Nhiều tín hiệu vui về kinh tế - xã hội trong 2 tháng đầu năm 2021
Chiều 2/3, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2021, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng trong tháng 2 và hai tháng đầu năm.
Theo đó, từ đầu năm 2021 đến nay, kinh tế vĩ mô của cả nước duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 2 tháng đầu năm 2021 giảm 0,15% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 0,64%. Tuy nhiên, CPI tháng 02/2021 tăng 1,5% so với tháng trước, đây là mức cao nhất của chỉ số giá tháng Hai trong 8 năm gần đây và tăng 1,56% so với tháng 12/2020.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng cao. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm nay ước tính đạt 95,8 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 48,6 tỷ USD, tăng 23,2%; nhập khẩu đạt 47,3 tỷ USD, tăng 25,9%. Cán cân thương mại hàng hóa 2 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 1,3 tỷ USD.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2021. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong tháng 2/2021 diễn biến tương đối thuận lợi, nhiều mặt hàng được mùa, được giá. Chăn nuôi phát triển tốt, cung ứng đầy đủ sản phẩm và giá cả không biến động trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Dịch tả lợn châu Phi đã cơ bản được kiểm soát, đàn lợn tiếp tục đà hồi phục. Công tác trồng rừng và triển khai “Tết trồng cây” đầu xuân được tổ chức thiết thực tại nhiều địa phương. Sản xuất thủy sản phát triển ổn định, giá tôm đang ở mức cao do nhu cầu của ngành chế biến.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục có chuyển biến tích cực, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4% (cùng kỳ tăng 7,1%). Nhiều sản phẩm tăng mạnh như tivi các loại tăng 61,5%; linh kiện điện thoại tăng 55,7%; thép cán tăng 47,3%...
Nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu dồi dào; giá cả được giữ ổn định; hàng hóa đa dạng, phong phú. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 5,49% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,52% (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,4%).
Tình hình đăng ký doanh nghiệp có nhiều tín hiệu tích cực trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Cả nước có 18,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn đăng ký là 334,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 172,8 nghìn lao động, tăng 4% về số doanh nghiệp, tăng 52,2% vốn đăng ký.
Các lĩnh vực về văn hoá, xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Đời sống dân cư nhìn chung ổn định, không phát sinh thiếu đói trên phạm vi cả nước (đây là tháng thứ 9 liên tiếp không phát sinh thiếu đói trên phạm vi cả nước).
Thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tuyệt đối không được chủ quan trong phòng chống dịch Covid-19; sát sao trong chỉ đạo điều hành; chủ động theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước; nghiên cứu, phân tích kỹ xu hướng, tác động, ảnh hưởng để xây dựng đề xuất các giải pháp, đối sách hiệu quả, khả thi cả trong ngắn hạn, trung hạn, phù hợp với diễn biến, tình hình về dịch Covid-19 trong khu vực và trên thế giới. Từng thành viên Chính phủ phải nỗ lực hơn nữa, thể hiện tinh thần trách nhiệm và tính kỷ luật cao trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân