Nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Động,Thực vật Hoang dã Thế giới (3/3)

Để hưởng ứng Ngày Động, Thực vật Hoang dã Thế giới (3/3), hàng loạt các hoạt động ​​được tổ chức tại nhiều tỉnh thành nhằm kêu gọi công chúng ngừng săn bắt, mua bán và tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp.
Ra mắt phim truyền thông về bảo vệ động vật hoang dã, đa dạng sinh học Hải Dương: Khởi tố đối tượng mua bán động vật hoang dã quý hiếm Hải Dương: Bắt giữ vụ mua bán động vật nguy cấp quý hiếm

Trong khuôn khổ hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học do WWF phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện, thuộc dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, các hoạt động diễn ra tại các tỉnh đều chung một chủ đề chính của năm nay: “Chung tay bảo tồn động, thực vật hoang dã”.

Ngày Động,Thực vật Hoang dã Thế giới hàng năm dành để tôn vinh và ghi nhận tầm quan trọng của tất cả các loài động, thực vật hoang dã trên thế giới đối với cuộc sống và sức khỏe của hành tinh. Việt Nam là một trong nhiều quốc gia tiêu thụ thịt động vật hoang dã và các bộ phận khác của động vật như thực phẩm và dược liệu qua nhiều thế hệ. Nhu cầu liên tục này đã gây ra sự suy giảm đáng kể về quần thể động vật hoang dã (ĐVHD), với nhiều loài đang trên bờ vực tuyệt chủng, và nhiều loài khác đã biến mất khỏi tự nhiên ở Việt Nam. Theo khảo sát về tiêu thụ thịt ĐVHD do WWF-Việt Nam thực hiện năm 2021, người tiêu dùng thịt ĐVHD cho biết trung bình họ sử dụng thịt ĐVHD bảy lần/ năm, và việc tìm mua thịt ĐVHD tại một số địa phương khá dễ dàng. Kết quả khảo sát này đang thách thức tất cả những người làm việc trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã và đòi hỏi phải có những hành động mạnh mẽ hơn từ các cá nhân, tổ chức và cơ quan chính quyền các cấp trong các lĩnh vực liên quan.

Nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Động,Thực vật Hoang dã Thế giới (3/3)
Người dân cam kết chung tay bảo tồn động, thực vật hoang dã

Trong thời gian qua, Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học thuộc dự án Quản lý Rừng Bền vững và Bảo tồn Đa dạng Sinh học (VFBC), do USAID tài trợ, đang làm việc với các đối tác chính phủ và khối tư nhân để xây dựng những cam kết mạnh mẽ nhằm bảo tồn động, thực vật hoang dã. Cho đến nay, dự án đã vận động tổng cộng 2.100 nhà hàng và cộng đồng địa phương ở vùng đệm của các khu bảo tồn ký cam kết “không tiêu thụ thịt thú rừng”. Hơn nữa, Cục Kiểm lâm, các Ban Quản lý rừng và nhân viên kiểm lâm và các đội tuần tra đang hợp tác để giảm thiểu các mối đe dọa trong rừng, đặc biệt là loại bỏ các bẫy dây vốn là mối đe dọa chính đối với động vật hoang dã trong nhiều thập kỷ.

Nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Động,Thực vật Hoang dã Thế giới (3/3)
Giải Chạy để bảo tồn động, thực vật hoang dã lần đầu tiên diễn ra tại Vườn Quốc Gia Bạch Mã, tỉnh Thừa Thiên Huế thu hút hơn 500 vận động viên đăng ký tham gia.

“Chúng tôi kêu gọi các cá nhân, cộng đồng và các tổ chức hãy cùng chúng tôi lên tiếng và chung tay hành động chấm dứt tình trạng săn, bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ trái phép các sản phẩm từ các loài động, thực vật hoang dã, hướng tới xây dựng lối sống hài hòa với tự nhiên, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học’’, ông Vũ Văn Hưng, Giám đốc Dự án VFBC, Phó trưởng ban Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

“Dù Ngày Động, Thực vật Hoang dã Thế giới chỉ diễn ra duy nhất một ngày trong năm, nhưng tất cả chúng ta cần chung tay bảo tồn động, thực vật hoang dã 364 ngày còn lại nếu chúng ta muốn nhìn thấy động vật hoang dã trong tự nhiên trong tương lai. Một lựa chọn rất đơn giản: cùng chúng tôi ngăn chặn tiêu thụ động thực vật hoang dã bất hợp pháp, hay để chúng biết mất vĩnh viễn.” ông Nicholas Cox, Giám đốc Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học do USAID tài trợ chia sẻ.

Một trong những hoạt động nổi bật của chiến dịch hưởng ứng Ngày Động, Thực vật Hoang dã Thế giới 3/03 lần này là giải Chạy để bảo tồn động, thực vật hoang dã lần đầu tiên diễn ra tại Vườn Quốc Gia Bạch Mã, tỉnh Thừa Thiên Huế thu hút hơn 500 vận động viên đăng ký tham gia. Sự tham gia của các vận động viên thể hiện sự cam kết và mong muốn của toàn xã hội được góp sức vào những nỗ lực của chính phủ Việt Nam, của các tổ chức trong nước và quốc tế, kêu gọi chấm dứt tình trạng buôn bán và tiêu thụ thịt động vật hoang dã. Sự kiện cũng tạo ra một phong trào mạnh mẽ nhằm nâng cao nhận thức về bảo tồn động vật hoang dã thông qua hàng loạt các hoạt động truyền thông cộng đồng và các trò chơi tương tác.

Bảo Phương
Phiên bản di động