi nợ tiền, tố cáo chủ doanh nghiệp lừa đảo… khiến cho uy tín ngày càng giảm sút. Đây cũng là lời cảnh tình cho các doanh nghiệp đối tác, khách hàng của nhóm công ty đại gia Vũ Anh Cường.

Thành Nhân
Phiên bản di động