Nhiều ý kiến đồng tình xem xét lại quy định xét tuyển đại học bằng điểm IELTS

Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Giáo dục & Đào tạo cần phải tính toán và xem xét thật kỹ lưỡng về mức độ ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, TOEIC để thay thế điểm thi.
Thí sinh có IELTS 4.0 được miễn thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ Vĩnh Phúc: Cử giáo viên đạt IELTS từ 7.0 trở lên đi bồi dưỡng ở Úc Khi cơn sốt chứng chỉ ngoại ngữ “tràn” về kỳ tuyển sinh vào lớp 10 Hà Nội: Hàng loạt trường công bố tuyển thẳng lớp 10 bằng IELTS

Lộn xộn trong cấp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế

Nâng cao khả năng tiếng Anh cho thế hệ trẻ là một trong những yếu tố góp phần vào quá trình hội nhập, đưa Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Bởi vậy, 2 năm qua, việc đưa công nhận chứng chỉ IELTS, TOEIC để xét tuyển đại học được nhiều trường lựa chọn. Song cũng cần đánh giá lại mức độ của việc dùng kết quả này để thay thế điểm thi.

Năm 2023, Bộ GD&ĐT quy định các trường hợp được miễn thi ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp gồm: Thành viên đội tuyển quốc gia thi Olympic quốc tế môn ngoại ngữ theo quyết định của bộ trưởng Bộ GD&ĐT; Thí sinh có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ hợp lệ và đạt điểm tối thiểu theo quy định của Bộ.

Điều này dẫn tới việc nhiều tổ chức, đơn vị tổ chức thi và cấp chứng chỉ sau ngày 10/9/2022 khi chưa được Bộ phê duyệt, gây ra tình trạng lộn xộn, thiếu tuân thủ.

Bên cạnh đó, trong xét tuyển đại học, rất nhiều trường chọn dùng các chứng chỉ IELTS, TOEFL... để tuyển sinh đầu vào, quy đổi chứng chỉ theo thang điểm riêng, kết hợp với những yếu tố khác như điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi Đánh giá năng lực để tính điểm xét tuyển.

Mới đây, Cục trưởng Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ sẽ đánh giá lại việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để thay thế điểm thi tốt nghiệp.

Nhiều ý kiến đồng tình

Trao đổi với phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô, PGS.TS Nguyễn Duy Đồng, Phó Chủ tịch Hội Hàng không cho biết: “Tôi đồng ý hoàn toàn với việc Bộ GD&ĐT phải xem xét lại việc công nhận IELTS, TOEIC xét tuyển Đại học, khối nào có ngoại ngữ, thí sinh được 6.5 - 7.0 IELTS thì ưu tiên, nhưng phải là những ngành dùng ngoại ngữ. Còn những ngành nào không dùng ngoại ngữ thì không tuyển thẳng như thế được, do đó chính sách này phải xem xét lại cho phù hợp với thực tiễn”.

Nhiều ý kiến đồng tình xem xét lại quy định xét tuyển đại học bằng điểm IELTS
PGS.TS Nguyễn Duy Đồng, Phó Chủ tịch Hội Hàng không

TS Bùi Thị Như Ngọc, giảng viên Khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, chứng chỉ IELTS, TOEIC hướng cho sinh viên vươn ra thế giới vì chứng chỉ tiếng anh rất nhiều quốc gia sử dụng. Tuy nhiên, tiêu chí để xét tuyển dựa trên tiêu chí trình độ như thế nào cần phải được xem xét kỹ lưỡng.

“Tiêu chí của hệ thống các trường đại học ở Mỹ và các tiêu chí ở đại học Việt Nam chắc chắn sẽ khác nhau, điểm khác nhau dựa trên cơ sở bạn có được học tiếng Anh từ bé hay không. Xét tuyển đại học cần nhiều tiêu chí đào tạo khác nữa chứ không chỉ cần mỗi tiếng Anh. Cho nên xuất phát từ tiêu chí khác nhau thì hình thức xét tuyển nó cũng sẽ khó hoặc không nên chỉ lấy chuẩn là chứng chỉ”, TS Bùi Thị Như Ngọc đánh giá.

Nhiều ý kiến đồng tình xem xét lại quy định xét tuyển đại học bằng điểm IELTS
TS Bùi Thị Như Ngọc

Trong khi đó, Phạm Thị Khánh Linh, sinh viên Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Rất nhiều bạn học sinh đổ xô học, luyện thi IELTS mà không đầu tư và cân bằng các môn trong kì thi THPT. Chính điều này khiến các bạn rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan" khi điểm thi IELTS không cao, sẽ rất khó để có thể bắt đầu ôn thi cân bằng các môn học đã bỏ bê trước đó".

Không nên coi IELTS là “tấm vé vàng” để vào đại học

Em Phú Trần, hiện đang là sinh viên trường Đại học Giao thông Vận ở Hà Nội nêu quan điểm: “Tiếng Anh rất tốt nhưng đại học không phải chỉ có tiếng Anh. Nếu dùng chứng chỉ xét tuyển một vài ngành học như kiểu quốc tế hay chất lượng cao thì ổn, còn chương trình học ở đại học vẫn là áp dụng các môn học đã học từ cấp 1, nên là không thể dùng mỗi chứng chỉ tiếng Anh để thay thế được”.

Em Hoàng Khánh Tùng, học sinh lớp 11 trường THPT Chu Văn An, TP Thái Nguyên bày tỏ sự băn khoăn, lo ngại khi IELTS được coi là “tấm vé vàng” xét tuyển vào những trường đại học hàng đầu Việt Nam. Em Tùng cho biết, có nhiều trường hiện nay ưu tiên xét tuyển thẳng đối với thí sinh có chứng chỉ IELTS đã dẫn đến việc tăng sự cạnh tranh đối với các thí sinh xét điểm thi tốt nghiệp THPT khiến em khá áp lực, chưa kể, gây ra sự “không công bằng” đối với các học sinh ở khu vực xa xôi, có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện luyện thi IELTS.

Nhiều ý kiến đồng tình xem xét lại quy định xét tuyển đại học bằng điểm IELTS
Hoàng Khánh Tùng, học sinh lớp 11 trường THPT Chu Văn An, TP Thái Nguyên

Trong khi đó, thầy giáo dạy TOEIC Cao Tuấn Nghĩa cho rằng, Bộ GĐ&ĐT đưa ra đề xuất này vào một thời điểm khá nhạy cảm, khi mà đợt xét tuyển đại học năm nay vừa diễn ra và số lượng thí sinh đỗ đại học bằng chứng chỉ ngoại ngữ tăng cao. "Tuy nhiên, Bộ chưa có quyết định chính thức và tôi tin là Bộ sẽ có những điều chỉnh bổ sung kèm theo để đảm bảo quyền lợi cho tất cả mọi người" - thầy Cao Tuấn Nghĩa nói.

Nhiều ý kiến đồng tình xem xét lại quy định xét tuyển đại học bằng điểm IELTS
Thầy giáo dạy TOEIC Cao Tuấn Nghĩa
Hương Giang
Phiên bản di động